01/09/2021 12:46 GMT+7

Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 1: Vợ chồng cùng một phòng trị bệnh

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Ngoài những người được chữa trị ở bệnh viện, nhiều người đã tự chữa mạnh khỏe ở nhà. Trải nghiệm của chính các F0 đã mất mát người thân và vượt qua dịch bệnh COVID-19 thế nào?

Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 1: Vợ chồng cùng một phòng trị bệnh - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Nguyên bảo nhau cố gắng ăn trong khu cách ly để mau khỏi bệnh - Ảnh: NVCC

Kinh nghiệm của họ là phải thật cẩn thận, nhưng cũng hãy vững vàng, tự tin nếu chẳng may bị nhiễm...

Cả gia đình 4 người thì hết 3 người mắc COVID-19, không thể cách ly tại nhà, chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên và chồng phải vào điều trị tại bệnh viện, đứa con trai nhỏ bệnh nhẹ nên được cách ly ở nhà cùng bà ngoại.

Những ngày bị COVID-19 "quậy"

Đến nay dù đã xuất viện về nhà và đang tham gia tình nguyện trên địa bàn phường, chị Nguyên (ngụ quận 5, TP.HCM) vẫn chưa thôi ám ảnh thời điểm bị con virus quái quỷ hành hạ.

Chị Nguyên vốn là người kinh doanh quần áo, do dịch bệnh phải đóng cửa, chị xin vào làm nhân viên tại một siêu thị ở quận 10. Hôm 25-7, chị đi làm và tiếp xúc gần một người trong siêu thị. Đến ngày 30-7, người này thông báo mình dương tính với COVID-19, còn chị Nguyên lúc này vẫn đi làm bình thường.

Sáng 2-8, vợ chồng chị ra phường test nhanh để chờ tiêm vắc xin thì vẫn âm tính, song tối đó chị bắt đầu thấy cổ bị rít, muốn ho mạnh mà không thể. Cảnh tượng nhiễm bệnh hiện lên trong đầu, chị biết khả năng cao mình đã bị COVID -19 "điểm mặt". 

Chị đem cậu con trai 7 tuổi xuống tầng trệt ở cùng bà ngoại, hai vợ chồng cách ly tầng trên, đồng thời dặn gia đình khẩu trang trong nhà.

Hôm sau chị Nguyên sốt 38 độ, vị giác và khứu giác mất đi. Do cơ thể yếu, bệnh tình của chị chuyển xấu rất nhanh những ngày sau đó. Vừa sốt, khó thở lại đau nhức khắp người khiến chị không muốn ăn uống gì. 

"Tôi uống Paracetamol nhiều mà sốt vẫn khó hạ, cứ 2-3 tiếng sốt lại một lần. Mình mẩy đau muốn gãy xương sườn. Mỗi lần trở mình hay ngồi dậy là muốn khóc luôn mà đâu dám kêu chồng, vì buổi tối chồng chườm người cho tôi nên ngủ khuya lắm" - chị Nguyên cho biết mỗi lần muốn đi vệ sinh, phải lết ra rồi bò cầu thang.

Được người thân ở nước ngoài gửi một số thuốc, trong đó có Mucinex, chị uống cách 4 tiếng một lần. 

"Uống thuốc này vô cảm giác đỡ nhức mỏi, ngồi dậy được nhưng vẫn còn sốt, khó thở, nặng ngực. Hai ngày sau thì cắt sốt ban ngày, chỉ còn sốt đêm" - chị Nguyên nói. Thời gian đó, việc chăm sóc đều do anh Dương Văn Bảo Thi, 26 tuổi, chồng chị đảm nhiệm.

Sang ngày thứ tư lại mệt mỏi không chịu nổi nữa, chị báo với tổ trưởng khu phố và y tế phường về tình trạng bệnh. Sau khi test nhanh và test PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, chị được cho về nhà, đợi thông báo thời gian đi cách ly. Lúc này, trong siêu thị ngoài chị Nguyên còn thêm hai nhân viên khác cũng dương tính.

Biết vợ sắp vào bệnh viện (BV), anh Thi nấu nồi nước cho vợ xông hơi, kèm thuốc uống tan đàm và chuẩn bị một số thứ cần thiết kèm vài loại thuốc để chị mang theo. 

Sáng 7-8, chị Nguyên được đưa đi cách ly ở trường học hai ngày, sau đó chuyển tới BV dã chiến thu dung số 7 (phường An Khánh, TP Thủ Đức).

Cuộc chiến của các F0 - Kỳ 1: Vợ chồng cùng một phòng trị bệnh - Ảnh 2.

Hết bệnh, vợ chồng chị Nguyên tình nguyện đi giúp người - Ảnh: KIM HOÀNG

Phải giữ vững tinh thần

Vợ đi BV, anh Thi cũng đi test sau khi có các triệu chứng sốt, ho, kết quả dương tính. Anh được đưa vào cách ly cùng vợ tại căn hộ chung cư block B, lầu 12, mỗi căn gồm 6 bệnh nhân.

"Được phường và y tế đưa vào BV điều trị, lại được cách ly cùng với vợ mình, tôi cảm thấy rất may mắn" - anh nói. Con trai của họ sau đó cũng dương tính nhưng chỉ ho và sốt nhẹ nên ở nhà, nhờ bà ngoại là F1 chăm sóc giúp.

Thời gian đầu vào BV, chị Nguyên vẫn còn sốt, mất vị giác, nồng độ oxy máu (SPO2) bị hạ và khó thở. 

"Mỗi lần khó thở là sợ lắm, sợ có khi nào mình đang ngủ rồi "đi" luôn không. Tôi có tập thở các kiểu cũng không ăn thua gì, phải kê cao gối lên tựa vào rồi thở từ từ" - chị cho biết hai vợ chồng tự mang theo thuốc vào khu cách ly, khi nào thấy không khỏe lấy ra uống, kèm vitamin C vào mỗi buổi sáng.

Với anh Thi, anh bị ho nhiều từ lúc ở nhà, đến khi vô khu cách ly thì sốt, kéo đàm, nặng ngực, nồng độ virus cao hơn cả vợ. 

"Mấy ngày ở nhà chăm sóc vợ, biết là tiếp xúc trước sau gì cũng sẽ bị nhiễm nên tôi có uống thuốc mà không hết. Vô BV, tôi hay sốt đêm. Mỗi lần sốt là "nốc" thuốc hạ sốt vô chứ không gọi bác sĩ vì thấy tự lo được, tránh làm phiền họ" - anh kể.

Để không gian thoáng đãng, vợ chồng chị và 4 người cùng phòng luôn mở cửa sổ cho nắng, gió lùa vào. 

"Chúng tôi đeo luôn khẩu trang, trò chuyện làm quen với nhau để đỡ nằm lì một chỗ. Những lời hỏi han, động viên rất quan trọng vì sẽ làm mình có năng lượng tích cực. Bác sĩ nói người mắc bệnh này quan trọng là phải giữ vững tinh thần, không nên sợ sệt, rầu lo, vậy mới mau khỏi bệnh" - chị cho hay ai vào BV thì cũng là F0 rồi nên không cần sợ bị lây gì nữa.

Ở BV, sáng mọi người dậy ra phơi nắng, vận động chân tay, uống nước ấm, ăn sáng xong chốc lát uống vitamin C. Ba bữa cơm mỗi ngày của bệnh nhân các tầng sẽ do hai con robot tự động tới phát từng phòng. 

"Cơm ở BV khá ổn, sạch sẽ, nhân viên y tế và các bạn tình nguyện cũng nhiệt tình" - chị chia sẻ.

Mỗi ngày, vợ chồng chị đều gọi video về xem hai bà cháu ở nhà ra sao. "May mắn con tôi chỉ ho sốt hai ngày là hết. Tôi có nhờ bà ngoại cho bé uống thuốc hạ sốt, uống kẽm để tăng đề kháng. Mọi người xung quanh nhà cũng hỗ trợ một ít thực phẩm, đồ dùng" - chị kể. 

Lúc khỏe, chị ra bancông hóng gió, đi lại cho đỡ uể oải, lúc mệt thì ngủ lấy sức.

Muốn làm chút việc có ích cho người khác

Dần dà, tình trạng bệnh của vợ chồng chị Nguyên tiến triển "tốt, các triệu chứng bớt dần rồi biến mất.

Ngày 16-8, cả phòng chị xuất viện sau 9 ngày điều trị trong BV khi đã khỏe hẳn. Trước khi xuất viện, mọi người được test nhanh và test PCR trong một lần. Anh Thi dù khỏe, nhưng do ăn uống trong BV không quen nên sụt mất mấy ký. Song được điều trị COVID-19 tại BV, đối với anh chị đã là may mắn.

"Tôi thấy mình vào khu cách ly nhanh khỏi bệnh hơn là ở nhà. Ở đây phòng ốc mới toanh, được khử trùng, trang bị khá đủ đồ dùng cơ bản, sạch sẽ, thoáng mát rất dễ chịu. Vào BV bệnh tình ra sao hay thắc mắc gì sẽ có người tới hỗ trợ. Và quan trọng phải thoải mái, tâm lý ổn định, cứ nghĩ rằng bao người khỏi thì mình cũng khỏi thôi" - chị nói.

Sau khi hoàn thành theo dõi tại nhà 14 ngày từ khu cách ly tập trung về, vợ chồng chị Nguyên chủ động đăng ký với phường để làm tình nguyện viên, hỗ trợ phân loại hàng hóa và giao đến tận nhà người dân.

"Khi đi cách ly, được phường và các y bác sĩ hỗ trợ tận tình, thì khi khỏi bệnh chúng tôi nghĩ mình cũng nên làm gì đó có ích cho xã hội" - người mẹ 28 tuổi tâm sự trong lúc đang nhặt rau củ hỗ trợ phường.

Tình người trong khu cách ly

Những ngày cách ly ở BV, chị Nguyên nhớ trong phòng đối diện có một người đàn ông Việt kiều Mỹ lớn tuổi, đã tiêm hai mũi vắc xin nhưng khi về VN vẫn bị nhiễm bệnh.

"Chú ấy bị suy hô hấp nên được đưa xuống lầu 5 thở oxy. Cơm nước lúc đầu chú tự lên phòng lấy mỗi buổi. Sau thấy chú cực quá nên vợ chồng tôi với mấy người cùng phòng thay nhau đem cơm xuống vì chú không có người thân.

Thường bệnh nhân vào khu cách ly không được đi sang các tầng khác, nhưng chúng tôi xin được di chuyển từ lầu 12 xuống lầu 5 để đưa cơm" - chị kể sự sẻ chia giữa các F0 trong khu cách ly.

********

Dù đã chích 2 mũi vắc xin, gia đình Nam Kha vẫn nhận "combo" F0 cả nhà với Covid-19.

>> Kỳ tới: "Combo" FO cả nhà

TP.HCM: Hơn 144.000 F0 đang được theo dõi, điều trị TP.HCM: Hơn 144.000 F0 đang được theo dõi, điều trị

TTO - Hiện thành phố đang điều trị cho 40.133 F0 tại các cơ sở y tế, 83.643 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà và 20.604 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp