Một sĩ quan Ukraine (thứ hai từ trái sang) nói chuyện với binh sĩ Nga tại phi trường Belbek ở Crimea khi ông cùng một đội đến thương lượng với lính Nga ngày 4-3 - Ảnh: Reuters |
Hãng tin RIA Novosti ngày 4-3 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh chấm dứt cuộc diễn tập ở phía tây Nga, gần biên giới với Ukraine, và rút binh lính tham gia tập trận trở về doanh trại. Mệnh lệnh được đưa ra sau chuyến thị sát của ông Putin hôm 3-3. Cuộc diễn tập, có sự tham gia của khoảng 150.000 quân, hơn 200 máy bay, 880 xe quân sự và 80 tàu chiến, được Matxcơva triển khai ở Leningrad tuần trước trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine không ngừng leo thang. Tuy nhiên lệnh rút sẽ không bao gồm lực lượng được triển khai ở Crimea, hãng tin Nga cho biết.
Ăn miếng trả miếng
Trong khi đó, cuộc đấu khẩu ngoại giao vẫn tiếp tục căng thẳng kiểu ăn miếng trả miếng tức khắc. Điện Kremlin hôm qua đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo ý định trừng phạt Nga của Mỹ và các nước phương Tây. Trợ lý Sergei Glazyev cho biết Nga có thể tận dụng việc cấm vận để giảm sự lệ thuộc vào kinh tế Mỹ. Ngược lại, nỗ lực nhằm cấm vận Nga sẽ khiến “hệ thống tài chính của Mỹ sụp đổ, điều này sẽ chấm dứt sự thống trị của Mỹ trên hệ thống tài chính toàn cầu” - ông tuyên bố.
Kremlin cũng dọa sẽ tẩy chay đồng USD trong các giao dịch quốc tế và thiết lập hệ thống thanh toán riêng. Theo ông Glazyev, nếu Washington đóng băng các tài khoản của Nga sẽ đồng nghĩa với việc các công ty Nga không thể trả nợ cho các ngân hàng Mỹ. Đáp lại, Matxcơva sẽ trả đũa bằng việc kêu gọi bán tháo trái phiếu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Phản ứng cứng rắn của Matxcơva đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố ngừng các hợp tác quân sự, thương mại với Nga. Mỹ cũng dọa sẽ cấm vận ngoại giao lẫn kinh tế Matxcơva sau khi có tin Nga ra tối hậu thư cho binh lính Ukraine ở bán đảo Crimea. “Chúng tôi đang xem xét một loạt các bước về kinh tế và ngoại giao có thể sẽ cô lập Nga và tác động tiêu cực lên kinh tế và vị thế của Nga trên thế giới” - Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh. Tờ New York Times ngày 3-3 cũng đưa tin Mỹ đang chuẩn bị trừng phạt các quan chức cấp cao Nga liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Crimea.
Nóng cả trên truyền thông
Khác với thái độ cẩn trọng trước đó của châu Âu, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hối thúc EU có các biện pháp cứng rắn nếu Nga trong hôm nay (5-3) không hạ nhiệt căng thẳng ở Crimea và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Ông Steinmeier cho biết trong cuộc điện đàm rất “lâu và nghiêm túc” với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, ông đã nhấn mạnh về việc Matxcơva cần thể hiện rõ ý định của mình ở Ukraine. Còn Ba Lan triệu đại sứ Nga tại Warsaw để phản đối. Thủ tướng Anh David Cameron trước đó cũng tuyên bố London sẽ tỏ thái độ với hành động của Nga bằng cách gây sức ép về kinh tế, ngoại giao lẫn chính trị.
Cuộc chiến ngoại giao leo thang từ cuộc chiến giữa truyền thông Nga và Ukraine khi Kiev khẳng định Matxcơva đã ra tối hậu thư buộc binh lính Ukraine ở Crimea phải đầu hàng. Các nguồn tin của Ukraine cũng mô tả binh lính Nga ồ ạt đổ vào bán đảo qua eo biển Kerch và chiếm chốt kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, người phát ngôn hạm đội Biển Đen của Nga sau đó đã phủ nhận việc ra tối hậu thư. “Chúng tôi đã quen với tình huống mà truyền thông đại chúng Ukraine hằng ngày cáo buộc chúng tôi về các hành động vũ lực... Mục đích của những thông tin này không có gì mới. Không rõ ai đứng đằng sau... nhưng họ sẽ không thành công trong việc khiến chúng tôi đánh nhau” - hạm đội Nga tuyên bố.
Thực tế tình hình ở Crimea ngày 4-3 vẫn rất yên tĩnh, trái với thông tin về cơn bão quân sự mà Nga sắp đổ vào Crimea như Ukraine cáo buộc. Phóng viên Ben Wedeman của CNN mô tả gần 100 người đàn ông trong bộ đồng phục màu xanh lá cây, mang theo súng AK-47, đứng bên ngoài lối vào chính của bến phà. Binh lính xung quanh đó không đeo mặt nạ, họ thư giãn, ăn và uống trà.
Ông Putin: ông Yanukovych không còn tương lai chính trị Tổng thống Putin trong cuộc họp báo ngày 4-3, sự xuất hiện lần đầu tiên của ông kể từ khi ông Viktor Yanukovych chạy sang Nga, phủ nhận việc Nga liên quan đến những vụ chiếm đóng các tòa nhà ở Crimea. Ông khẳng định Nga không có lợi gì khi kích động ly khai ở bán đảo Crimea và việc triển khai quân tại đây phù hợp với thỏa thuận song phương với Ukraine về căn cứ quân sự của Nga. Tổng thống Nga gọi những gì đã diễn ra ở Kiev là một cuộc đảo chính, nhưng cũng thừa nhận tương lai chính trị của ông Viktor Yanukovych đã chấm hết. Nói đến cuộc bầu cử sắp tới của Kiev, ông tuyên bố sẽ không thừa nhận chính quyền nào của Ukraine được bầu trong các điều kiện “khủng bố” như hiện tại. Dù vậy, ông Putin cho biết Chính phủ Nga sẽ duy trì quan hệ với chính phủ tạm quyền Ukraine. Nói về việc được Quốc hội bật đèn xanh tấn công Crimea, ông Putin cho biết can thiệp quân sự chỉ là một lựa chọn cuối cùng nhưng khẳng định Nga vẫn có quyền hành động vì mục đích nhân đạo, theo RIA Novosti. “Chúng tôi không muốn chiến tranh với Ukraine” - ông cho biết. Ông khẳng định việc trừng phạt Nga liên quan đến tình hình Ukraine sẽ chỉ gây tác dụng ngược với những nước trừng phạt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận