Chúng ta không còn lạ về việc nông dân trồng rau luống riêng, nuôi gà chuồng riêng để phục vụ riêng cho gia đình mình.
Còn lại, có khu riêng để đem bán, phun thuốc trừ sâu thoải mái hơn, với nhiều cách làm "thoáng" hơn. Có thể nhiều nông dân nghĩ đây là cách an toàn, tự bảo vệ mình. Thật sai lầm!
Một, hai người làm như vậy, nhiều người sẽ làm như vậy, và nhân lên rất nhanh. Hôm nay bán rau có thể phải mua thịt, nếu tự chủ được cả hai, sẽ còn rất nhiều thứ khác, từ gia vị, thực phẩm khô, trái cây, hay món ăn chế biến mua từ thị trường… Trong khi nông dân không thể tự chủ hết tất cả lương thực, thực phẩm... hằng ngày.
Nếu không chấm dứt cách làm chụp giật, chạy theo số lượng và lợi nhuận, bất chấp khả năng gây nguy hiểm cho tất cả mọi người, thì từ trẻ em tới người lớn đều đứng trước nguy cơ phải chiến đấu với bệnh tật ở bệnh viện. Không một ai có thể nói mình an toàn nếu những sản phẩm không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát chất lượng vẫn tràn lan.
Phải xác định rõ biện pháp chấm dứt từ gốc lề lối, cách làm không chú trọng an toàn thực phẩm. Chúng ta đang giao việc quản lý an toàn thực phẩm cho nhiều cơ quan, trong đó chính quyền địa phương rất quan trọng.
Nhưng ngay cấp xã, nơi cán bộ có thể nhìn thấy, biết rõ ai dùng thuốc bảo vệ thực vật quá mức, lại nói chủ yếu… "nhắc nhở là chính" sẽ rất khó có sự thay đổi.
Thị trường đã có câu trả lời. Nông dân có thể bán được nhiều sản phẩm hơn nếu như người tiêu dùng không… sợ mất an toàn thực phẩm. Dân thành phố đang tự trồng rau. Doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào trang trại an toàn. Trong khi đó, thực phẩm ngoại, từ trái cây đến gạo, thịt… cũng đang vào thị trường nội ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, không thể chờ đợi người dân thay đổi mà cần có "nhạc trưởng" mạnh tay chỉ huy "dàn nhạc" thực phẩm sạch. Nếu đã có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thì cũng cần nghiên cứu cơ chế "truy xuất" trách nhiệm những nơi để xuất hiện thực phẩm không an toàn.
Không phải ngẫu nhiên nhiều quốc gia ra quy định rất chặt chẽ việc nhập khẩu thực phẩm. Họ cử hẳn người sang tận nước xuất khẩu để kiểm tra rất kỹ các điều kiện rồi mới cấp phép xuất khẩu nông sản, thực phẩm… vào nước họ.
Bởi lẽ đơn giản, nông sản, thực phẩm nguy hại không chỉ tăng các chi phí y tế, mà còn có thể khiến tăng gánh nặng xã hội về bệnh tật, thương vong...
Với những lý do kể trên, đã đến lúc Việt Nam cần cuộc chiến mạnh mẽ hơn, coi chống làm thực phẩm bẩn giống như chống buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại bởi mức độ nguy hiểm, tác động xã hội của thực phẩm bẩn không hề thấp, thậm chí còn cao hơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận