18/01/2019 11:17 GMT+7

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Quan hệ Nga và Mỹ căng thẳng đến mức tưởng chừng có đối đầu quân sự nhưng cuộc chiến chống gián điệp trong bóng tối lại căng thẳng không kém. Cuộc chiến ấy đang nóng như thời Chiến tranh lạnh.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga - Ảnh 1.

Bộ Tư pháp Mỹ công bố quyết định truy tố bảy điệp viên Nga vào ngày 4-10-2018 - Ảnh: EPA

Trước đây các cơ quan tình báo thường chiến đấu với nhau trong bóng tối. Điệp viên bị bắt chỉ được yêu cầu rời đi. Nay Hà Lan không để GRU ngấm ngầm hoạt động nữa.

Báo Trouw (Hà Lan)

Ngoài Nga, Mỹ và các đồng minh còn nhắm đến Trung Quốc. Trong khi đó Nga, Trung Quốc và một số nước khác cũng có kế hoạch riêng của mình...

Tháng 10 có lẽ là tháng đen đủi nhất của các cơ quan tình báo Nga trong năm 2018. Các nước phương Tây đồng loạt chỉ đích danh Nga về nhiều vụ xâm nhập mạng.

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống gián điệp, đó là từ nay mọi hoạt động tình báo đều được phơi bày ra ánh sáng chứ không ngấm ngầm xử lý như trước.

tại La Haye

Ngày 10-4-2018, bốn công dân Nga mang hộ chiếu ngoại giao bước xuống sân bay quốc tế ở Amsterdam (Hà Lan) sau chuyến bay đến từ Nga. Người của Đại sứ quán Nga tại Hà Lan ra sân bay đón. Nhờ tình báo Anh bắn tin trước, Cơ quan tình báo Hà Lan (MIVD) bắt đầu theo dõi.

Hôm sau, nhóm công dân Nga thuê một ôtô Citroen C3 màu xám đậm. Trong hai ngày, họ khảo sát xung quanh trụ sở Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại La Haye và chụp ảnh từ cửa sổ phòng lưu trú ở khách sạn Marriott gần đó.

Chiều thứ sáu 13-4, một ngày mang lại vận đen, chiếc Citroen C3 chạy đến đậu trong bãi xe khách sạn Marriott đối diện trụ sở OPCW. Đúng 16h30, nhóm người Nga được mô tả là bắt đầu vận hành thiết bị. Các đặc vụ MIVD đột ngột can thiệp và áp giải ngay ra máy bay trục xuất về Nga.

Sáu tháng sau, vào ngày 4-10-2018, Bộ Quốc phòng Hà Lan tổ chức họp báo công bố Nga tại La Haye. Bốn người Nga bị gọi là "điệp viên" gồm Aleksei Morenets, Evgenii Serebriakov, Oleg Sotnikov và Alexey Minin và bị cáo buộc làm việc cho Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU).

Hai người là chuyên gia tin học và hai người còn lại phụ trách trinh sát mục tiêu. Kế hoạch của họ là xâm nhập mạng WiFi của OPCW để lấy thông tin.

MIVD đã tìm thấy sau xe Citroen C3 một ăngten kết nối với máy vi tính chĩa về hướng trụ sở OPCW. Ăngten được giấu dưới áo măngtô ngụy trang. MIVD cũng đã tịch thu 20.000 USD và 20.000 euro tiền mặt, tài liệu, điện thoại di động, máy chụp ảnh, máy vi tính cùng nhiều thiết bị khác.

Các bằng chứng thu thập được có vẻ quá dễ dàng.

Truyền thông phương Tây cho rằng nhóm người Nga để lại nhiều dấu vết chết người. Một điện thoại Sony Experia được kích hoạt lần đầu tại trạm điện thoại cạnh trụ sở GRU ở Matxcơva. Có lẽ họ định mang hóa đơn về nhà thanh toán với tài vụ nên vẫn giữ trong túi hóa đơn taxi ghi hành trình 32km đi từ con đường gần trụ sở GRU đến sân bay Matxcơva.

OPCW chính là cơ quan điều tra nhiều nghi án liên quan đến Nga, trong đó có vụ cựu điệp viên nhị trùng Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh. Sau chặng dừng ở Hà Lan, nhóm người Nga được cho là có dự tính đến Berne (Thụy Sĩ).

Tại Spiez cạnh thành phố Berne có phòng xét nghiệm thường được OPCW đặt hàng phân tích mẫu, trong đó có mẫu chất độc thần kinh trong vụ Sergei Skripal nêu trên.

Cuối tháng 3-2018, MIVD hợp tác với các cơ quan tình báo châu Âu cũng từng bắt giữ hai người được cho là "điệp viên Nga" đến Thụy Sĩ mang theo thiết bị xâm nhập mạng của phòng xét nghiệm ở Spiez.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga - Ảnh 3.

Cô nàng mê súng Maria Butina - Ảnh: Facebook

Cô nàng điệp viên "máu" chơi súng

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld giải thích "thông thường chúng tôi không công bố thông tin chiến dịch phản gián như thế", nhưng lần này Hà Lan hết sức quan ngại về hoạt động xâm nhập của các điệp viên Nga.

Cùng lúc Hà Lan họp báo, các nước Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, Liên minh châu Âu và NATO đồng thanh lên tiếng chỉ trích Nga về các vụ tin tặc. Cùng với Canada, lần đầu tiên Anh chỉ đích danh GRU là đầu mối chỉ đạo.

Tại Mỹ ngày 4-10-2018, Bộ Tư pháp đã công bố quyết định truy tố bảy điệp viên GRU vì đánh cắp thông tin, rửa tiền, lừa đảo ngân hàng và mạo danh.

Từ năm 2014 đến tháng 5-2018, các điệp viên Nga đã âm mưu đánh cắp thông tin đối với các cơ quan thể thao lớn thế giới như Cơ quan Chống doping thế giới (WADA), Ủy ban Olympic quốc tế, Liên đoàn Bóng đá thế giới, Liên đoàn Điền kinh thế giới, Tòa án Trọng tài thể thao và hơn 30 cơ quan thể thao quốc gia.

Trước đó hồi tháng 7-2018, 12 điệp viên GRU cũng bị truy tố vì xâm nhập máy tính của Đảng Dân chủ trước bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong những vụ việc như thế, Nga đều lên tiếng phản bác như trong vụ mà phương Tây gọi là nữ điệp viên Nga Maria Valeryevna Butina.

Maria Valeryevna Butina 31 tuổi, là một cô gái Nga rất "máu" chơi súng. Butina thường lên Facebook và Twitter khoe hình ảnh cầm súng. Tại Nga, cô thành lập nhóm "Quyền mang súng".

Sau khi tốt nghiệp khoa chính trị học tại Đại học quốc gia Altai ở quê nhà Barnaul (Siberia), Butina làm trợ lý cho cựu nghị sĩ Aleksandr Torshin, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga.

Từ năm 2013-2015, Butina cùng nghị sĩ nọ đã từng mời chủ tịch Hiệp hội Súng quốc gia Mỹ (NRA) sang Matxcơva và hai lần đến Mỹ dự hội nghị của NRA.

Tháng 8-2016, Butina sang Mỹ theo học thạc sĩ, thế nhưng trong hồ sơ nhập cảnh cô lại "quên" không khai làm trợ lý cho ông Aleksandr Torshin. Tại Mỹ, cô thường xuyên tiếp xúc với các nhân vật lãnh đạo NRA và không hay biết từ lâu FBI đã giám sát cô.

Ngày 15-6-2018, Maria Butina bị FBI bắt giữ vì hoạt động tình báo từ năm 2014-2017. Ban đầu cô không nhận tội nhưng đến ngày 13-12-2018 đã đạt được thỏa thuận nhận tội tại tòa án quận Columbia.

Butina khai nhận đã thiết lập các kênh không chính thức với Đảng Cộng hòa và NRA nhằm chiêu dụ các nhà chính trị Mỹ xem Nga là đồng minh. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào tháng 2-2019 với mức án tối đa 5 năm tù.

Trước những cáo buộc đó, hôm 14-12-2018, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Điện Kremlin, nói rằng chính phủ Nga xem "các cáo buộc nhắm vào cô (Butina) là hoàn toàn không có căn cứ".

Còn Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói lời nhận tội của Butina chỉ đơn giản là một phần của gói mặc cả lời khai và rằng cô chỉ thỏa thuận nhận tội để được tự do. Ông cho rằng cô này đã bị tra tấn một kiểu nào đó bởi các quan chức thực thi pháp luật của Mỹ.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 1: Các điệp vụ thất bại của Nga - Ảnh 4.

Ngày 4-10-2018, Bộ Quốc phòng Hà Lan tổ chức họp báo công bố điệp vụ xâm nhập mạng WiFi của bốn điệp viên Nga - Ảnh: ANP

>> Kỳ tới: GRU lộ diện


Nga buộc tội công dân Mỹ bị bắt tại Matxcơva là gián điệp

TTO - Các công tố viên Nga buộc tội ông Paul Whelan, 48 tuổi, sinh tại Canada và là cựu quân nhân Thủy quân lục chiến của Mỹ bị bắt tại Matxcơva tuần trước, đã hoạt động gián điệp.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp