13/05/2020 05:19 GMT+7

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 3: Từ khẩu trang giả đến lừa tiền cứu trợ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cuối tháng 4-2020, khoảng 22.000 nhà thuốc ở Pháp cùng nhận được bản fax từ Tập đoàn dược phẩm Créapharm ở Reims (đông bắc nước Pháp), đề nghị bán các mặt hàng y tế đang khan hiếm trong dịch với giá khá hời.

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 3: Từ khẩu trang giả đến lừa tiền cứu trợ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã cảnh báo tình hình bán thuốc giả điều trị COVID-19 qua mạng - Ảnh: GETTY IMAGES

Các mặt hàng được chào mời như gel sát khuẩn tay, khẩu trang, khăn lau khử trùng, bao bọc giày... Một số dược sĩ gọi vào số điện thoại ghi trên fax. Người nghe máy yêu cầu phải trả tiền trước mới được nhận hàng.

Thủ đoạn lừa đảo đạt hiệu quả nhất với hai đối tượng: người sợ nhiễm COVID-19 và người eo hẹp tiền bạc.

TS Joan Donovan

Lừa đảo còn kéo dài một năm nữa

Ông Eric Placet - chủ tịch Tập đoàn Créapharm - tuyên bố: "Tất cả đều là trò lừa đảo". Địa chỉ email và số điện thoại trên bản fax không đúng. Mã ngân hàng lại tương ứng với một tài khoản ở Anh. 

Đây chỉ là một trong hàng trăm thủ đoạn lừa đảo nở rộ như nấm mùa mưa trong dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 hoành hành, hầu hết nhân viên văn phòng làm việc từ xa để bảo đảm giãn cách xã hội. Đây là cơ hội vàng cho bọn tội phạm mạng. 

Chúng thay đổi phương thức hoạt động, khéo léo biến nỗi sợ dịch bệnh thành "con ngựa thành Troia" để đánh cắp dữ liệu cá nhân, dữ liệu ngân hàng, tống tiền, lừa đảo.

Tại Mỹ, trong các vụ lừa đảo mà TS Joan Donovan - giám đốc nghiên cứu Trung tâm Shorenstein (Trường Harvard Kennedy ở Cambridge) - đã theo dõi ba tháng qua, bà nhớ nhất một vụ rất ấn tượng. Bọn lừa đảo quảng cáo một ứng dụng phát hiện bị nhiễm COVID-19. 

Khi nạn nhân cả tin nhấp vào đường dẫn, máy tính đứng hình và bọn lừa đảo ép phải trả tiền chuộc bằng bitcoin.

Trong công văn gửi cho các luật sư hôm 16-3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr từng lưu ý nhiều email lừa đảo còn dám mạo danh Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) để bán thuốc giả điều trị COVID-19. 

Trong công văn kế tiếp, Thứ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen đã liệt kê hàng loạt thủ đoạn lừa đảo để mọi người cảnh giác.

Trung tuần tháng 4-2020, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo tình hình "thừa nước đục thả câu" để lừa đảo bùng phát chưa từng thấy. Ước tính bọn lừa đảo đã gom được 12 triệu USD. 

Các thủ đoạn lừa đảo ở Mỹ rất đa dạng, từ đề nghị cung cấp thuốc điều trị COVID-19 và vắcxin giả, mời mọc đầu tư vào các công ty dược "ma" cho đến mạo danh bác sĩ yêu cầu thanh toán tiền thuốc điều trị COVID-19.

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phối hợp với Cục Hải quan và biên phòng (CBP) đã phát hiện hàng ngàn bộ kit xét nghiệm và khẩu trang giả được gửi theo đường bưu phẩm từ Anh đến Los Angeles. 

Sau khi Chính phủ Mỹ ban hành Luật hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế coronavirus (đạo luật CARES) trị giá 2,2 tỉ USD, bọn lừa đảo khắp thế giới đã sử dụng đủ chiêu trò để đánh cắp khoản tiền cứu trợ này của cá nhân và doanh nghiệp.

TS Deborah Birx - điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng - từng cảnh báo về cái bẫy của các công ty xét nghiệm giả danh: "Nếu các bạn thấy chúng trên Internet, đừng mua hàng của chúng". TS Joan Donovan dự báo các trò lừa đảo sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi có vắcxin ngừa COVID-19, tức phải mất ít nhất một năm nữa.

5 thủ đoạn lừa đảo phổ biến

Tại Canada, từ đầu dịch COVID-19 đến giữa tháng 4, Trung tâm Chống gian lận Canada đã ghi nhận 462 vụ lừa đảo về dịch bệnh liên quan đến 106 nạn nhân với số tiền thiệt hại 122.000 đôla Canada. 

Tính ra, số vụ lừa đảo cao gấp bốn lần so với bình thường. Trung tâm thống kê có khoảng 40 thủ đoạn lừa đảo, trong đó có 5 thủ đoạn phổ biến:

- Lừa đảo hàng hóa (mời cung cấp số thẻ tín dụng để nhận quà tặng, chào bán khẩu trang y tế không có thật...).

- Tấn công giả mạo (giả danh bệnh viện hoặc doanh nghiệp nổi tiếng yêu cầu click xác nhận thông tin xin trợ cấp dịch bệnh...).

- Quyên góp từ thiện (giả danh cơ quan y tế kêu gọi quyên góp hoặc giả danh bệnh nhân nghèo xin tiền trị bệnh...).

- Lừa đảo tống tiền (đề nghị chuyển tiền để nhận quà tặng nước ngoài là thuốc điều trị COVID-19...).

- Lừa đảo công việc (mời làm việc online nhưng phải trả phí trước và cung cấp thông tin tài khoản...).

Nhà phân tích tình báo tội phạm Jeffrey Thomson nhận định: "Hầu hết các vụ lừa đảo là gian lận quốc tế. Bọn lừa đảo ở nước này tấn công công dân ở nước khác, sau đó tiền được chuyển đến nước thứ ba. Đôi khi có cả nước thứ tư và nước thứ năm liên can".

Bí mật chiến dịch Pangea XIII

Dịch COVID-19 là cơ hội kinh doanh hiếm có của bọn tội phạm mạng. Hằng hà sa số trang web giả mạo rao bán đủ thứ thuốc điều trị, khẩu trang, quần áo bảo hộ, cồn sát khuẩn. Cuối tháng 3-2020, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) thông báo một số cơ quan hải quan và cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ, Anh, Đức, Indonesia, Uganda, Ukraine, Việt Nam và Trung Quốc đã báo cáo nhiều vụ bắt giữ vật tư y tế giả, đặc biệt là khẩu trang y tế giả và cồn sát khuẩn giả.

Từ ngày 3-3 đến 10-3, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã điều phối tiến hành chiến dịch Pangea XIII liên quan đến 90 nước. Kết quả đã có 121 vụ bắt giữ. Số tang vật tịch thu trị giá hơn 14 triệu USD gồm 4,4 triệu đơn vị dược phẩm bất hợp pháp, 37.258 dụng cụ y tế giả (trong đó có 34.137 khẩu trang y tế). Trong số dược phẩm bị tịch thu có đủ thứ thuốc tào lao, từ thuốc kháng virus, thuốc chloroquine, vitamin C cho đến thuốc giảm đau và kháng sinh.

Tại Pháp ngày 16-4, Thượng viện đã công bố nghiên cứu ghi nhận ba hiện tượng trong dịch. Một là nạn tung tin giả (ví dụ sử dụng cocaine hoặc uống rượu sẽ miễn dịch với COVID-19). Hai là cuộc chiến truyền thông do một số cường quốc nước ngoài tiến hành để mở rộng ảnh hưởng. Ba là tấn công mạng nhắm vào các cơ sở y tế và người làm việc từ xa để thu thập dữ liệu cá nhân hòng trục lợi. Tại Anh, Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) cũng đã cảnh báo tình hình lừa đảo sử dụng dịch COVID-19 làm mồi nhử lan tràn khắp châu Âu.

Lừa đảo cả một cường quốc

Một âm mưu lừa đảo quốc tế đã bị Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) lật tẩy. Cơ quan y tế Đức ủy quyền cho hai công ty ở Đức và Thụy Sĩ đặt hàng mua 15 triệu euro khẩu trang.

Một công ty ở Tây Ban Nha ban đầu nói có 10 triệu khẩu trang, sau đó "bán cái" cho đối tác ở Ireland. Công ty Ireland đàm phán với nhà sản xuất Hà Lan và đạt được đơn hàng 1,5 triệu khẩu trang trị giá 1,5 triệu euro.

kỳ 3 ảnh 2 tinh bao 2(read-only)

Cảnh sát Ý phát hiện khẩu trang y tế giả trong chiến dịch Pangea XIII - Ảnh: Interpol

Đức chuẩn bị 52 xe tải và đội cảnh sát hộ tống chờ sẵn. Sát ngày nhận hàng, Đức nhận được tin khẩn đề nghị chuyển khoản gấp 880.000 euro cho công ty Ireland, nếu không sẽ không có hàng. Đức cấp tốc chuyển tiền nhưng Europol đã kịp ngăn chặn.

Giữa tháng 3-2020, hai nghi phạm ở Hà Lan bị bắt. Nếu Đức chuyển tiền thành công, tiền sẽ được chuyển đến... Nigeria vì bọn bày trò lừa đảo ở Nigeria. Các công ty mà Đức đàm phán từ đầu đều là các trang web giả mạo.

Phiến quân Taliban ở Afghanistan đã mở chiến dịch giúp người dân chống dịch. Trong khi đó, IS chuyển sang rình rập và kín đáo xâm nhập trở lại.

Kỳ tới: Đại dịch thay đổi hoạt động khủng bố

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 2: Dự án 'Khí thở' của Israel Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 2: Dự án "Khí thở" của Israel

TTO - Trong một tháng rưỡi qua, Israel đã mua được khoảng 61 triệu khẩu trang y tế, 930.000 khẩu trang N95, 1,4 triệu bộ quần áo bảo hộ y tế, 403.000 áo blouse dùng một lần, 800.000 kính chắn giọt bắn, 1 triệu bộ kit xét nghiệm và 811 máy thở.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp