05/02/2021 15:25 GMT+7

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ cuối: Trồng rừng chỉ bằng... con dao bỏ túi

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Những năm 1980, nạn phá rừng hàng loạt đã đẩy Niger (Tây Phi) đến bờ vực thảm họa môi trường. Lượng mưa giảm dẫn đến hạn hán nghiêm trọng thường xuyên hơn và làm gia tăng sa mạc hóa với tốc độ chóng mặt.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ cuối: Trồng rừng chỉ bằng... con dao bỏ túi - Ảnh 1.

Ông Tony Rinaudo tập huấn nông dân Ethiopia cách tỉa bỏ bớt chồi để dưỡng cây con - Ảnh: Suzy Sainovski

"Phá rừng chỉ là khủng hoảng đơn giản. Bạn có thể giải quyết chỉ bằng một con dao bỏ túi... Những người nghèo nhất cũng có thể làm được.

TONY RINAUDO

Hậu quả thật khủng khiếp. Niger chật vật đối phó với mất mùa, đói kém và côn trùng gây hại bùng phát tàn phá mùa màng. 

Người góp phần giúp Niger thoát cơn hoạn nạn là nhà nông học Úc Tony Rinaudo (năm nay 63 tuổi). Ông được gọi là "người trồng rừng", đã đoạt Giải Nobel thay thế năm 2018 và đang giữ chức cố vấn cho tổ chức nhân đạo World Vision Australia.

Trồng rừng không cần trồng cây

Tại diễn đàn thường niên Caux do quỹ lợi ích công Sáng kiến & Thay đổi Thụy Sĩ hợp tác với Liên Hiệp Quốc tổ chức trực tuyến từ ngày 25-6 đến 19-7-2020, diễn giả Tony Rinaudo kể: "Lần đầu tiên tôi tới Niger vào năm 1980, phần lớn cây cối đều biến mất. Nông nghiệp hầu như không thể làm được. Không có gì ngăn được gió mạnh. Cây con không thể sống trong khô hạn".

Tony Rinaudo ghi nhận tại các vùng khô hạn nhất, dù cây bị chặt hay bị đốt, nhiều gốc cây vẫn sống, rễ cây vẫn hút được nước ngầm. Các gốc cây này nếu sống được sẽ trở thành cây lớn. Ông gọi đó là kỹ thuật tái sinh tự nhiên có hỗ trợ (ANR). 

Nói nôm na kỹ thuật ANR là trồng lại rừng mà không cần trồng cây. Nếu chúng ta trồng một cây mới, cây cần chất dinh dưỡng và đặc biệt cần rất nhiều nước để phát triển. Nếu trồng ở các vùng khô hạn như Niger, cây rất khó sống. Còn khi đã áp dụng kỹ thuật ANR, cây sẽ nhờ cậy hệ thực vật sẵn có để tăng trưởng.

Năm 1983, lần đầu tiên Tony Rinaudo áp dụng kỹ thuật ANR trong chương trình tái sinh tự nhiên do nông dân quản lý (FMNR) ở Niger để ngăn chặn phá rừng. Thật ra đây là tập quán truyền thống ở châu Phi nhưng dần dần bị mai một do chủ nghĩa thực dân và các khái niệm nông nghiệp hiện đại. Cuối cùng ông vấp phải thất bại thảm hại.

Ông giải thích: "Mọi người đang cố gắng để sống. Cái họ cần là tiền thu nhập và lương thực. Dân số tăng lên, nhu cầu đất canh tác cũng tăng. Trong cảnh đói nghèo, họ phải chặt cây để bán làm củi... Họ gọi tôi là người nông dân da trắng điên rồ (vì đã cố ngăn chặn phá rừng)... Những năm đầu quá cực".

Theo thời gian, Tony Rinaudo đã thu hút được nhiều nông dân ủng hộ kỹ thuật ANR. Có hai cách áp dụng kỹ thuật này. Một là nhận diện chồi non và cây con để kích thích chúng tăng trưởng tự nhiên. Hai là tái sinh gốc cây bị chặt đã nẩy chồi. 

Tỉa bỏ các gốc cây yếu để các gốc khỏe phát triển nhanh hơn. Trên mỗi gốc cây khỏe, tỉa bỏ hết các chồi, chỉ chừa lại chồi nào lớn và mạnh nhất. Cách tốt nhất là giữ lại từ 2-5 chồi, sau đó cứ mỗi năm tỉa bỏ một chồi, cuối cùng giữ lại một cây con khỏe nhất. 

Song song đó là thực hiện các biện pháp bảo vệ tránh xáo trộn như cháy rừng, động vật và con người phá phách, loại bỏ cỏ, cây bụi, dây leo mọc cạnh tranh cản trở chồi phát triển.

Với kỹ thuật ANR, toàn bộ hệ sinh thái được khôi phục trong vòng 3 năm. Nước quay trở lại bằng hoạt động mao dẫn và trú dưới mạch nước ngầm. Trong quá trình phát triển, khi rụng lá, cây cung cấp thêm chất hữu cơ bón cho đất. Đất tốt lên, thực vật phát triển mạnh, các loài động vật lại tìm đến gặm cỏ. Chu kỳ phát triển đơn giản như thế!

Hiện nay, Niger đã có hơn 6 triệu ha cây trồng tái sinh với mật độ trung bình 40 cây/ha so với 4 cây/ha trong những năm 1980. Hơn 240 triệu cây mới đã mọc lên. Đời sống 4,1 triệu cư dân vùng Maradi được cải thiện bền vững nhờ tăng thu nhập 1.000 USD một hộ mỗi năm. 

Đến nay, tổ chức quốc tế World Vision đã hỗ trợ triển khai kỹ thuật ANR tại 25 nước châu Phi và châu Á với mục tiêu tiếp cận khoảng 100 quốc gia đến năm 2030.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ cuối: Trồng rừng chỉ bằng... con dao bỏ túi - Ảnh 3.

Tập quán đốt nương làm rẫy dẫn tới rừng bị tàn phá nghiêm trọng ở Philippines - Ảnh: Meg Yandoc

Kinh nghiệm điển hình ở Philippines

Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đánh giá kỹ thuật ANR đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả, giúp phục hồi và cải thiện năng suất đất nông nghiệp, đất rừng, đất chăn thả gia súc. 

Với kỹ thuật ANR, đa dạng sinh học trở nên phong phú hơn nhờ ba yếu tố: cây và cây con hình thành tự nhiên từ hạt, chồi rễ, gốc cây hoặc cây bụi; các nguồn gen địa phương thích nghi với đất và điều kiện khí hậu địa phương được tái sinh; các động vật thụ phấn, động vật ăn cỏ và các tác nhân phát tán hạt cây. 

FAO cho rằng tại các nước nhiệt đới, kỹ thuật ANR hiệu quả hơn trồng cây vì tạo được lớp che phủ thực vật đa dạng nhiều lớp hơn so với cách trồng rừng truyền thống vốn chỉ trồng được một số loài cây nhất định.

Một ví dụ điển hình ở Philippines đã được đăng trên tạp chí Unasylva (FAO) số tháng 10-2020 với chủ đề "Phục hồi đất: thập niên sắp tới". Tại tỉnh đảo Bohol, do dân số ngày càng gia tăng, người dân lén lút đốt nương làm rẫy ở rừng đầu nguồn sông Danao dẫn đến phá rừng và suy thoái đất. Cỏ tranh (Imperata cylindrica) bị cháy cản trở rừng phục hồi tự nhiên.

Năm 1989, Chính phủ Philippines xác định kỹ thuật ANR là chiến lược phục hồi rừng chi phí thấp. Đến năm 2006, FAO, Bộ Môi trường - tài nguyên thiên nhiên Philippines và Quỹ Bagong Pagasa khởi động dự án "Thúc đẩy áp dụng ANR để phục hồi hiệu quả rừng với chi phí thấp ở Philippines" từ kinh phí 253.000 USD do FAO tài trợ. 

Dự án được thực hiện tại Danao nhằm khôi phục rừng đầu nguồn suy thoái và bị chặt phá.

Ban đầu chưa quen với kỹ thuật ANR nên chính quyền các địa phương rất ngại thay đổi cách trồng cây thông thường. Dự án đã trình diễn kỹ thuật ANR trên 25ha với ba điểm trình diễn và tập huấn cho hơn 200 người. 

Các biện pháp can thiệp gồm thiết lập các chốt phòng chống cháy rừng, điều động dân tuần tra phòng cháy, khoanh vùng và bảo vệ cây con tái sinh tự nhiên, làm sạch cỏ, kiểm soát chăn thả gia súc và thu gom gỗ đun nấu. Nông dân có thể trồng cây lương thực trong vành đai chống cháy rừng.

Kết quả đạt được thấy rõ. Về kinh phí, trong thời gian 3 năm thực hiện dự án, chi phí thực hiện kỹ thuật ANR tốn bình quân 579 USD/ha so với 1.048 USD/ha nếu trồng cây thông thường. Trong vòng 18 tháng đã có thể thấy đa dạng sinh học thay đổi, đáng chú ý nhất là khu vực đồng cỏ. 

Nhiều loài cây tái sinh tự nhiên đã gia tăng khả năng phục hồi rừng tự nhiên. Nông dân cũng thu được lợi ích. Cây hoa màu ngắn ngày như khoai mì, chuối, dứa, đậu phộng trồng trong vành đai phòng cháy mang lại thu nhập. Người dân còn được trả tiền công tuần tra chống trồng trọt, chăn thả và đốt rừng trái phép.

Hoạt động của kỹ thuật ANR còn giúp cải thiện triển vọng mở rộng du lịch sinh thái tại tỉnh Bohoh. Địa điểm du lịch Danao đã trở thành nơi giới thiệu thành công và tính khả thi của kỹ thuật ANR cho toàn thế giới.

Rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên

Phục hồi rừng theo cách tự nhiên là để thảm thực vật phục hồi tự nhiên thành rừng mới mà không có con người can thiệp. Thời gian rừng thứ sinh phục hồi đôi khi mất vài thập niên. Tại châu Âu, độ che phủ rừng đã đạt 300.000km², trong đó phần lớn là rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên.

Rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên góp phần ngăn chặn khí hậu nóng dần lên mà không tốn kém, đồng thời giúp bảo tồn môi trường sống và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nếu rừng phát triển không được kiểm soát, nguy cơ cháy rừng có thể bùng phát.

TS Arndt Hampe - giám đốc ​Viện Nghiên cứu nông nghiệp, lương thực và môi trường quốc gia Pháp (INRAE) - khẳng định không nên so sánh rừng trồng với rừng phục hồi tự nhiên vì chúng bổ sung cho nhau và mỗi loại rừng đáp ứng các mục tiêu khác nhau.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 5: Những hạt giống Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 5: Những hạt giống 'nhiệm mầu' ở Brazil

TTO - 65 thành viên Phong trào Phụ nữ Yarang thuộc Hiệp hội Mạng lưới hạt giống Xingu đã kiên trì vào các khu rừng rậm quanh làng để thu gom hạt cây bản địa từ hơn 10 năm nay.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp