Vừ Pà Sinh lấy nước ở hốc đá thuộc bản Lỳ Chá Tủng, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - Ảnh: Ngọc Hiển |
Phải mua nước. Bên trường học thì nhờ quen biết mà mua được nước từ Lũng Táo giá 1,2 triệu đồng/xe (6m3). Còn UBND xã thì mua nước từ Yên Minh chở lên mỗi xe 1,5 triệu đồng. Tại những đơn vị này, nước được quản lý rất chặt, xã phân công nhiệm vụ và giao chìa khóa cho một người theo dõi và quản lý nước...! |
Bà Ly Thị Kía |
Bản Lỳ Chá Tủng, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn với mấy cụm nhà nằm lốm đốm trên một triền núi đá, cách nhà vua Mèo Vương Chí Sình một dãy núi đá cao dựng đứng.
Dưới chân thung lũng được tạo thành bởi sự “oằn mình” của dãy núi có hai hốc đá, một tự nhiên, một nhân tạo, là chỗ lấy nước chính của 57 hộ trong bản.
Một can nước đi nhiều cây số
Trong một buổi chiều nhá nhem giữa tháng 5, đi trên con đường men theo triền núi đá nhìn xuống, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông mang hai chiếc can loại 30 lít, chiếc thì gùi, chiếc thì xách đi lấy nước.
Đó là Vừ Pà Sinh, đang len lỏi qua con đường mòn quanh các hốc đá và đám cỏ voi cao quá đầu người. Hốc nước anh lấy là một tảng đá được “ông trời” khoét cho như hình cái ná rộng 3-4m2 và có lẽ không sâu quá đầu người, nước trong và mát lạnh.
Cạnh đó cũng là một hốc khác rộng vài chục mét vuông, vừa tận dụng phần lõm của tảng đá rồi xây tường ximăng thành hốc, nhưng nước chỉ xấp xỉ dưới đáy có màu xanh đùng đục của tảo.
Anh buộc nước sau “con xe” Win rồi chạy quanh co len lỏi qua mấy ngọn đồi, ngược con đường bêtông lên đỉnh một ngọn núi thấp vào nhà. Trong sân nhà Sinh có hai bể nước nối với mấy máng xối bao quanh mái nhà nhưng nước cũng sắp cạn.
Nước đối với gia đình năm con người của nhà Sinh hằng năm như “một cuộc chiến” vậy: “Bể nước mưa này dùng tiết kiệm cũng được ba tháng. Hốc đá cách nhà gần cây số kéo dài thêm được hai, ba tháng nữa.
Những tháng còn lại phải qua (xã) Thài Phìn Tủng chở về. Cũng may bữa nay có hồ treo Thài Phìn Tủng, nếu không thì phải đi xa và chờ lâu lắm!”.
Mỗi ngày nhà Sinh xài ít nhất hai can 30 lít, phần lớn cho bò và dê uống. Còn nước sinh hoạt rất ít, chủ yếu dùng nấu ăn và uống. Mọi việc tắm, giặt đều phải đến hốc đá trong bản và hồ treo ở xã bên cạnh. Việc tắm giặt cũng hết sức tiết kiệm, chỉ mỗi tuần một lần vì nước không có nhiều.
Tuy nhiên, cái may nhất mà Vừ Pà Sinh không nhắc đến là con lộ từ nhà anh đến các xã xung quanh từ lâu được mở rộng và trải nhựa.
Anh có “con xe” Win nên lúc nào cũng sẵn sàng bon bon chở nước, khác hẳn với trước đây mùa thiếu nước phải mỗi người mỗi can gùi bộ mấy tiếng.
Bà Ly Thị Kía, phó chủ tịch UBND xã Sà Phìn, nói xã Sà Phìn ở trong tình cảnh “ba 100%”, đó là: 100% người Mông, 100% thiếu nước và 100% diện tích núi đá.
Thực ra, còn không ít 100% khác mà bà Kía còn dè dặt, có thể kể như thiếu lương thực hay số lượng thanh niên làm thuê bên kia biên giới... Nhưng “nóng” nhất vẫn là chuyện thiếu nước.
Năm 2002, xã Sà Phìn được huyện đầu tư xây cái hồ treo hứng nước từ núi đá ở phía nam bản Sà Phìn A, nhưng hồ này chỉ vài trăm mét khối và sau vài năm sử dụng thì bị hỏng, không giữ được nước, gần như quanh năm cạn đáy.
Đến năm 2008 một hồ treo nữa, dung tích 3.000m3, được xây ở phía bắc của bản Sà Phìn A. Nhưng chẳng hiểu lỗi kỹ thuật ra làm sao mà hồ này chẳng tích được nước và đang được sửa chữa.
Nạn thiếu nước trở nên nghiêm trọng trong suốt mấy tháng không chỉ đối với người dân mà còn đối với các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn xã.
Vừ Mí Dà ở bản Mua Phà Sá, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn gùi nước về nhà - Ảnh: Thái Lộc |
Chiến lược bảo vệ nước
“Phải mua nước. Bên trường học thì nhờ quen biết mà mua được nước từ Lũng Táo giá 1,2 triệu đồng/xe (6m3). Còn UBND xã thì mua nước từ Yên Minh chở lên mỗi xe 1,5 triệu đồng.
Tại những đơn vị này, nước được quản lý rất chặt, xã phân công nhiệm vụ và giao chìa khóa cho một người theo dõi và quản lý nước...!” - bà Kía nói.
Những ngày đầu tháng 5 chúng tôi đến, trước tình trạng “bể cạn đáy”, UBND huyện Đồng Văn cũng vừa duyệt chi cho UBND xã Sà Phìn và Trường bán trú Sà Phìn 20 triệu đồng để mua nước.
Ông Dinh Chí Thành, phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết chiếm hơn 70% diện tích huyện này là đá toàn đá, cây rất khó mọc nên diện tích che phủ rừng chỉ khoảng 35%.
Ngoài Sà Phìn, các “xã đá” khác cũng thiếu nước triền miên gồm: Lũng Thầu, Vần Chải, Hố Quán Phìn, Tà Lủng, Tả Phìn, Tả Lủng...
Vì vậy lãnh đạo huyện đã đề ra một chiến lược bảo vệ nước như giữ rừng tuyệt đối, không những không đốn cây mà củi cũng cấm lấy để giữ độ ẩm, bảo vệ sinh thủy.
Không riêng gì huyện Đồng Văn, đi nhiều nơi ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, vấn đề bức xúc và nan giải bậc nhất vẫn là thiếu nước.
Bởi vậy, công việc quan trọng nhất của mỗi gia đình sống trên núi vẫn là xây bể tích trữ nước mưa và dành quá nhiều thời gian cho việc giữ nước, lấy nước.
Để thích nghi, người dân vùng này có nhiều cách để giữ và lấy nước. Ngoài bể hứng nước mưa tại nhà, phổ biến nhất vẫn là tận dụng và cải tạo hốc đá tự nhiên, nện chặt đáy hốc bằng đất sét để giữ nước mưa; làm hồ treo hứng nước lưng chừng núi hoặc dùng ống cao su dẫn nước về nhà từ những hốc nước rỉ ra trong lòng núi cao...
Hiện nay nhờ xe cộ, đường sá và nhiều dụng cụ khác khiến câu chuyện nước không còn “vô cùng khủng khiếp” đối với người Mông như trước đây. Chỉ cần có “con xe” phi vài cây số là đến ngay một hồ treo ở xã xa hoặc lên một hốc đá nào đó để chở nước về dùng.
Thành lập đội bảo vệ nước Theo ông Dinh Chí Thành, tại các xã của huyện Đồng Văn đều có các đội và các bản đều có các tổ để bảo vệ nước. Mỗi đội, mỗi tổ sẽ có 5-10 người luân phiên theo dõi, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt tại các hồ treo cho cư dân trong vùng. “Có những thời điểm nguồn nước không thể đáp ứng cho tất cả các hộ dân cùng sử dụng nên các đội, các tổ sẽ đứng ra điều hành để người dân khu vực này được lấy nước bao nhiêu tiếng, khu kia được lấy bao nhiêu tiếng. Mục đích cuối cùng là điều tiết để tất các hộ dân đều có thể dùng được nước” - ông Thành nói. |
______________________
Kỳ tới: Lưỡi cày độc đáo
Xem các kỳ trước: >> Kỳ 1: >> Kỳ 2: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận