25/10/2023 09:38 GMT+7

Cuộc chiến giành 'kim cương trắng'

Khắp nơi trên thế giới, các nước đang trong cuộc đua không chỉ khai thác lithium mà còn đảm bảo nguồn cung ổn định và ưu thế công nghệ trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.

Khai thác lithium tại tỉnh Salta, Argentina - Ảnh: REUTERS

Khai thác lithium tại tỉnh Salta, Argentina - Ảnh: REUTERS

Tại một vùng đất được bao phủ bởi đá sa thạch ở tỉnh Salta phía tây bắc Argentina, các công nhân đang miệt mài đào đất. Mục tiêu của họ là tìm kiếm lithium cho các ông chủ người Trung Quốc, cụ thể là Công ty Ganfeng đến từ tỉnh Giang Tây.

Đối với Trung Quốc, lithium rất có giá trị, khi nước này đẩy mạnh ngành xe điện. Nhu cầu quá lớn khiến nguồn cung trong nước không đủ và doanh nghiệp của họ phải đi tìm nguồn lithium ở nước ngoài.

Từ cuộc đua khai thác...

Trong loạt bài gần đây, báo Nikkei Asia của Nhật gọi lithium là "kim cương trắng" của ngành xe điện và công nghệ năng lượng tái tạo. Cuộc cách mạng xe điện và xu hướng chuyển sang điện gió, điện mặt trời đã dẫn tới cuộc đua khai thác nhiều khoáng sản khác quan trọng cho sản xuất pin và thiết bị lưu trữ.

Trong đó, lithium nổi lên như loại khoáng sản quan trọng nhất. So với năm 2017, nhu cầu lithium vào năm 2022 đã tăng gấp ba, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế.

Chile và Úc là hai nước có trữ lượng lớn lithium vào loại lớn nhất, chiếm gần 80%, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ. Ở cả hai nước này đều đã có dấu chân của các công ty Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có khoảng 8% trữ lượng lithium toàn cầu nhưng lại nắm tới 65% thị phần tinh chế lithium của thế giới.

Doanh nghiệp Ganfeng nói trên đang đi đầu tại Nam Mỹ. Công ty này gây chú ý vào năm 2009 khi xây dựng dây chuyền sản xuất lithium carbonate từ nước bơm từ hồ muối đầu tiên ở Trung Quốc.

Sau khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vào năm 2010, Ganfeng bắt đầu tìm kiếm lithium ở nước ngoài. Vào tháng 10-2021, công ty này mua lại cổ phần trong dự án Mariana ở tỉnh Salta của Argentina từ một công ty Canada.

Theo Nikkei Asia, Ganfeng có bốn dự án phát triển lithium đang được triển khai ở Argentina. Tổng vốn đầu tư sẽ là 2,7 tỉ USD với sản lượng lithium carbonate dự kiến đạt 100.000 tấn mỗi năm.

Không chỉ Argentina, các công ty Trung Quốc còn đang đầu tư vào 10 quốc gia khác để khai thác lithium, trải dài từ châu Mỹ như Canada, Chile và Mexico đến châu Phi, Ireland, Mông Cổ và Úc. Tổng số tiền đầu tư cho các dự án này, tính đến tháng 3-2023, là khoảng 4,5 tỉ USD.

Tại Mỹ, sau khi Đạo luật giảm lạm phát được thông qua, "cơn sốt pin lithium" đã bùng nổ giống như "cơn sốt vàng" đầu thế kỷ 19. Có tám nhà máy pin đang được xây dựng từ bờ đông đến bờ tây nước Mỹ, và 14 nhà máy khác đã được lên kế hoạch với tổng trị giá đầu tư hơn 40 tỉ USD nhằm mục tiêu tăng gấp năm lần sản lượng pin của Mỹ vào năm 2026.

...Đến "cuộc chiến" đảm bảo nguồn cung

Thấy rõ tầm quan trọng của lithium, những quốc gia giàu nguồn khoáng sản này đã bắt đầu các bước đi nhằm củng cố vị thế và tăng sự phụ thuộc của thế giới vào họ. Bốn nước Nam Mỹ gồm Bolivia, Chile, Argentina và Brazil đang thảo luận về việc thành lập một cơ chế giống như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để kiểm soát nguồn cung lithium.

Giống như OPEC đã thiết lập quyền lực trong kỷ nguyên động cơ đốt trong, các nước trên kỳ vọng quyền lực và tiếng nói của họ sẽ tăng lên trong kỷ nguyên xe điện.

Xu hướng này không chỉ dừng ở Nam Mỹ. Mexico đã quyết định quốc hữu hóa lithium, trong khi Zimbabwe cấm hẳn việc xuất khẩu, Canada và Úc thì thận trọng với các khoản đầu tư từ Trung Quốc trong ngành đất hiếm. Với các nước có ít lithium, những động thái như vậy là rất đáng lo ngại, chúng khiến họ tin rằng chủ nghĩa bảo hộ trong ngành lithium sẽ sớm đến.

Để chuẩn bị cho viễn cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị ban hành quy định về việc tái chế lithium và các khoáng sản khác dùng cho chế tạo pin của khối này. Theo đó, đến năm 2027, EU đặt mục tiêu tái chế được 50% lithium từ pin cũ và tăng lên 80% vào năm 2031. Mục đích nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn lithium nhập khẩu từ bên ngoài.

Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ - Dữ liệu và Việt hóa: DUY LINH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ - Dữ liệu và Việt hóa: DUY LINH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Những bước đi của Mỹ

Mỹ cũng đã có các động thái khéo léo nhằm hướng tới mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an ninh kinh tế, giảm lệ thuộc bên ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất xe điện, pin lithium sẽ nhận được các khoản ưu đãi thuế nếu sản xuất ở nước này. Chính quyền Mỹ khuyến khích người dân mua xe điện với khoản trợ cấp lên tới 7.500 USD mỗi người.

Nhưng các mẫu xe muốn vào chương trình này phải đáp ứng một loạt điều kiện nghiêm ngặt. Chẳng hạn ít nhất 40% khoáng chất quan trọng sử dụng trong pin phải được sản xuất ở các quốc gia thân thiện và ít nhất 50% linh kiện được sản xuất ở Bắc Mỹ (Mỹ, Canada và Mexico). Washington cũng loại trừ nguồn cung từ các thực thể ở một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.

Mỹ chiết xuất được "vàng trắng" lithium từ nước, thoát phụ thuộc Trung QuốcMỹ chiết xuất được 'vàng trắng' lithium từ nước, thoát phụ thuộc Trung Quốc

TTO - Với việc các nhà sản xuất ôtô chuyển sang xe điện, kim loại lithium để sản xuất pin điện được ví như “vàng trắng” của tương lai. Việc chiết xuất được lithium ở California giúp Mỹ thoát được sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp