01/05/2010 19:31 GMT+7

Cuộc di tản nhìn từ bảo tàng Midway

THIÊN DI (San Diego, tháng 4-2010)
THIÊN DI (San Diego, tháng 4-2010)

TTCT - Đúng 12g trưa 30-4-2010, Bảo tàng Midway trên bến cảng San Diego, nguyên là hàng không mẫu hạm USS Midway, cử hành kỷ niệm chiến dịch cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam mà con tàu này đã tham dự. 35 năm sau, thời gian đủ dài để nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam, cụ thể là cuộc di tản ấy trên biển.

QdSzwmiM.jpgPhóng to
Boong tàu hàng không mẫu hạm Midway nay thành sân chơi trẻ em - Ảnh: LIÊN MINH

Bản thông cáo của Bảo tàng Midway ghi rõ: “Đây là kỷ niệm lần thứ 35 chiến dịch Frequent Wind... Công chúng được mời tham dự lễ kỷ niệm đặc biệt... với sự góp mặt của hạm trưởng tàu USS Midway năm 1975 Larry Chambers cùng chỉ huy không lực Vern Jumper... Vé bán 20 USD cho người lớn kèm theo một huy hiệu kỷ niệm”.

Những người lính cũ của chiếc Midway muốn tìm về “cảnh cũ người xưa”. Đối với họ, từ hạm trưởng Larry Chambers đến viên chỉ huy Vern Jumper, “cảnh cũ người xưa” chính là chiến dịch Frequent Wind.

Cách đây hai năm rưỡi, vào tháng 10-2007 các cựu quân nhân của khu trục hạm USS Kirk đã tụ họp kỷ niệm tương tự tại thủ đô Washington trong một buổi tiệc ngồi với sự tham gia của cựu thứ trưởng ngoại giao Richard L. Armitage, người được ghi nhận có tham gia tích cực vào chiến dịch di tản Frequent Wind. Nhân buổi gặp mặt này, các cựu quân nhân của khu trục hạm USS Kirk từng tham gia chiến dịch Frequent Wind đã được trao tặng huy chương.

Từ USS Kirk đến USS Midway

Từ USS Kirk đến USS Midway, tất cả những gì liên quan đến chiến dịch Frequent Wind là kỷ niệm không quên. Như kỷ niệm của cựu thiếu tá không quân Sài Gòn Lý Bửng, người được tàu USS Midway ghi khắc tên vì kỳ tích của mình. Phiên bản một chiếc L-19 giống chiếc năm xưa ông Lý Bửng đã lái cùng hình ảnh chuyến hạ cánh của ông hiện treo lơ lửng trong hầm chứa máy bay.

Đến nay, hình ảnh về cuộc di tản ngày 29 và 30-4-1975 hầu hết là của những chiếc trực thăng bốc người di tản từ Sài Gòn đi, chiếc trực thăng chở đại sứ Martin, “nắm đấm” của một người Mỹ vào mặt một người Việt không cho người này leo lên trực thăng chuẩn bị cất cánh, những chiếc trực thăng bị xô xuống biển để trống chỗ cho các chiếc khác đáp xuống.

Có phải chiến dịch di tản Frequent Wind đã được quyết định vào giờ chót? Không, đây là một kế hoạch chuẩn bị sẵn rất chi li. Cả một hạm đội gồm hơn 50 chiến hạm đã được huy động từ nhiều tháng trước. Như khu trục hạm USS Kirk được lệnh nhổ neo rời căn cứ hải quân San Diego từ đầu tháng 3-1975. Hàng không mẫu hạm USS Hancock được lệnh cặp bến Hawaii để bốc số máy bay chiến đấu trên tàu xuống, thay vào đó bằng các trực thăng vận tải của thủy quân lục chiến Mỹ. Khu trục hạm USS Kirk sau đó sẽ hộ tống hàng không mẫu hạm USS Hancock trực chỉ biển Đông...

Chiếc USS Kirk bắt đầu vào cuộc với chiến dịch Eagle pull, di tản khoảng 300 người Mỹ ra khỏi Phnom Penh, Campuchia thất thủ hôm 17-4-1975. Sau đó, nó xuôi nam về hướng Singapore cùng khu trục hạm USS Cook hộ tống hàng không mẫu hạm USS Midway. Trên lệnh hành quân là để nghỉ dưỡng, nhưng sau đó là để neo ngoài khơi biển Đông, đợi chiến dịch Frequent Wind.

Các chiến hạm tự giải giới

Khu trục hạm USS Kirk đã trở thành mục tiêu cho không ít phi công trực thăng di tản tìm cách đáp xuống. Từ sáng 29-4-1975, chiếc USS Kirk loan báo có một sân đáp trực thăng trên boong, nhưng suốt buổi sáng nó vẫn không đón được chiếc nào. Mãi đến cuối buổi chiều, một chiếc UH-1 của không quân Sài Gòn mới lò dò đáp xuống, dẫn theo tổng cộng 16 chiếc UH-1, một chiếc CH-47 Chinook khổng lồ hai chong chóng và một chiếc trực thăng vũ trang Cobra, với tổng cộng gần 200 người di tản. Trong số các chiếc UH-1 có một chiếc của Air America, tức hãng hàng không “mật” của CIA, sau này được bàn giao cho USS Okinawa.

Đến thứ ba 6-5-1975, toàn thể hạm đội di tản của hải quân Sài Gòn, gồm 32 chiếc tàu lớn bé, đến cửa vịnh Subic (Philippines). Lệnh ban ra: tất cả chiến hạm này phải tự giải giới hoàn toàn. Các chiến hạm Mỹ cho canô cặp vào các tàu này bốc đi hết súng ống, đạn dược. Sáng 7-5-1975, chính quyền Marcos của Philippines cho phép vào vịnh Subic. Đúng 12g, toàn thể 32 con tàu này hạ cờ Sài Gòn, thượng cờ sao sọc của Hoa Kỳ, kết liễu cái gọi là hải quân Việt Nam cộng hòa.

Chiều hôm ấy, hơn 3 vạn người rời tàu lên bến Subic. Một phụ nữ từ trần trước đó trên chiếc USS Kirk đã được thủy táng do không được phép của Chính phủ Philippines cho mang thi thể cập bến. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) năm trước đã đánh trận Hoàng Sa được chuyển giao cho hải quân Philippines.

Chiến dịch Frequent Wind là một nỗ lực của Mỹ nhằm di tản tàu của hải quân Sài Gòn, tránh không để lại làm chiến lợi phẩm. Kế hoạch này do ông Richard L. Armitage phụ trách. Ông này, nguyên là một sĩ quan hải quân Mỹ, vào thời điểm ấy là phái viên của Bộ Quốc phòng Mỹ với nhiệm vụ lập kế hoạch di tản nhiều tàu chiến của hải quân Sài Gòn. Cả một danh sách sĩ quan, viên chức Mỹ đã được sắp xếp để “kèm cặp” từng con tàu trong chuyến hải hành cuối cùng này. Ít nhất mỗi chiếc đều có một quan chức Mỹ kèm theo.

Chiếc HQ-03 Trần Nhật Duật đón ông Armitage từ chiếc USS Kirk bay ra tiếp quản ở một vị trí ngoài khơi Côn Đảo. Ông Armitage sau này là thứ trưởng ngoại giao dưới trào cựu tổng thống Bush.

Một chiều tháng 4-2010, chiếc Midway ngày nào hét ra bom đạn ấy nay biến thành một bảo tàng nổi. Boong tàu dưới đài chỉ huy biến thành sân chơi cho trẻ em không thích ngắm những chiếc máy bay hung dữ ngày nào. Sực nhớ ra 35 năm đã qua.

Trả lời phỏng vấn của cựu phi công Lý Bửng trên một tờ báo Việt ngữ ở Mỹ gần đây:

* Anh bay từ đâu ra hàng không mẫu hạm và vào ngày nào?

- Tôi bay từ Côn Sơn. Đầu tiên tôi bay từ Tân Sơn Nhất ra Côn Sơn ngày 29-4, rồi từ Côn Sơn bay ra hàng không mẫu hạm ngày 30-4.

* Anh bay bao lâu thì thấy hàng không mẫu hạm?

- Khoảng nửa tiếng hay 45 phút thì gặp chiếc USS Midway.

* Nếu không gặp, máy bay của anh có đủ nhiên liệu bay qua Thái Lan không?

- Nếu ở sát biên giới Thái Lan thì được, còn ở Sài Gòn, Biên Hòa, Nha Trang hay Côn Sơn thì không đủ nhiên liệu bay qua Bangkok.

* Vậy khi gặp hàng không mẫu hạm, anh làm gì?

- Tôi xin nó cho mình đáp xuống, nhưng khổ nỗi trên máy bay của tôi không có vô tuyến để liên lạc với dưới hàng không mẫu hạm, nên tôi cứ bay vòng vòng xung quanh nó và dùng các phương pháp mình đã học để áp dụng cho nó hiểu mình xin đáp nhưng chẳng thấy dấu hiệu trả lời! Sau đó tôi nghĩ ra cách viết ghi chú cho họ hiểu là tôi xin đáp.

Đầu tiên tôi cột vào con dao và bay sát con tàu, tôi mở cửa liệng dao xuống. Nó đụng sàn tàu, tưng lên rơi xuống biển. Sau đó tôi làm cái thứ hai, thứ ba, cột vào dây súng thảy xuống, cũng rơi luôn xuống biển. Lần thứ tư, tôi cột vào khẩu P38, bay thật thấp và liệng xuống. Lần này nó không rơi xuống biển. Tôi nhìn thấy một người chạy lại lượm lên coi và chạy biến đi, không biết đi đâu. Sau khi xuống tàu, được biết khi lượm và đọc ghi chú của tôi, họ chạy ngay lên báo cho hạm trưởng.

Tôi bay mấy vòng nữa quan sát thì thấy họ đang dọn dẹp mấy chiếc trực thăng đậu trên phi đạo cho gọn lại, lúc đó tôi biết họ đồng ý cho mình xuống.

* Trên máy bay L-19 anh chở những ai?

- Máy bay L-19 chỉ có một chỗ cho hoa tiêu, một chỗ cho người quan sát, nhưng tôi “chơi” luôn bảy người là tôi, vợ và năm đứa con. Chính điều này làm người Mỹ rất sợ vì chở quá trọng tải!

THIÊN DI (San Diego, tháng 4-2010)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp