02/02/2021 09:37 GMT+7

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 3: Chén cơm gắn với rừng

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Các ví dụ điển hình ở Guatemala, Bolivia và Jordan cho thấy một trong những giải pháp bảo vệ rừng bền vững là cho phép người dân địa phương thực hiện một số hoạt động trong các khu bảo tồn, để có đồng ra đồng vào.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 3: Chén cơm gắn với rừng - Ảnh 1.

Phụ nữ người Guarani sản xuất mật ong Melipona - Ảnh: itsmybeesiness.wixsite-com

Trong chiến lược trồng rừng, ngoài vấn đề cải tạo đất còn phải quan tâm đến thu nhập và phúc lợi chung của người dân địa phương.

TS JONATHAN DAVIES (điều phối viên Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế)

Sống được nhờ hợp đồng nhượng quyền khai thác

Trong căn nhà kho bằng gỗ rừng ở làng Uaxactun thuộc tỉnh Petén (miền bắc Guatemala), chị Dominga Chuc cùng khoảng 40 phụ nữ tất bật chọn những lá cọ đẹp (cây Chamaedorea elegans) chuẩn bị bán sang Mỹ làm đồ trang trí trong các nhà thờ Tin lành. Họ hái lá trong phân khu nhượng quyền khai thác thuộc Khu dự trữ sinh quyển Maya.

Khu dự trữ sinh quyển Maya rộng khoảng 2,1 triệu ha được thành lập năm 1990 là rừng nhiệt đới lớn nhất Trung Mỹ. Trong đó có 767.000ha được bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi), 848.400ha sử dụng hỗn hợp và 497.500ha thuộc bất động sản tư nhân trong vùng đệm. 

Trong phân khu sử dụng hỗn hợp, 533.000ha đã được chuyển giao cho các cộng đồng địa phương và các công ty theo hợp đồng nhượng quyền khai thác như khai thác gỗ công nghiệp, làm trang trại nông nghiệp vừa và nhỏ, khai thác gỗ tư nhân, thu hái lâm sản ngoài gỗ, làm du lịch.

Từ lúc tham gia hợp đồng nhượng quyền, dân làng Uaxactun khoảng 1.700 người có thể kiếm sống bằng nhiều cách, từ hái tiêu và nhựa cây làm kẹo cao su đến hướng dẫn du khách tham quan các di chỉ khảo cổ Maya trong rừng. 

Họ không còn nghĩ đến chuyện lấn chiếm đất rừng làm nông nghiệp. Họ tự tổ chức thành các hội nghệ nhân, nhà sản xuất trái cây, hướng dẫn viên du lịch hoặc công ty cho thuê canô du lịch trên sông.

Trước đây, rừng thường xuyên bị nông dân và người chăn nuôi đe dọa gây hỏa hoạn và chặt phá, ngoài ra còn bị các băng đảng ma túy xâm nhập. Để bảo vệ rừng, hơn 20 năm nay Guatemala đã tiến hành chính sách nhượng quyền khai thác bền vững gỗ và các sản phẩm rừng ngoài gỗ. 

Hợp đồng nhượng quyền luôn kèm theo các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học quy định mức độ khai thác gỗ bền vững, kiểm soát cháy rừng, giảm sự cố cháy rừng trong những năm El Niño và La Niña, bảo vệ quần thể báo đốm... Người khai thác bắt buộc phải có giấy chứng nhận do Hội đồng Quản lý rừng (FSC) cấp.

Nhìn chung mức độ khai thác rừng từ hợp đồng nhượng quyền của dân địa phương không cao. Từ năm 2012-2016, khối lượng gỗ khai thác chỉ 0,7 m3/ha đối với gỗ gụ và 1,6 m3/ha đối với mọi loại gỗ. 

Số loài cây khai thác từ 4-19 loài. 1/3 lợi nhuận được tái đầu tư vào rừng dưới hình thức tuần tra phòng cháy chữa cháy và bảo vệ rừng. Từ năm 2016-2017, độ che phủ rừng đã tăng 0,1%, nạn phá rừng giảm hẳn.

Trong báo cáo với tiêu đề Năm 2020 - Tình trạng rừng trên thế giới. Rừng, đa dạng sinh học và hoạt động con người (SOFO 2020) công bố hôm 22-5-2020, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) ghi nhận kết quả cụ thể từ hợp đồng nhượng quyền khai thác như sau:

• Từ năm 2012-2016, doanh thu từ gỗ mang lại 25 triệu USD. Tại các khu nhượng quyền sản xuất đa dạng hơn (gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ) và có khả năng phát triển sản phẩm lớn hơn, thu nhập từ rừng của các hộ tham gia cao hơn chuẩn nghèo từ 1,6-2,8 lần.

• Thu nhập từ rừng (chiếm 38% thu nhập gia đình) và các dịch vụ xã hội (học bổng, chăm sóc y tế...) đã giúp giảm tình trạng ly nông. Tiền nộp lại cho hợp đồng nhượng quyền chỉ chiếm 2% thu nhập. Cơ hội việc làm đối với phụ nữ gia tăng trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm rừng ngoài gỗ như lá cọ xate, hạt dẻ, mật ong, ớt.

• Các hộ có thể tái đầu tư lợi nhuận vào một số dự án có lợi cho cộng đồng như cơ sở hạ tầng (mở đường và bảo trì đường sá), các dịch vụ y tế và giáo dục (học bổng, thù lao cho giáo viên). Người dân có thể vay tiền ngân hàng dễ dàng hơn nhờ khả năng thanh khoản tốt và các ngân hàng chấp nhận lấy kế hoạch khai thác hằng năm làm tài sản thế chấp.

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 3: Chén cơm gắn với rừng - Ảnh 3.

Phụ nữ làng Uaxactun (Guatemala) lựa lá cọ xuất khẩu - Ảnh: Saul Martinez

Giá bán mật ong Melipona tăng 80%

Tại Bolivia, để tăng thu nhập cho người dân miền núi và giảm phá rừng, FAO đã đưa ra sáng kiến: các sản phẩm đối tác miền núi (MPP) nhằm chứng nhận và ghi nhãn đối với các sản phẩm miền núi. 

Nhãn MPP giúp người mua hàng hiểu thêm về nguồn gốc xuất xứ, phương pháp canh tác, phương pháp chế biến và bảo quản, giá trị dinh dưỡng (thực phẩm), vị trí mặt hàng đó trong nền văn hóa địa phương. 

Mặt hàng gắn nhãn MPP còn được hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để cải thiện chuỗi giá trị đặc sản miền núi (thực phẩm hữu cơ và hàng dệt may) cùng dịch vụ du lịch.

Đến nay sáng kiến MPP đã hỗ trợ khoảng 10.000 nông dân, trong đó 60% là phụ nữ. Tổng cộng có 20 sản phẩm dán nhãn MPP ở 8 quốc gia gồm Bolivia, Peru, Kyrgyzstan, Panama, Ấn Độ, Philippines, Mông Cổ, Nepal. Một trong những sản phẩm hưởng lợi từ sáng kiến MPP là mật loài ong dú Tetragonisca angustula được 6 hợp tác xã gồm 160 phụ nữ dân tộc Guarani ở vườn quốc gia Serranía del Iñao tại tỉnh El Chaco (Bolivia) sản xuất. 

Mật ong Melipona được gắn nhãn MPP năm 2018, sau đó được đưa vào các hiệu thuốc, từ đó giá bán tăng 80%.

Từ xa xưa, các gia đình người Guarani đã biết nuôi ong dú làm thuốc. Mật ong dú ngày càng khan hiếm do rừng bị tàn phá và các loài ong châu Âu du nhập có năng suất cao hơn nên 350 loài ong dú thuộc họ Meliponini đã giảm phạm vi phân bố. Sáng kiến MPP không chỉ giúp người dân phương tiện sinh nhai, bảo tồn loài ong bản địa mà còn duy trì đa dạng sinh học thực vật thông qua quá trình thụ phấn của ong dú. Nếu ong dú mất đi, tính đa dạng sinh học rừng Bolivia cũng không còn.

Tại Jordan, khu dự trữ sinh quyển Dana rộng 32.000ha được thành lập vào năm 1989 là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Jordan. Đây là nơi sinh sống của bốn cộng đồng dân tộc khoảng 31.000 người sống trong 16 thôn bản bên trong hoặc xung quanh khu bảo tồn. 

Tổ chức phi chính phủ Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên hoàng gia (RSCN phụ trách quản lý) đã đề ra mục tiêu tích hợp nhiều yêu cầu về môi trường, xã hội, kinh tế, sinh kế người dân và kinh tế địa phương.

Mọi người cùng hợp tác tham gia quản lý khu bảo tồn với nhiều khả năng khác nhau.

RSCN giúp dân địa phương tăng cường kỹ năng kinh doanh và thành lập hợp tác xã để có thể vay vốn ngân hàng. Dân địa phương có thu nhập từ kinh doanh các sản phẩm thủ công, sản phẩm từ cây thuốc, cây có tinh dầu thơm và kinh doanh món ăn truyền thống cho du khách đến nhà.

Khu bảo tồn cho phép dân chăn thả gia súc tại một số khu vực trong mùa khô. Người dân được đào tạo về cách thức chăn thả luân phiên. Theo báo cáo SOFO 2020, khu bảo tồn đã cung ứng thức ăn cho 17.500 đầu gia súc của dân địa phương với giá trị tính ra tiền là hơn 2,2 triệu USD mỗi năm. Hầu hết dân địa phương sống du mục và chăn thả gia súc nên một khi sinh kế ổn định, họ rất ý thức bảo vệ khu bảo tồn.

Nhờ cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái cũng như thu nhập từ các hợp đồng nhượng quyền khai thác, bán gỗ và lâm sản ngoài gỗ, hoạt động du lịch, RSCN đã thu được doanh thu đáng kể dùng để chi cho công tác bảo tồn và quản lý bền vững. RSCN đã mở một nhà khách, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu cắm trại 30 lều có thể tiếp nhận đến 120 người và mạng lưới đường mòn đi bộ. Từ đó RSCN đã gia tăng uy tín để tiếp nhận thêm nguồn tài trợ từ các nhà tài chính trong và ngoài nước.

Indonesia thường được nhắc đến với nạn phá rừng. Tốc độ phá rừng của Indonesia đang được kìm hãm nhờ giải pháp lâm nghiệp cộng đồng.

Kỳ tới: Indonesia giao đất rừng cho cộng đồng

Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 2: Chuyến thám hiểm của St. Barbe và vành đai xanh Sahara Cuộc chiến phủ lại rừng xanh - Kỳ 2: Chuyến thám hiểm của St. Barbe và vành đai xanh Sahara

TTO - Thỉnh thoảng lịch sử lại xuất hiện một cá nhân cực kỳ đặc biệt. Một nhân vật trong số đó là Richard St. Barbe Baker, người luôn sống với nỗi ám ảnh "điên khùng" trồng lại rừng cho sa mạc Sahara.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp