19/08/2010 06:07 GMT+7

Cuộc chiến giành nhân tâm ở Pakistan

HIẾU TRUNG - N.T.ĐA
HIẾU TRUNG - N.T.ĐA

TT - Mỹ và các lực lượng Hồi giáo cực đoan đang so kè nhau trong cuộc chạy đua cứu trợ các nạn nhân lũ lụt. Cả hai phía đều cùng chung một mục tiêu: giành lấy trái tim và sự ủng hộ của người dân Pakistan.

GMYKr5rW.jpgPhóng to
Hàng ngàn nạn nhân động đất chờ nhận hàng cứu trợ ở quận Jafarabad thuộc tỉnh Baluchistan, Pakistan hôm 17-8 - Ảnh: Reuters

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, trận “đại hồng thủy” đang tàn phá Pakistan đã gây ra một thảm họa nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hơn 20 triệu người. Dịch tả đã bắt đầu lây lan trong khi nguồn tiền và hàng cứu trợ quốc tế, nhất là của phương Tây, lại chậm trễ, khác hẳn với phản ứng tích cực và mạnh mẽ sau trận động đất Haiti.

“Khủng bố” hay “thiên thần”?

Trong khi chính quyền Tổng thống Asif Ali Zardari tỏ ra gần như hoàn toàn bất lực trong việc cứu trợ thì các nhóm Hồi giáo cực đoan lại đang tận dụng được thời cơ mà thảm họa nhân đạo này tạo ra để giành dân và mở rộng ảnh hưởng của họ tại Pakistan.

Báo Wall Street Journal cho biết trong khi ông Zardari đang còn tung tăng ở trời Âu, các tổ chức từ thiện có quan hệ với những nhóm Hồi giáo cực đoan đã cử hàng ngàn tình nguyện viên đến hỗ trợ nạn nhân lũ lụt ở những vùng bị tàn phá nặng nề nhất. Tổ chức Falah-e-Insaniyat, cánh tay phải của nhóm Lashkar-e-Taiba (nhóm thực hiện vụ tấn công Mumbai năm 2008), đã có mặt để cung cấp thực phẩm, quần áo, thuốc men, thậm chí cả tiền bạc cho các nạn nhân vùng lũ ở Punjab và Sindh.

Bà Faeza, 32 tuổi, mẹ của bốn đứa con ở Nowshera, kể: “Những người đến cứu chúng tôi đầu tiên là người của Jammat ud Dawa. Họ đi thuyền đến cứu, và nếu không có họ, không biết chúng tôi sẽ ra sao”.

Tổ chức từ thiện này quan hệ với Lashkar-e-Taiba, một tổ chức Hồi giáo hoạt động ở Kashmir, bị chính quyền cấm, và có tên trong danh sách các tổ chức khủng bố của Liên Hiệp Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, ở các vùng thiên tai hiện nay, họ không bị xem là kẻ khủng bố. Một người tị nạn nói: “Họ chăm sóc chúng tôi, mang thức ăn, quần áo, lều bạt cho chúng tôi, trong khi chúng tội chưa hề thấy chính quyền tới đây giúp đỡ”.

Đối với người tị nạn, điều cần là vật cứu trợ được nhận chứ không cần biết là ai cho mình.

Tại một trại ở Nowshera, nơi tổ chức từ thiện Al Khadimat có quan hệ với tổ chức Jamiat-e-Islami đang hoạt động mạnh, ông Amir - một người tị nạn khoảng 50 tuổi - nói: “Họ mang thức ăn đặc biệt cho tháng chay Ramadan, như chà là, pakora, trong khi các tổ chức phi chính phủ chỉ trao cho chúng tôi các túi gạo, nhưng chúng tôi không thể nấu được vì đâu còn xoong nồi nào nữa”.

Cách Nowshera vài kilômet, bên vệ đường, một bác sĩ thuộc tổ chức Hồi giáo Falah đang khám bệnh. Nhiều trẻ em, đàn ông, đàn bà mắc bệnh tiêu chảy hoặc viêm ruột chờ khám. Đứng phía sau bác sĩ, trong nhà xe rộng khoảng 9m2, một nhân viên tình nguyện mặc áo khoác màu vàng có ghi tên của tổ chức Falah, đang phân phát thuốc men.

Đằng sau ông, trên tường treo một tấm quảng cáo lớn kể ra các hoạt động của Falah. Ông Murtaza, một ông bố vừa chạy đến đây tránh lụt, đứng nhìn tấm bảng. Ông đưa con nhỏ đến khám bệnh về da. Ông nói: “Trước đây tôi chẳng hề biết họ. Giờ thì tôi đã mất tất cả, còn họ lại sẵn sàng cứu trợ chúng tôi. Những gì Falah đang làm là tốt”.

Tổng cộng có khoảng 17 nhóm Hồi giáo cực đoan đang tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.

“Đối với chúng tôi, họ là những thiên thần” - Wall Street Journal dẫn lời một cảnh sát về hưu ở tỉnh Punjab cho biết.

Chính phủ Mỹ không thể lớn tiếng chỉ trích hoạt động cứu trợ của các nhóm cực đoan, bởi hàng triệu người Pakistan đang cần đến lương thực thực phẩm từ bất cứ nguồn nào. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cảnh báo nếu tình trạng này tiếp tục, chính quyền Pakistan có nguy cơ sụp đổ. Lũ lụt xảy ra chủ yếu ở các vùng Khyber Pakhtoonkhwa, thung lũng Swat, Punjab và Sindh, nơi Taliban hoạt động mạnh mẽ.

“Chúng ta cần tính đến khả năng tồi tệ nhất là Taliban lật đổ chính quyền - CBS News dẫn lời chuyên gia Wendy Chamberlin, viện trưởng Viện Trung Đông (Mỹ), nhận định - Và một chính phủ cực đoan Pakistan sẽ sở hữu kho vũ khí hạt nhân của quốc gia này”. Mới đây, Cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI) lần đầu tiên xác định lực lượng Hồi giáo cực đoan, chứ không phải Ấn Độ, là mối đe dọa lớn nhất đối với nhà nước Pakistan.

Mỹ nóng ruột

Ở phương Tây chỉ có Mỹ và Anh sốt sắng với việc viện trợ Pakistan. Theo Reuters, chính quyền Washington đã chuyển 76 triệu USD tiền và hàng cứu trợ sang Pakistan. London cũng cam kết hỗ trợ 49 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhiều khả năng Washington cũng sẽ nâng số tiền viện trợ lên thêm.

Tại Mỹ, Bộ Ngoại giao và Cơ quan viện trợ phát triển (USAID) kêu gọi người dân Mỹ quyên tiền hỗ trợ các nạn nhân Pakistan. Các tờ báo lớn của Mỹ cũng đăng xã luận kêu gọi chính quyền và người dân quyết tâm hơn nữa trong chiến dịch hỗ trợ Pakistan.

“Một chiến dịch nhân đạo quy mô lớn sẽ thể hiện thiện chí của Mỹ đối với người dân Pakistan - tạp chí Foreign Policy khẳng định - Mỹ cần phải dẫn đầu cộng đồng quốc tế trong chiến dịch hỗ trợ Pakistan”. Chuyên san này so sánh khoản tiền 76 triệu USD, thậm chí chưa bằng số tiền ngôi sao nhạc pop Madonna chi trả cho vụ ly dị ông chồng Guy Ritchie.

Giới truyền thông Mỹ cho rằng nếu tổ chức một chiến dịch cứu trợ hiệu quả, hình ảnh của Mỹ tại Pakistan - đồng minh tối quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - sẽ được cải thiện đáng kể, qua đó đóng góp vào sự ổn định của Pakistan và an ninh của Mỹ. Báo New York Times cho biết theo một khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, chỉ 17% người Pakistan có thiện cảm với Mỹ, trong khi có tới 59% mô tả Mỹ là “kẻ thù”.

* Tin bài liên quan:

HIẾU TRUNG - N.T.ĐA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp