Sáng 25-10, tờ L’Expresso của Ý tung hê việc các cơ quan mật vụ Mỹ, Anh đã do thám các lãnh đạo nước này, dẫn nguồn tin từ nhà báo Glenn Greenwald của tờ Guardian, vốn có liên hệ “độc quyền” với cựu nhân viên NSA Edward Snowden.
Phóng to |
Từ trái sang: các lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh chuẩn bị vào cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels ngày 25-10, trong đó họ cùng có thái độ cương quyết với việc Mỹ do thám các đồng minh ở châu Âu - Ảnh: Reuters |
Theo tờ L’Espresso, cơ quan chuyên “nghe ngóng” của Anh là GCHQ đã hợp tác với tình báo Mỹ và Anh, không chỉ nghe ngóng mỗi chuyện “chống khủng bố” - vốn là lý lẽ biện minh cho hoạt động do thám - mà còn nghe ngóng cả các “ý định chính trị” của Chính phủ Ý, tỉ như tại sao thủ tướng Ý hồi năm 2011 lại chống lại kế hoạch can thiệp vào Libya... Vì những sự vụ như thế mà giám đốc các cơ quan tình báo MI6, MI5 và GCHQ sẽ ra điều trần trước Ủy ban tình báo và an ninh Anh ngày 7-11 để trả lời câu hỏi: “Snowden đã tuồn ra những thông tin mật nào về các hoạt động tình báo của Anh và Mỹ?”.
Trong mấy ngày qua, sau Pháp đến lượt Đức um sùm vì việc Thủ tướng Merkel bị nghe lén điện thoại, khiến người phát ngôn Nhà Trắng phải thanh minh. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp thượng đỉnh phải dành nhiều thời gian để bàn về an ninh dữ liệu.
Thế nhưng, theo tờ Guardian ngày 24-10, không chỉ chừng ấy lãnh đạo châu Âu và Nam Mỹ bị nghe lén, mà có đến 35 lãnh đạo các nước bị NSA của Mỹ theo dõi. Việc nghe lén được thực hiện ngay vào các đường dây cáp quang đặt dưới biển, trong đó có hai đường dây Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 3 và 4 (SeaMeWe3, SeaMeWe4), tờ L’Expresso cho biết, vẫn theo nguồn tin là Glenn Greenwald trích từ Snowden.
Đáp trả tin “35 lãnh đạo thế giới bị nghe lén” tung ra từ báo châu Âu là tin do tờ Washington Post xì ra lúc 4g32 thứ sáu 25-10 (giờ Washington D.C), theo đó một số viên chức Mỹ không xưng danh cho biết Mỹ đang “báo động” (nguyên văn của tờ Post) một số cơ quan tình báo nước ngoài rằng có đến 30.000 tài liệu về việc hợp tác an ninh với Mỹ, trong đó có cả việc nghe ngóng các nước đối thủ như Iran, Nga, Trung Quốc, đã bị Snowden đánh cắp. Đặc biệt, còn có những tài liệu liên quan đến việc cộng tác với một số nước mà trên bề nổi không được xem là đồng minh với Mỹ. Theo các viên chức Mỹ này, đây không phải là các tài liệu thuộc nhiệm sở cũ của Snowden mà là của một cơ quan khác chuyên thu thập thông tin tình báo toàn cầu, đặc biệt là tin tình báo quốc phòng, có tên là JWICS, được các cơ quan tình báo của quân đội, lục quân, không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.
Nguy cơ từ 30.000 tài liệu bị Snowden đánh cắp, chính là việc các nước không phải là đồng minh với Mỹ song lại “cộng tác” với Mỹ, nay bị “lộ tẩy” không biết sẽ “ăn nói” làm sao với các nước liên quan bị “đề cập đến”! Nhắm mắt cũng thấy tác hại của số tài liệu này nếu như chúng có thật và đang từ trong tay Snowden tuôn ra cho ai đó. Tất nhiên, Snowden tiếp tục lên tiếng quả quyết chẳng mang tài liệu gì sang Nga cả!
Một ngày trước động tác “báo động” này, đài Nga RT loan tin FBI nay đang nghi kỵ rằng một nhà ngoại giao Nga tên Yury Zaitsev, người đứng đầu chương trình trao đổi văn hóa Nga - Mỹ ở Washington, đang chiêu mộ thanh niên Mỹ làm “gián” cho Nga, qua các chuyến sang Nga giao lưu văn hóa! Ông này than phiền rằng sự cáo buộc này là một tàn dư của thời kỳ chiến tranh lạnh, là nhằm tạo ra sự sợ hãi Nga trong xã hội Mỹ.
Phía Mỹ khi “báo động” bị mất 30.000 tài liệu tình báo quốc phòng vào tay Snowden, và nay Snowden đang ở Nga, nên các đồng minh và không-đồng-minh hãy... coi chừng Nga đã và đang khai thác Snowden.
Mỹ đang phản công. Dẫu sao thì nếu NSA hoặc JWICS của Mỹ hay GCHQ của Anh có nghe ngóng khắp thế giới, mà bốn tháng qua vẫn chưa dò được một chút tung tích của kẻ đào thoát, coi như đã thua trắng tay. Có trục xuất ông “trao đổi văn hóa” kia cũng chẳng gỡ gạc được gì!
_____________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận