24/11/2018 12:19 GMT+7

Cuộc chiến tin giả trong lòng nước Mỹ - Kỳ cuối: Tràn lan tin giả vụ nhà báo Khashoggi

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chính sách của Mỹ ở Trung Đông đang rối vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nhưng bên dưới những phát biểu của giới chức các bên, còn đó một cuộc chiến trong không gian ảo.

Cuộc chiến tin giả trong lòng nước Mỹ - Kỳ cuối: Tràn lan tin giả vụ nhà báo Khashoggi - Ảnh 1.

Người dân mang theo hình ảnh tham dự một buổi lễ cầu nguyện mang tính biểu tượng dành cho nhà báo người Saudi Arabia này tại sân thánh đường Fatih ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-11-2018 - Ảnh: Reuters

Mọi thông tin về ông Khashoggi đang mù mịt. Ông Jamal Khashoggi - cây bút của tờ Washington Post, nhà hoạt động đối lập người Saudi Arabia - đến Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2-10 làm thủ tục kết hôn và biến mất kể từ đó tới nay.

Giới tình báo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Saudi Arabia chỉ đạo giết ông Khashoggi, trong khi Saudi Arabia ngày 20-10 xác nhận ông Khashoggi đã chết sau một vụ ẩu đả ở lãnh sự quán. 

Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nghi ngờ hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman dính dáng tới vụ này, trong lúc lệnh trừng phạt lơ lửng trước mặt chính quyền Riyadh.

Giật gân như phim hành động

Những tình tiết ly kỳ mà tình báo Thổ Nhĩ Kỳ rò rỉ cho báo giới đang khiến vụ Khashoggi giật gân như một cuốn phim hành động. Kịch tính cũng không dừng lại ở đó. Trong thời đại số vẫn còn những cuộc chiến "số".

Các trang web kiểm tra độ giả - thật của tin tức tại Mỹ phát hiện một số tài khoản Twitter ở Saudi Arabia đang làm giả tin tức theo hướng có lợi cho Saudi Arabia, phủ nhận thông tin từ tình báo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin Reuters đã "dính chưởng" khi đưa tin về việc sa thải một lãnh sự Saudi Arabia và đã tháo bài viết hôm 17-10. Nhưng trên khắp Saudi Arabia, đang lan rộng khó kiểm soát. 

Nhiều trung tâm tin tức và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Saudi Arabia đang tung ra những câu chuyện theo thuyết âm mưu, dựa trên những tuyên bố vô căn cứ cho rằng toàn bộ vụ Khashoggi đang bị tác động theo hướng bôi nhọ hình ảnh vương quốc này.

Trong đó, vị hôn thê Hatice Cengiz của ông Khashoggi đang là nạn nhân. Họ cho rằng Khashoggi và Cengiz giả vờ làm thủ tục cưới xin vì một mục đích nào đó. 

Kênh tin tức nhà nước Al Arabiya mô tả Cengiz là "hôn thê tự nhận" và bản thân Cengiz là điệp viên, trong khi luận điểm đưa ra cho lập luận này chỉ là những dòng trạng thái chỉ trích chính quyền trên Twitter của Cengiz trong quá khứ. 

Trang Twitter mới thành lập từ tháng 9 năm nay Middle East Guardians - tự nhận là tổ chức kiểm tra tin giả - đưa bức ảnh Khashoggi chụp với Cengiz và khẳng định đây là "cú lừa đảo chính trị của thế kỷ", đồng thời bênh vực chính quyền Saudi Arabia.

Trong khi ông Khashoggi là người chỉ trích công khai hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman, dạng thông tin như vậy được xem là cách những người ủng hộ hoàng thái tử thuyết phục dư luận rằng có một âm mưu chống lại nhân vật này.

"Bút chiến" tại Mỹ

Sự kiện Khashoggi khiến quan hệ đồng minh giữa Saudi Arabia và Mỹ có nguy cơ tan vỡ. Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào thế khó. Một mặt ông khẳng định sẽ trừng phạt thích đáng nếu Saudi Arabia thực sự chỉ đạo giết ông Khashoggi, một mặt không muốn hủy hợp đồng bán vũ khí hơn 100 tỉ USD cho vương quốc này. 

Câu chuyện về vũ khí khiến chính trường Mỹ chia rẽ, khi phe Dân chủ xuất hiện nhiều lời kêu gọi lệnh cấm vũ khí cho Saudi Arabia. Báo chí Mỹ, như thường lệ, làm đậm vụ Khashoggi.

Một cuộc "ngoại chiến" như vậy bỗng chốc biến thành "nội chiến" trong lòng nước Mỹ. Tờ Breitbart - theo hướng bảo thủ, ủng hộ ông Trump - đã có bài viết gọi báo chí Mỹ là "fake news" (tin giả). 

Tác giả John Nolte trong bài bình luận ngày 18-10 đặt dấu hỏi tại sao báo chí Mỹ lại giật nẩy sau cái chết của một người không phải... người Mỹ. Còn nếu ông Khashoggi được quan tâm vì là cây bút của một tờ báo Mỹ (Washington Post) thì chẳng lẽ sinh mạng của ông ta đáng giá hơn bấy nhiêu người bỏ mạng mỗi ngày?

Ông Nolte cho rằng các bản tin giật gân trên truyền thông Mỹ hiện nay gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời mang theo nguy cơ tổn hại mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia - một đồng minh quan trọng của Washington tại Trung Đông. 

"Những chuyện này xảy ra khá nhiều mỗi ngày và là một phần của thế giới, và giờ chúng ta bị lừa... bị lừa bởi dạng truyền thông được sắp đặt với một mảnh tin giả màu mè" - ông Nolte viết.

Không quá khó hiểu khi cú "bút chiến" ấy của Breitbart không quên kêu gọi "tắt đài CNN đi", bởi CNN là một trong những đơn vị hăng hái đưa tin tiêu cực về ông Trump nhất.

Câu chuyện Khashoggi chưa biết sẽ dẫn tới đâu. Nhưng vào lúc này, người Mỹ có thể sẽ lần nữa đối diện với một cuộc chiến nội bộ khốc liệt trên phương diện truyền thông. Người ta sẽ lại tự hỏi như thế nào là "fake news" bởi nó không còn là một câu chuyện thật - giả, mà là ai đưa tin và đưa như thế nào.

Minh bạch để bảo vệ lợi ích quốc gia

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, giám đốc Trung tâm Báo chí quốc tế (FPC) tại Bộ Ngoại giao Mỹ Benjamin Weber khẳng định hướng xử lý của Mỹ là minh bạch thông tin để tránh hiểu lầm.

Theo ông Weber, FPC có mối quan hệ mật thiết với người phát ngôn chính quyền, từ đó hoạt động như một cầu nối đến báo chí, dựa vào báo chí để mang tới thông tin chính xác nhất cho người đọc.

Ngoài ra, cơ quan này cũng tổ chức những cổng kết nối (các "hub") báo chí đặt khắp nơi trên thế giới. Các cổng thông tin này tổ chức những buổi họp báo đường dài qua điện thoại, kèm theo các nội dung trích từ phát ngôn chính thức của quan chức Mỹ về những chủ đề liên quan trực tiếp tới từng khu vực họ chịu trách nhiệm.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp