03/01/2015 09:09 GMT+7

​Cuộc đoàn tụ hạnh phúc

PHAN PHAN
PHAN PHAN

TT - “Con về với Tư đây, Tư ơi!” - chỉ nói được có thế, người phụ nữ tay dắt đứa con, tay ôm chầm lấy cụ già 78 tuổi rồi khóc nấc.

Bà Huệ vui vầy bên bốn đứa con - Ảnh: P.Phan

13 năm lưu lạc, người phụ nữ ấy mới được đặt chân lên mảnh đất quê hương.

Ngay vào giây phút ấy, bà Trương Thị Huệ (42 tuổi) không thể ngờ rằng sau những đắng cay của cuộc đời, bà được trọn vẹn hạnh phúc trong hai lần đoàn tụ...

Cuộc đoàn tụ thứ nhất

Đó là tối 25-10-2014, một chuyến xe tốc hành chạy từ TP.HCM xuống ấp Phước Quới (xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Bà Huệ nhấp nhổm ngồi trên xe. Bé gái tên Cẩm Tú chưa đầy 1 tuổi ngủ thiếp đi trên tay mẹ.

Vài ngày trước, những người tốt bụng đã giúp bà tìm lại đường về chốn quê hương chỉ qua những thông tin trong trí nhớ của bà: một miền quê nghèo, đường vào ấp “bùn ngập tới gối”, “có hàng dừa nước”, “cây cầu nhỏ”... Tất cả đều là đặc trưng của vùng miền Tây sông nước.

Gặng hỏi thêm, bà Huệ khóc nức nở kể về cuộc đời nhiều biến cố. Bà chỉ nhớ mang máng đó là một xã của tỉnh Tiền Giang, nơi có người dì ruột và cũng là mẹ nuôi của mình.

Anh Ngô Văn Long, người đã hỗ trợ đưa mẹ con bà Huệ về, cùng những người bạn đăng một mẩu tin ngắn lên các trang mạng cá nhân. Có nhiều bình luận gửi đến chỉ dẫn đường đi và thông tin liên hệ với địa phương theo những mô tả ban đầu của bà Huệ, nhưng không có thông tin nào đảm bảo chính xác.

Khi mọi hi vọng đang tắt dần, cuộc điện thoại từ ông Dương Thanh Phong (công an ấp Phước Quới) báo lên xác nhận có nhân khẩu tên Trương Thị Huệ, bỏ nhà đi cách đây 13 năm, vẫn chưa cắt hộ khẩu. Tất cả trùng khớp với lời kể của bà Huệ, mọi người vỡ òa. Chuyến xe tốc hành rời thành phố ngay sau đó, khi trời vừa nhá nhem tối.

Bước xuống xe, ngay trước chiếc cầu nhỏ dẫn về nhà, bà Huệ run run bảo: “Đúng rồi, nhà tui đây rồi”. Khi ấy trời tối đen như mực, vài chiếc đèn pin rọi tới. Cụ Trương Thị Nhung (78 tuổi) chống gậy, dò dẫm bước tới, thều thào: “Mày về đó hả Út Huệ?”. Bà Huệ bước tới ôm chặt lấy cụ Nhung (Tư Nhung) - người đã nhận nuôi bà từ nhỏ.

Đứng trước ngôi nhà gỗ lụp xụp mà mười mấy năm trước đã rời bỏ, bà Huệ rưng rưng: “Con về ở luôn với Tư đây, Tư ơi”. Hai người cứ thế ôm nhau khóc nức nở. Đứa trẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra đã được các dì, các bác bế chuyền trên tay.

Cuộc đoàn tụ thứ hai

Hỗ trợ làm giấy khai sinh cho bé Tú

Ông Nguyễn Văn Tâm, trưởng ấp Phước Quới, cho biết: “Chính quyền ấp đang hướng dẫn bà Huệ viết đơn xác nhận để tiến hành cấp mới giấy khai sinh cho bé Tú để tiện việc học hành sau này. Còn về chồng và ba con trai của bà, chúng tôi cũng đã hỗ trợ nhập hộ khẩu để gia đình sinh sống và sản xuất lâu dài tại địa phương theo nguyện vọng”.

Ngày rời miền quê nghèo đi tìm cuộc sống mới ở TP.HCM, bà chuẩn bị bước vào tuổi 30. Lên thành phố, bà làm đủ nghề: mua bán trái cây, bán bánh cam, bánh tét, bán vé số... để kiếm sống.

Tuổi con gái lỡ thì, đến năm 2007 bà gặp ông Nguyễn Trường Duy, lái xe ôm ở bến xe Miền Tây. Đồng cảnh ngộ, hai người chẳng cưới xin gì mà về ở cùng và có với nhau ba mặt con.

“Ba năm sau, khi vừa sinh con trai út được 4 tháng, anh Duy uống rượu rồi đánh đập tui. Khổ quá, tui đi để lại ba đứa con trai cho ảnh. Đi rồi thì không quay lại được” - bà Huệ nhớ lại.

Chuyến xe buýt hôm đó đưa bà lên Tây Ninh, gần cửa khẩu Mộc Bài. Bà gặp và kết duyên với một người nữa. Nhưng yên ấm chưa được bao lâu, người chồng mới của bà chẳng may bị đột quỵ qua đời. Vừa hết tuần tang, bà bồng bế đứa con mới sinh 6 tháng tuổi về lại TP.HCM, bắt đầu những chuỗi ngày lang thang.

“Tôi gặp hai mẹ con chị Huệ vào tối 18-10-2014 trên đường Trần Quốc Toản (Q.3, TP.HCM). Hai mẹ con sáng đi nhặt ve chai, tối ngủ ngoài lề đường. Tôi thương bé Tú còn nhỏ nên kêu gọi bạn bè cùng giúp đỡ. Chị Huệ được đưa về nhà một người bạn ở tạm một tuần thì có nguyện vọng trở lại quê hương” - bà H.Đ. (một nhà từ thiện đề nghị không nêu tên) cho biết.

Về quê nhà khoảng ba tuần, bà Huệ bất ngờ nhận được tin từ một người bạn báo về. Đó là những thông tin về người chồng cũ và ba đứa con của bà Huệ vẫn đang ở gần khu vực bến xe Miền Tây. “Tui xin được số điện thoại của anh nhưng không dám gọi. Tui có tội với anh và các con” - bà Huệ tâm sự, lấy tay lau nước mắt.

“Thương bé Tú không ba, rồi đám con ở trển (thành phố) anh lo không xuể, tui nằm suy nghĩ mấy đêm, khóc hết nước mắt. Đắn đo mãi tui gọi cho anh” - bà Huệ kể tiếp.

Cuộc gọi lúc nửa đêm ngắt quãng mấy lần vì bà xúc động, nghẹn lời: “Tui bảo anh về ở cùng, có khó thì cùng vượt qua, tui không bỏ đi nữa. Các con chúng thiếu ba, thiếu má coi sao đặng, còn làm giấy tờ để đi học nữa. Mình nghèo mà để con mình cũng nghèo, lang thang không được đi học là cái tội lớn nhất”.

Lúc ấy, ông Duy nghe xong cuộc điện thoại thì im lặng. Bà Huệ tưởng hết hi vọng. Nhưng tình thương đã vượt qua những oán giận, tủi hờn.

“Lúc đó là 5g chiều, có một người đàn ông đeo balô, bế một đứa bé, dắt hai đứa con nít theo sau hỏi đường vào nhà chị Huệ. Tui thấy lạ vì người này chưa đến đây bao giờ, mới mời vô nhà uống nước. Ngồi hỏi mãi mới biết là chồng và con chị Huệ” - ông Ngô Văn Phước, em họ bà Huệ, kể lại. 

Hạnh phúc một lần nữa gõ cửa 

Cuộc đoàn tụ thứ hai diễn ra cũng bất ngờ và đầy nước mắt. Niềm vui nhân đôi khiến người kiệm lời như ông Duy bộc bạch: “Tui thương Huệ, thương các con. Còn được bên nhau là vui rồi!”.

Hai vợ chồng đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Sáng sớm, ông Duy cùng bà Huệ đến các chủ vườn trái cây xin lau vỏ trái lồng mứt. Một giỏ đầy hơn 50kg được trả công 10.000 đồng, ngày nào làm nhiều được hơn bốn giỏ. Cuối ngày, hai ông bà đến tiệm tạp hóa đầu ấp mua gạo và ít cá khô.

Bà Huệ cầm túi gạo trên tay, cười mãn nguyện: “Mới về, bà con hàng xóm giúp đỡ cho chén gạo, hộp sữa cho bé Tú. Nay đi làm được rồi, xoay xở cũng mua được gạo cho mấy đứa nhỏ. Cũng mong có cái nhà của mình để tết này bớt tủi thân”.

Cuộc sống thiếu thốn là thế, nhưng ngôi nhà được cho mượn ở tạm của hai người không ngớt tiếng cười. Tối đến, người anh lớn nhất 8 tuổi tên Nguyễn Trường Huy chỉ chữ a, chữ o cho hai em tên Trường Quang (7 tuổi) và Trường Phú (4 tuổi). Trường Huy mới được dạy đánh vần ở một lớp học tình thương trong xã, cứ ê a đọc suốt ngày.

Vợ chồng bà Huệ - ông Duy lúi húi nhóm lửa, nấu cơm phía sau. Khi những cơn dông bão của cuộc đời đi qua, họ có được cuộc sống bình yên...

PHAN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp