02/12/2024 12:34 GMT+7

Cuộc chiến Á - Âu trên bàn cờ

Dù kết quả trận chung kết cờ vua thế giới - đang diễn ra trong những ngày qua giữa Đinh Lập Nhân (Ding Liren) và Gukesh Dommaraju (Ấn Độ) - có thế nào, danh hiệu "vua cờ" chắc chắn vẫn sẽ được giữ lại châu Á.

Cuộc chiến Á - Âu trên bàn cờ - Ảnh 1.

Dù Ding Liren (bìa trái) hay Dommaraju giành chiến thắng, danh hiệu “vua cờ” sẽ lần thứ hai liên tiếp thuộc về châu Á - Ảnh: THE NEW TIMES

Trận so tài giữa hai kỳ thủ Trung Quốc - Ấn Độ đang đi đến giai đoạn quyết liệt. Và lần đầu tiên trong lịch sử, trận cờ tranh ngôi vô địch thế giới diễn ra giữa hai kỳ thủ châu Á.

Carlsen vẫn là "vua cờ"

Làng cờ thế giới không xa lạ gì sự xuất sắc của các kỳ thủ Ấn Độ. Giai đoạn 2007 - 2014, cựu vua cờ Viswanathan Anand từng lọt vào chung kết đến 6 lần. Trong đó, ông đã đánh bại kỳ thủ đến từ Israel - Boris Gelfand - vào năm 2012. Đó gần như là một trận so tài của châu Á, nhưng vẫn không chính thức vì Israel đã chọn thuộc về châu Âu trong lĩnh vực thể thao.

Và mãi đến năm nay, sau gần 200 năm lịch sử, trận cờ vô địch thế giới mới lần đầu tiên ghi nhận cuộc so tài giữa hai kỳ thủ châu Á thực thụ. Ding Liren, người giữ danh hiệu vua cờ từ năm 2023, so tài với thiên tài Dommajaru của Ấn Độ. Dommajaru mới 18 tuổi nhưng đã nhận danh hiệu đại kiện tướng từ năm 2019 (khi mới 12 tuổi 7 tháng 17 ngày, trở thành đại kiện tướng trẻ thứ ba trong lịch sử). Ding cũng chưa già khi mới 32 tuổi, vẫn còn nhiều thời gian để cải thiện bản thân.

Thật ra, việc gọi Ding Liren là "vua cờ" có hơi khiên cưỡng. Trong 10 năm trời, Magnus Carlsen (Na Uy) hoàn toàn thống trị làng cờ thế giới khi chiến thắng 5 trận chung kết thế giới liên tiếp. Nhiều người đã so sánh Carlsen với Kasparov, Karpov và Botvinik - những huyền thoại người Nga vĩ đại nhất lịch sử làng cờ. Nhưng rồi ngay sau khi bảo vệ thành công danh hiệu vua cờ lần thứ 5 trong sự nghiệp, Carlsen tuyên bố giã từ các trận chung kết thế giới.

Carlsen không nói rõ lý do, nhưng hầu hết mọi người đều hiểu rằng anh cảm thấy buồn chán, mệt mỏi vì áp lực của việc phải cạnh tranh danh hiệu trong thời gian quá dài. Việc từ bỏ ngôi vua cờ không hề làm sụt giảm phong độ của Carlsen, khi anh hiện vẫn đang chễm chệ ở ngôi vị số một thế giới. 

Trung Quốc vươn mình

Nhưng cũng nhờ vậy mà làng cờ vua thế giới chính thức chào đón tân vương vào năm 2023, khi Ding đánh bại đối thủ người Nga Ian Nepomniachtchi trong trận chung kết tại Kazakhstan. Đó cũng là lần đầu tiên một kỳ thủ Trung Quốc bước lên ngai vàng của môn cờ vua.

Vấn đề là, ngay sau khi trở thành vua cờ, Ding lại tụt dốc không phanh. Đến cuối năm 2024, anh rớt xuống tận hạng 23 thế giới vì phong độ kém cỏi. Việc Ding tiếp tục được đánh trận chung kết thế giới chẳng qua chỉ nhờ vào quy định của FIDE. Theo đó, trận đấu diễn ra với mật độ thường là 2 năm một lần (đôi lúc thường niên) này sẽ là màn so tài giữa nhà đương kim vô địch và người thắng tại Giải tuyển chọn (Candidates Tournament).

Nhưng kể cả khi Ding có phong độ không cao, làng cờ cũng đang dần bị khuynh đảo với sự trỗi dậy của các kỳ thủ Trung Quốc. Đó là Wei Yi - người mới 25 tuổi hiện đang xếp hạng 9 thế giới, và thêm hai người nữa trong top 30 thế giới là Yu Yangyi và Wang Hao.

Người Trung Quốc đã phải chờ đợi khá lâu để chính thức chiêm ngưỡng những kỳ thủ của mình cạnh tranh ngôi đầu thế giới ở môn thể thao được xem là mẫu mực của trí tuệ. Tại Trung Quốc, cờ vây và cờ tướng luôn áp đảo nhờ tính truyền thống, khiến cờ vua nhiều thập niên bị đẩy ra rìa. Mãi đến những năm 1970 cờ vua mới bắt đầu được xem trọng. Kết quả là Trung Quốc chậm chân hơn so với Ấn Độ, thậm chí là cả Uzbekistan - quốc gia Trung Á chịu nhiều ảnh hưởng của Nga trên bàn cờ thế giới.

Một lý do nữa khiến Trung Quốc chậm chân hơn các nước phương Tây trong cờ vua là sự phát triển của công nghệ. Từ những năm thập niên 2000, các siêu máy tính đã khuất phục hoàn toàn con người. Cũng từ đó, các kỳ thủ hàng đầu đều dựa ít nhiều vào các phần mềm chơi cờ để cải thiện bản thân. Các cường quốc phương Tây, gồm cả Mỹ và Nga, đi đầu về công nghệ hiển nhiên cũng sớm chiếm được ưu thế. Mãi đến vài năm trở lại đây, Trung Quốc mới thực sự bắt được nhịp.

Cờ vua ngày nay không chỉ là một cuộc so tài trí tuệ. Các kỳ thủ phải luyện tập hơn 10 giờ đồng hồ mỗi ngày với HLV, máy tính, đồng đội. Và để có được nguồn thể lực và trí nhớ dồi dào như vậy, họ còn phải tập các môn thể thao bổ trợ khác. Một cuộc chơi hội tụ vô số điều kiện và thực sự đáng để nhìn nhận về màn so tài giữa phương Tây và phương Đông, về sự tiến bộ của con người.

Cuộc chiến Á - Âu trên bàn cờ - Ảnh 3.

Đinh Lập Nhân tham dự chung kết cờ vua thế giới 2024 - Ảnh: FIDE

Chung kết cờ vua thế giới 2024 diễn ra tại Singapore từ 25-11 đến 13-12. Ding và Dommaraju thi đấu tối đa 14 ván. Nếu hòa nhau, trận đấu sẽ đi đến thể thức tie-break bằng cờ nhanh.

Tổng giá trị tiền thưởng của trận đấu là 2,5 triệu USD, trong đó mỗi ván thắng kỳ thủ nhận 200.000 USD. Khoản tiền thưởng còn lại được chia đều. Tính đến rạng sáng 1-12, tỉ số trận chung kết đang là 2,5 - 2,5 sau 5 ván, với việc mỗi bên thắng 1 ván và hòa 3 ván còn lại.

Cuộc chiến Á - Âu trên bàn cờ - Ảnh 2.Đinh Lập Nhân thua ván 3, chung kết cờ vua thế giới thêm gay cấn

Trái với khởi đầu thuận lợi, kỳ thủ người Trung Quốc Đinh Lập Nhân đã đánh mất lợi thế ở ván 3 chung kết cờ vua thế giới tối 27-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp