06/02/2017 22:09 GMT+7

Cuộc chiến pháp lý khó khăn đang đợi ông Trump?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý khó khăn để bảo vệ sắc lệnh cấm các công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh vào Mỹ.

Tổng thống Trump đang phải đối mặt với khó khăn lớn nhất kể từ khi nhậm chức - Ảnh: Reuters

Cho đến bây giờ, người ta vẫn đang tranh cãi không ngớt về sắc lệnh được ông Trump ký ngày 27-1, trong khi viễn cảnh cho một phán quyết cuối cùng mang tính "chốt hạ" về tính hợp pháp của sắc lệnh này gần như bất định.

Hãng tin Reuters nhận định bất kỳ kháng cáo nào đối với phán quyết đình chỉ thực thi sắc lệnh nhập cảnh của thẩm phán liên bang James Robart sẽ phải đối mặt với Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 đang bị "thống trị" bởi những thẩm phán mang tư tưởng tự do - những người khó có khả năng tán thành với những lý do ông Trump đưa ra để ban hành lệnh cấm.

Đây cũng là tòa án phúc thẩm liên bang có nhiều thẩm phán tại vị nhất được bổ nhiệm dưới thời các tổng thống thuộc đảng Dân chủ.

Quyết định đình chỉ tạm thời thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh trên toàn nước Mỹ được thẩm phán Robart đưa ra ngày 3-2, một động thái cho phép ông này có thêm thời gian xem xét trường hợp một cách cụ thể hơn nhưng cũng ngầm mang thông điệp rằng ông ta có thể áp một lệnh cấm vĩnh viễn đối với sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump, theo Reuters.

Bộ Tư pháp đã quyết bảo vệ sắc lệnh của ông Trump khi nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9, yêu cầu khôi phục ngay lập tức việc thực thi sắc lệnh nhưng đã bị tòa từ chối ngay sau đó.

Hiện Tòa phúc thẩm vẫn đang củng cố hồ sơ và chờ thông tin từ cả hai phía, gồm những bang chống lại lệnh cấm nhập cảnh và Bộ Tư pháp Mỹ.

Nếu phán quyết cuối cùng của Tòa phúc thẩm là duy trì việc đình chỉ thực thi sắc lệnh, chính quyền Trump có thể yêu cầu Tòa án tối cao can thiệp ngay lập tức.

Về khả năng này, Reuters dẫn lời các chuyên gia pháp lý cho biết, Tòa án tối cao Mỹ nói chung sẽ rất miễn cưỡng khi can dự vào các trường hợp đang ở giai đoạn sơ bộ.

Hiện Tòa án tối cao Mỹ đang khuyết một thẩm phán trong khi 8 vị thẩm phán còn lại đang thể hiện sự chia rẽ ngang bằng nhau giữa tự do và bảo thủ. Bất kỳ yêu cầu pháp lý khẩn cấp nào từ chính quyền sẽ cần ít nhất 5 phiếu để được thông qua tại Tòa án tối cao, đồng nghĩa với việc một thẩm phán tự do phải bỏ phiếu ủng hộ.

Steve Vladeck, giáo sư tại trường đại học Luật Texas nhận định với Reuters rằng Tòa án tối cao sẽ cố gắng "đứng bên lề sự việc càng lâu càng tốt".

Cuối tuần rồi, tổng thống Trump đã đề cử Neil Gorsuch, một thẩm phán mang tư tưởng bảo thủ, cho chiếc ghế thứ 9 tại Tòa án tối cao. Tuy nhiên, sẽ mất ít nhất 2 tháng để vị thẩm phán này nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện để chính thức ngồi vào chiếc ghế ở Tòa tối cao. 

Richard Primus, một giáo sư về luật hiến pháp tại Đại học Luật Michigan, nhận định chính quyền của ông Trump sẽ cố gắng thuyết phục Tòa tối cao rằng lệnh cấm nhập cảnh xuất phát từ những mối quan ngại đối với an ninh quốc gia.

Trước đó, Tòa tối cao đã bác bỏ một quan điểm rằng chính phủ không cần phải đưa ra lý do cho hành động của mình nếu nó liên quan tới an ninh quốc gia.

Theo ông Primus thì "các lập luận được chính phủ đưa ra để bảo vệ lệnh cấm cho tới giờ vẫn còn rất yếu ớt".

Theo quy định của luật pháp Mỹ, các thẩm phán của Tòa án tối cao do tổng thống chỉ định và Thượng viện phê chuẩn.

Thông thường, các tổng thống Mỹ thường đề cử những thẩm phán có lợi cho nhiệm kỳ cũng như đảng phái của họ nên có thể nói việc bổ nhiệm cũng đã mang động cơ chính trị. 

Trong số 8 thẩm phán hiện nay của Tòa án tối cao, có 4 thẩm phán được bổ nhiệm dưới thời các tổng thống thuộc đảng Dân chủ và 4 thẩm phán được bổ nhiệm dưới thời các tổng thống của đảng Cộng hòa.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp