11/05/2020 06:30 GMT+7

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 1: Tình báo Mỹ khổ sở vì dịch

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Dịch COVID-19 là lần đầu tiên các cơ quan tình báo đương đầu với một kẻ thù không phải con người.

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 1: Tình báo Mỹ khổ sở vì dịch - Ảnh 1.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, các nhân viên tình báo phải thay đổi phương thức hành động để giải mật bí ẩn nguồn gốc virus, săn lùng trang thiết bị y tế và đối phó với các nguy cơ tội phạm mạng, khủng bố, vũ khí sinh học...

Ngày 3-4, Văn phòng giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) ban hành công văn hướng dẫn 17 cơ quan tình báo trực thuộc căn cứ Luật hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế coronavirus (HR 748, gọi tắt là đạo luật CARES) linh hoạt điều chỉnh hợp đồng để các doanh nghiệp nhà thầu có thể làm việc ở nhà và được bồi thường nếu không thể làm việc từ xa.

Theo hợp đồng, các nhà thầu phải làm việc trong các cơ sở bảo mật (SCIF) nhưng hầu hết SCIF phải đóng cửa do dịch, vì vậy chỉ còn giải pháp làm việc từ xa.

Toàn bộ cộng đồng tình báo trên thế giới đều bị dịch COVID-19 ảnh hưởng.

GS Franck DeCloquement (Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp)

Làm việc theo cấp độ thông tin mật

Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cộng đồng các cơ quan tình báo Mỹ cũng như các thành phần lao động khác. Cuối tháng 3-2020, một nhân viên Cục Điều tra liên bang (FBI) làm việc tại Trung tâm Sàng lọc khủng bố ở Virginia đã có kết quả dương tính. Tất cả nhân viên phải ở nhà năm ngày chờ khử trùng trung tâm. Cơ sở này được xem là một SCIF, với khoảng 240 nhân viên nhà thầu và 100 nhân viên FBI làm việc 24/24 giờ.

Trao đổi với trang Politico (Mỹ), một quan chức FBI cho biết họ thường xuyên liên lạc với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cùng Cơ quan Quản lý nhân sự liên bang (OPM) để cập nhật các biện pháp tốt nhất nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho nhân viên, đồng thời vẫn duy trì khả năng tác chiến của FBI.

Để thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, các cơ quan tình báo Mỹ phải tách ca nhằm giảm số lượng nhân viên có mặt cùng lúc trong không gian kín và chỉ để lại nhân sự chủ yếu làm việc tại văn phòng. Tại Cục An ninh quốc gia (NSA) và Cục Tình báo trung ương (CIA), một số nhân viên từng làm việc thường xuyên thì nay được chia ra làm theo ca như ba ngày làm, ba ngày nghỉ, hoặc một tuần làm, một tuần nghỉ.

Trước đây, rất nhiều công việc liên quan đến mã nguồn mở hoặc thậm chí không xếp vào loại mật vẫn được thực hiện bên trong môi trường làm việc bảo mật, vì vậy bố trí lại công việc không phải đơn giản.

Các nhân viên tình báo được bố trí làm việc tại nhà phải bảo mật thông tin. Một số cuộc điện đàm được cho phép thực hiện trên điện thoại di động có mã hóa mà những người sử dụng đã biết với nhau. Song Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan trọng yếu khác phải sử dụng đường truyền nội bộ SIPRNet để trao đổi thông tin mật. Cấp độ mật của SIPRNet còn thấp nhưng không dành cho người sử dụng tại nhà.

Hệ thống thông tin liên kết tình báo toàn cầu (JWICS) thuộc cấp độ mật cao hơn, thường được sử dụng để xử lý thông tin tình báo tối mật. Các quan chức cao cấp, các nhà ngoại giao, các nhân viên tình báo, đặc vụ FBI và quân nhân cao cấp là đối tượng được phép sử dụng JWICS, nhưng thường di chuyển khắp nơi nên tư gia của họ không được trang bị hệ thống này.

Thông tin ở cấp độ cao nhất (tuyệt mật) được đánh dấu TS/SCI (tuyệt mật/thông tin nhạy cảm) chỉ được thảo luận trong các SCIF bố trí trong hơn hai tá cơ quan chính phủ, các văn phòng trực thuộc Quốc hội, căn cứ quân sự và đại sứ quán. Dù có dịch COVID-19, những người có liên quan vẫn phải vào các SCIF để tham khảo thông tin TS/SCI.

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 1: Tình báo Mỹ khổ sở vì dịch - Ảnh 3.

Các cơ sở bảo mật (SCIF) được thiết kế để ngăn chặn tin tình báo lọt ra ngoài. Hầu hết SCIF phải đóng cửa do dịch - Ảnh: scifglobal.com

Hoạt động tình báo con người bị hạn chế

Chính phủ Mỹ đã đầu tư hàng loạt cho mạng lưới vệ tinh gián điệp và nhiều công nghệ khác nhằm thu thập tin tình báo hằng ngày đến từ nhiều nguồn mở. Dù vậy, như cựu điệp viên CIA Douglas London - phó giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh (Đại học Georgetown) - nhận xét: "Công nghệ không giúp khai thác được những điều trong tim óc kẻ thù và đối thủ chiến lược, mà cần phải có trí thông minh con người, tức tình báo con người".

Chỉ có tình báo con người (HUMINT) mới đủ khả năng phát hiện, đánh giá, tuyển dụng và điều hành điệp viên ở nước ngoài. Thế nhưng giờ đây tình báo con người đã bị con virus "Cô Vy" hành ra bã. Do dịch bệnh, nhân viên tình báo ở nước ngoài không thể tiếp xúc với nguồn cung cấp tin, đặc biệt tại các nước áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như Trung Quốc.

Một sĩ quan tình báo Mỹ giấu tên giải thích với báo Time: "Duy trì vỏ bọc trong thành phố đông đúc đã khó. Khi số thành phố bị phong tỏa tăng lên, muốn tránh gây chú ý trên đường vắng còn khó hơn. Bạn không thể đơn giản chỉ nhận điện thoại hoặc gửi tin nhắn".

Chuyên gia Brian Perkin ở Đại học Jamestown (Mỹ) nhận xét thách thức lớn nhất trong dịch COVID-19 là các nhân viên tình báo không thể tự do đi lại. Làm thế nào tiếp xúc bí mật lần đầu với một ứng viên mới tuyển dụng đầy hứa hẹn? Quán xá, xe buýt, công viên, nhà hàng đều ngừng hoạt động, không có nơi nào gặp mặt mà không bị chú ý.

Cựu nhân viên CIA John Sipher - người đồng sáng lập Công ty Spycraft Entertainment - nhận xét: "Nếu là sĩ quan tình báo hoạt động bí mật ở nước ngoài và muốn tiếp xúc với nguồn tin, bạn phải suy nghĩ bạn có thể ra đường được không, nguồn tin có thể rời khỏi nhà được không và có bị nhiễm virus không?". Cựu sĩ quan tình báo Chris Costa - giám đốc điều hành Bảo tàng Tình báo quốc tế ở Washington, D.C - kết luận dịch COVID-19 đã làm công tác tình báo con người chậm lại.

Tuy nhiên, các nhân viên tình báo Mỹ đã quen đối phó với bất ngờ, vì vậy họ có thể ưu tiên sử dụng tình báo tín hiệu (SIGINT) để truy tìm thông tin khủng bố, định vị nghi phạm hoặc khôi phục mạng ảo của bọn tội phạm.

Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 1: Tình báo Mỹ khổ sở vì dịch - Ảnh 4.

Nghiên cứu virus gây bệnh COVID-19 tại Trung tâm Tình báo y tế quốc gia Mỹ - Ảnh: Quân đội Mỹ

Bí mật tình báo y tế Mỹ

Một cơ quan tình báo quan trọng bám sát diễn biến dịch COVID-19 nhưng ít ai biết đến là Trung tâm Tình báo y tế quốc gia Mỹ (NCMI) trực thuộc Cục Quân báo - Bộ Quốc phòng. NCMI gồm khoảng 100 nhà nghiên cứu về dịch tễ học, virus học, hóa học, độc chất, sinh học và quân y.

Hầu hết thông tin nghiên cứu của NCMI là tài liệu nguồn mở. NCMI còn có quyền truy cập thông tin tình báo tín hiệu của NSA, thông tin CIA thu thập ở nước ngoài, hình ảnh vệ tinh và bản đồ địa hình từ Cục Tình báo không gian địa lý quốc gia (NGA).

NCMI sẽ phân tích thông tin, đánh giá, dự báo và cung cấp dữ liệu tình báo y tế về các bệnh truyền nhiễm và nguy cơ sức khỏe do thiên tai, độc chất, khủng bố sinh học cũng như khả năng xử lý nguy cơ của các nước.

Báo cáo của NCMI được chuyển cho Bộ Quốc phòng, Nhà Trắng và nhiều cơ quan liên bang, nhất là Bộ Y tế.

Các cơ quan tình báo phải ưu tiên cho hoạt động tìm kiếm trang thiết bị y tế chống dịch. Israel đi đầu trong công việc này. Hầu hết lực lượng tình báo và quân đội đều được huy động tìm khẩu trang, máy thở.

Kỳ tới: Dự án “Khí thở” của Israel

Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 không phải là vũ khí sinh học từ phòng lab Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 không phải là vũ khí sinh học từ phòng lab

TTO - Theo những kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine, virus SARS-CoV-2 là sản phẩm của tiến hóa tự nhiên, không liên quan tới phòng thí nghiệm nào cả.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp