Giới quân sự dùng tiếng lóng để gọi đây là một "chiến dịch đúng lúc" - ám chỉ một dạng không kích được thực hiện chớp nhoáng chỉ vài giờ sau khi phát hiện và định vị được mục tiêu đối phương.
Cuối tháng 10-2017 tại vùng miền bắc Mali, binh sĩ Pháp trong chiến dịch mang tên "Barkhane" đã triển khai một cuộc tấn công sấm sét vào khu vực đồn trú của phiến quân thánh chiến Hồi giáo gần làng Abeïbara sát biên giới với Algeria.
Cuộc không kích này đã huy động nhiều phương tiện kỹ thuật và hậu cần quan trọng và theo một kịch bản dựng sẵn: đầu tiên là một chiến đấu cơ Mirage 2000 thả một quả bom 250kg xuống mục tiêu nhằm gây rối phiến quân, sau đó các trực thăng Tigre (Con hổ) truy sát những phần tử đang tẩu thoát, và cuối cùng là lính đặc nhiệm mặt đất được triển khai để "quét sạch" trận địa, tịch thu vũ khí và những trang thiết bị thông tin quan trọng như điện thoại di động, máy tính, hồ sơ tài liệu… để sau này có thể dễ dàng lần theo dấu vết của những kẻ khủng bố trong khu vực sa mạc Sahara và dãy Sahel rộng lớn phía nam.
Hai ngày sau đó, tức vào ngày 26-10 tại thủ đô Paris, bộ trưởng quốc phòng Pháp đã nồng nhiệt chúc mừng chiến thắng: "Chiến dịch này đã loại khỏi vòng chiến 15 phần tử khủng bố thuộc nhóm Ansar Dine. Chúng ta cũng đã thu giữ hoặc phá hủy nhiều trang thiết bị và khí tài đạn dược của chúng".
Song, chẳng bao lâu sau đó thì tranh cãi đã nổ ra. Chính quyền Bamako khẳng định rằng trong số những đối tượng bị tiêu diệt còn có cả binh sĩ Mali bị bắt làm tù binh và các con tin bị nhóm thánh chiến Ansar Dine giam giữ từ nhiều tháng qua, đồng thời đánh giá đây là một chiến dịch thảm họa.
Đặc nhiệm Pháp tham gia chiến dịch trừng trị khủng bố Barkhane bảo vệ máy bay không người lái Reaper ở căn cứ không quân Pháp tại Niamey (Niger) - Ảnh: AFP
Từ một thay đổi chiến thuật cơ bản
Về phương diện phòng thủ, quân đội Pháp bắt buộc phải làm điều mà họ hết sức tránh, là để có thể chọn mục tiêu chính xác, họ buộc phải để lộ các thông tin tình báo của mình.
Vì thế, theo quyết định của bộ tham mưu tại Paris, khu trại của phiến quân đã được một máy bay không người lái của quân đội theo dõi suốt 20 giờ. Những nhóm quân nhân phụ trách giải mã bản đồ không ảnh được đóng chốt tại phi trường thủ đô Niamey của nước Niger cách đó vài trăm cây số sau đó đã xác định chính xác vị trí của một nhóm tay súng thánh chiến.
Một sĩ quan cao cấp của Pháp tại thực địa đã tiết lộ trên Đài RFI như sau: "Nhóm người này sinh hoạt và làm việc chung với nhau, và cũng cầu nguyện tại cùng một địa điểm nên chiến dịch đã không gặp phải trở ngại nào", và nhìn nhận rằng "có một số người không mang vũ khí nhưng thường đó là tại khu vực huấn luyện".
Ngay tại thời điểm hành động đó, khó có nhân vật nào đoán được kết cục sẽ là thành hay bại, nhưng một vài nhân vật cũng đã mạnh dạn tiết lộ chiến dịch này. Và sau khi nước Pháp thông báo những hậu quả nặng nề từ vụ không kích thì mọi người mới nhảy vào cuộc.
Pháp hiện có 6 chiến đấu cơ không người lái hiệu Reaper, mà họ mua của Mỹ theo kiểu "hàng chợ", trong đó có 5 chiếc có thể bay liên tục 24 giờ liền ở độ cao từ 5.000-8.000m đang đỗ tại phi trường Niamey, sau khi được sự đồng ý của chính quyền nước Niger. Một chiếc còn lại được bảo quản tại căn cứ không quân Cognac tại Pháp để dùng cho huấn luyện chuyên viên điều khiển và phân tích không ảnh.
Chiếc Reaper của quân đội Pháp - Ảnh: AFP
Và hẳn nhiên là trong giới chính trị quân sự, quyết định này đánh dấu một bước chuyển thật sự của Paris, bởi lâu nay nước Pháp luôn chần chừ trong việc vũ trang cho các máy bay không người lái, có thể là do e ngại đụng chạm với những chỉ trích quyết liệt từ những tổ chức bảo vệ nhân quyền về những "thiệt hại không đáng có về con người" mà những thiết bị bay này gây ra.
Bởi lẽ, quân đội Mỹ cũng đã từng bị chỉ trích là đã giết hại dân thường trong những cuộc không kích dạng này tại Pakistan, Afghanistan, Yemen và Somalia, và hậu quả là đã tạo nên những làn sóng trả thù từ gia đình và những phe nhóm của những người bị giết.
Hơn nữa, chính giới quân sự, đặc biệt là các phi công, cũng tỏ ra bất mãn khi thấy "quyền uy" của họ trên chiến trường đã bị máy móc thay thế. "Một chiến binh không xung trận thì đâu còn là một chiến binh"!
Binh sĩ Mỹ chuẩn bị cho xuất kích một máy bay không người lái ở căn cứ Leatherneck, tại Afghanistan - Ảnh: REUTERS
Yếu tố kinh tế
Tại Paris, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly muốn trấn an dư luận khi khẳng định rằng việc triển khai chiến đấu cơ không người lái vẫn tuân thủ theo quy tắc của một cuộc không kích "cổ điển" là do một trực thăng hay một chiến đấu cơ Rafale dẫn đường.
Bà đề nghị không nên đồng hóa những thiết bị bay này với những "cỗ máy giết người". Một vài chuyên gia cũng đồng ý quan điểm trên, như giám đốc Học viện Nghiên cứu chiến lược IRSEM, Jean-Baptiste Jeangène Vilmer, đã khẳng định trên trang mạng The Conversation France như sau: "Trong trường hợp chiếc Reaper cũng như tất cả những máy bay không người lái hiện có, là phải có một con người thật đứng ra chọn mục tiêu và ra lệnh cho phi hành đoàn khai hỏa".
Đúng vậy, nhưng con người cũng có thể sai lầm như trường hợp vừa kể trên.
Và dù sao đi nữa, quyết định vũ trang cho các máy bay không người lái của Pháp cũng đã là chuyện "ai cũng biết" trong chính giới công nghiệp quân sự nước này. Một sĩ quan cao cấp của chiến dịch "Barkhane" khẳng định: "Thật là phi lý nếu không có chúng. Những chiếc máy bay không người lái này chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí. Giống như khi chúng ta bắn một quả tên lửa tầm xa từ một chiến hạm đậu cách mục tiêu vài trăm cây số vậy thôi".
Đa số các binh sĩ đang đóng quân tại khu vực dãy Sahel - nơi họ đang phải truy lùng những nhóm phiến quân nhỏ lẻ trên một vùng rộng lớn 3km2, cũng đã tỏ ra đồng thuận với ý kiến trên.
Lợi ích chiến thuật của thiết bị bay không người lái là hiển nhiên. Chúng giúp bảo đảm sự hiện diện theo dõi thường xuyên của quân đội. Và một khi phát hiện được mục tiêu, chúng ta có thể theo dõi đối phương trong suốt 20 tiếng sau đó để tính được thời điểm tấn công thích hợp nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại về người"
Một sĩ quan cao cấp của chiến dịch "Barkhane" của Pháp
Binh sĩ Mỹ cùng binh sĩ Philippines trong cuộc tập trận phóng máy bay không người lái để dọ thám - Ảnh: REUTERS
Trước khi xảy ra cuộc không kích gây nhiều tranh cãi nói trên tại Abeïbara, thì vào mùa xuân vừa rồi quân đội Pháp đã từng tiến hành thành công tuyệt đối một chiến dịch tương tự tại khu vực tiếp giáp giữa ba nước Mali, Niger và Burkina Faso.
Khi đó, một nguồn tin tại thực địa xác nhận: "Nhờ vào máy bay không người lái, chúng ta đã có thể xác định chính xác vị trí đóng quân của đối phương trong rừng sâu, biết rõ được đường vào và đường ra của chúng, nắm được các điểm tiếp tế và cả nơi chúng cầu nguyện. Khi đó, chúng ta đã phối hợp cả máy bay Mirage 2000, trực thăng và lực lượng mặt đất trong đợt không kích này".
Và mặc dù không công khai minh bạch nhưng việc vũ trang các máy bay không người lái sẽ giúp Chính phủ Pháp tiết kiệm được ngân sách, như lời gợi ý của bà Bộ trưởng Florence Parly cách đây vài tuần: "Cách làm mới này sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng các máy bay chiến đấu của chúng ta, kể cả trực thăng và máy bay tiếp vận. Các máy bay này nhanh hơn, mạnh hơn nhưng cũng nặng nề hơn khi thực hiện nhiệm vụ".
Việc còn lại hiện nay là phải chờ đợi xem liệu quyết định này có thật sự giáng một đòn chí tử vào các nhóm phiến quân jihad trên chiến trường hay không, đặc biệt là tại khu vực dãy Sahel, nơi mà các quan sát viên chứ không phải giới quân sự ngày càng nói nhiều đến việc binh sĩ trong chiến dịch "Barkhane" có nguy cơ bị sa lầy.
Một sĩ quan cao cấp trong quân đội Pháp thừa nhận: "Một máy bay không người lái trị giá bằng bốn quả tên lửa, và đây cũng là phương tiện hữu hiệu để vô hiệu hóa ba chiếc xe quân sự trong sa mạc, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ thay đổi được tận gốc cục diện cuộc chiến".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận