14/07/2019 09:57 GMT+7

Cuộc chiến chống ma túy: nghịch lý ở Philippines

CHÍNH VỊ (từ Manila)
CHÍNH VỊ (từ Manila)

TTO - Chuyện Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết tiến hành một cuộc điều tra về "cuộc chiến chống ma túy" tại Philippines dường như không còn mấy người dân lưu tâm.

Cuộc chiến chống ma túy: nghịch lý ở Philippines - Ảnh 1.

Tổng thống Duterte cầm súng bắn tỉa đứng cạnh lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia Ronald Bato Dela Rosa. Ông từng thừa nhận mình đã tự tay bắn chết nghi phạm ma túy khi còn giữ chức thị trưởng thành phố Davao - Ảnh: REUTERS

Tôi xin hỏi mấy vị bảo vệ nhân quyền: Có sai không khi nói "nếu quý vị phá hủy đất nước tôi, tôi sẽ giết quý vị"? Đó có phải là tội ác với một tổng thống từng là thị trưởng, hoặc một thống đốc khi nói điều đó trước công chúng?

Cách đây gần đúng bốn tháng, Philippines đã chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự quốc tế cũng vì những cáo buộc về nhiều vụ giết người "vô pháp" trong cuộc diệt trừ ma túy rất mạnh tay do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động từ khi ông lên nắm quyền.

Cách nhìn về cuộc chiến bài trừ ma túy ở đây cũng đầy đối nghịch. Những người căm phẫn tác hại của ma túy dễ dàng chấp nhận cách hành xử cứng rắn để tận diệt những kẻ đang gieo rắc cái chết trắng. 

Ở góc độ khác, như dưới góc nhìn kiểu phương Tây, người ta dễ vận dụng các nguyên tắc của nhân quyền, của luật pháp để soi xét cách thức chính quyền hành xử với những tay buôn bán ma túy lẫn con nghiện.

Theo công bố chính thức của chính quyền Manila, khoảng 6.600 đối tượng đã bị cảnh sát tiêu diệt trong những cuộc đọ súng với các băng nhóm buôn bán ma túy kể từ khi ông Duterte được bầu làm tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, các nhà hoạt động lại cho rằng con số thiệt mạng trên thực tế ít nhất là 27.000 người, và trong đó nhiều người không đáng phải bị bắn chết.

Ngay trước cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết do Iceland khởi xướng, đã có những báo cáo liên tục về những khổ đau của những người có thân nhân bị sát hại theo kiểu "quá mức cần thiết". Vẫn như mọi khi trước những cáo buộc tương tự, lần này ngay sau cuộc bỏ phiếu, đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc Evan Garcia đã đọc tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này, trong đó chỉ trích nghị quyết trên "thiên vị chính trị và phiến diện".

Đất nước Philippines đầy nghịch lý như những tương phản giàu nghèo hiển hiện ở khu đại đô thị Manila. Người dân chọn lựa ông Duterte cũng vì bất mãn những năm tháng bị "giới thượng lưu" dòng giống lãnh đạo từ thời Bồ Đào Nha còn đô hộ lừa phỉnh. Ông Duterte đã nói là gắng làm cho được. Cuộc chiến chống ma túy cũng là lời hứa của ông từ thời tranh cử.

Cứ dẫn thử cuộc khảo sát quý 2-2018 của Social Weather Stations cũng có thể có vài suy nghĩ riêng cho mình: 78% người dân Philippines hài lòng với chiến dịch chống tội phạm ma túy của chính quyền và chỉ 13% có ý kiến ngược lại. 

Cuộc khảo sát còn cho thấy sự hài lòng về chiến dịch này tăng ở mọi khu vực dân cư, ngoại trừ Visayas, thậm chí còn đạt mức "tuyệt vời" tại Mindanao - "cứ địa" của Tổng thống Duterte, với cách biệt lên tới 84%.

Dù có thể đầy chất bạo liệt như tính cách vốn có của ông Duterte, nhưng rõ ràng người dân cũng thừa nhận cuộc chiến chống ma túy đã và đang giúp quét sạch nhiều loại ma túy nguy hiểm từng hoành hành ở thủ đô Manila cùng nhiều vùng khác. Tình trạng phạm tội cũng đã giảm, hàng ngàn kẻ buôn bán phải ngồi tù, hàng triệu con nghiện đã đăng ký điều trị.

Chắc chắn ông Duterte sẽ không từ bỏ cuộc chiến mà mình đã hứa đi đến cùng để cứu lấy thế hệ trẻ Philippines. Cách đây gần một năm, trong thông điệp quốc gia thường niên đọc trước Quốc hội, một lần nữa ông cam kết theo đuổi đến cùng cuộc chiến chống ma túy kèm theo dự báo cuộc chiến này sẽ "tàn nhẫn và khốc liệt" như trước đây.

Bởi thế, mặc dù bên ngoài có thể nhìn ông Duterte như một nhà lãnh đạo dữ dằn với những phát ngôn đôi khi vượt quá khuôn phép ngoại giao hay không hợp phong cách của nguyên thủ quốc gia thường thấy, nhưng trong mắt người dân ông vẫn là lãnh đạo ổn nhất. Thậm chí nếu không muốn nói ông là lãnh đạo được lòng dân nhất trong 33 năm qua kể từ khi Philippines có được nền dân chủ. 

Sự ủng hộ của dân chúng với sự lãnh đạo của ông cứ luôn ổn định ở mức cao, thậm chí hơn hẳn ông Trump, mà thoạt đầu người ta thường so sánh sự giống nhau giữa hai vị. Trong khảo sát mới nhất, sự ủng hộ về cách điều hành của ông Duterte đạt đến 80%, dù vẫn có 12% không đồng tình.

Như vậy là quá ổn rồi còn gì. Bởi thế, một lãnh đạo có kiểu ăn nói bạt mạng như ông Duterte chẳng ngại gì mà không dám mắng thẳng Iceland sau cái nghị quyết đòi điều tra cuộc chiến của ông: "Vấn đề của Iceland là gì? Chỉ là băng tuyết. Đó là vấn đề của họ. Iceland có quá nhiều băng tuyết và ngày đêm không rõ ràng ở đó. Có thể hiểu được tại sao không có tội phạm. Cũng như cảnh sát ở Iceland, bởi họ chỉ ăn băng tuyết nên không hiểu các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị của Philippines". 

Tổng thống Duterte luôn nghĩ rằng người bên ngoài không thể hiểu được vấn đề của đất nước ông.

Philippines lúng túng với hàng trăm ký cocaine dạt vào bờ biển

TTO - Cảnh sát Philippines nhận định nhiều gói cocaine dạt vào bờ biển nước này do ma túy đang được chuyển theo đường biển trên Thái Bình Dương từ Mỹ và Nam Mỹ cùng sự bùng nổ sản xuất ma túy tổng hợp khắp Nam và Đông Á.

CHÍNH VỊ (từ Manila)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp