Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng văcxin phòng virus corona - Ảnh: TS VŨ cung cấp
Do vậy, từ đầu năm 2020 đã có rất nhiều nhà khoa học trên thế giới bắt tay vào nghiên cứu loại virus này.
Tập trung phát triển nhanh
Chỉ trong thời gian ngắn, người ta đã tạo ra được các nền tảng quan trọng cho việc phát triển văcxin như: xây dựng hệ thống nuôi cấy virus corona chủng mới trong phòng thí nghiệm, giải mã toàn bộ bộ gen của virus và tìm hiểu cặn kẽ các cấu trúc phân tử của virus này.
Việc phát triển văcxin này vẫn đang được tập trung phát triển với tốc độ rất nhanh từ nhiều nhóm trên thế giới, với nhiều phương pháp khác nhau.
Trong đó, Công ty công nghệ sinh học Moderna sử dụng một đoạn mã di truyền mã hóa cho protein S của virus để gắn kết nó với các hạt nano chất béo rồi tiêm vào cơ thể. Họ mới thử nghiệm lần đầu tiên trên người ngày 16-3 ở Seattle, Mỹ.
Trung tâm nghiên cứu của Imperial College London cũng đang thiết kế một loại văcxin tương tự sử dụng RNA (axit ribonucleic) virus này.
Công ty công nghệ sinh học Pennsylvania Inovio đang tạo ra các chuỗi ADN mà họ hi vọng sẽ kích thích phản ứng miễn dịch. Công ty Sanofi đang thử trộn ADN virus với vật liệu di truyền từ một loại virus vô hại khác. Công ty Johnson & Johnson đang thử với virus bị bất hoạt...
Con đường tạo ra văcxin
Con đường nghiên cứu và tạo ra một văcxin hiệu quả thường tốn khá nhiều công sức và thời gian.
Với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại, thời gian có thể được rút ngắn lại đáng kể so với trước kia. Nhìn chung việc phát triển này được chia ra làm 2 giai đoạn chính là tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn tiền lâm sàng được hiểu là giai đoạn tìm tòi trong phòng thí nghiệm để tạo ra được một số "ứng viên sáng giá" làm văcxin.
Một cửa hàng thuốc ở Trung Quốc (minh họa) - Ảnh: AP
Việc đánh giá các ứng viên cho văcxin được thực hiện trên các mô hình máy tính, tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Sau khi vượt qua được các thử thách trên, các "ứng viên sáng giá" sẽ được chuyển qua giai đoạn thử nghiệm trên người hay còn gọi là thử nghiệm lâm sàng.
Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng được chia nhỏ làm 4 pha với số người tăng lên ở từng pha để đảm bảo an toàn tối đa trong việc đánh giá hiệu quả của văcxin. Sau khi vượt qua được giai đoạn 3, văcxin có thể bắt đầu được thương mại hóa trong giai đoạn 4 và tiếp tục được theo dõi trong cộng đồng lớn để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong nhiều năm sau đó.
Về quá trình phát triển văcxin, để xác định được văcxin nào có thể sử dụng được trên con người và giúp phòng ngừa được virus corona chủng mới cần ít nhất 1-2 năm nữa để có những kết quả ban đầu đánh giá về độ an toàn và hiệu quả.
Do vậy, trong thời gian này chúng ta hãy cứ hi vọng và cần làm hết mình để ngăn cản dịch bệnh lây lan, giảm thiểu số người bị nhiễm và số người chết.
3 điều kiện chính
Để tạo ra được một văcxin có thể sử dụng được trên con người thì văcxin đó phải thỏa mãn 3 điều kiện chính: an toàn, hiệu quả và khả dụng. Điều kiện an toàn ở đây là văcxin phải không gây nguy hiểm cho người dùng, có ít tác dụng phụ không mong muốn.
Tính hiệu quả được đánh giá dựa vào khả năng kích hoạt hệ miễn dịch và tác dụng tạo hiệu ứng nhớ để bảo vệ lâu dài cho người được nhận văcxin. Sự khả dụng dựa vào tính ổn định của sản phẩm văcxin, phải tương đối bền, dễ bảo quản, dễ vận chuyển và giá thành phải hợp với túi tiền của người dân.
Làm sao để tạo ra một vắcxin?
Hiện nay, có nhiều phương pháp để tạo ra vắcxin phòng ngừa virus, có thể kể ra 3 cách chính như sau: sử dụng virus được làm yếu, sử dụng virus đã chết (bất hoạt) và sử dụng các bộ phận nhỏ từ virus. Mỗi cách đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Hình 1: Ba phương pháp chính tạo vaccine ngừa virus
Phương pháp sử dụng virus được làm yếu đã được ứng dụng cho nhiều loại vắcxin thông dụng như sởi, quai bị, rubella, đậu mùa…Các virus yếu này thường được tạo ra bằng cách chọn lọc qua nhiều giai đoạn nuôi cấy từ chủng ban đầu, hoặc được cố tình làm đột biến một số gen quan trọng tạo độc tố.
Ưu điểm của loại vắc-xin này là virus được làm yếu có cấu trúc và hoạt tính gần giống với virus trong tự nhiên nên sẽ kích thích hệ miễn dịch mạnh và có tác dụng lâu dài. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là không dễ sàng lọc được chủng virus yếu phù hợp, có một số nguy cơ cho người có hệ miễn dịch bị suy giảm, hoặc có nguy cơ virus yếu biến đổi trở thành chủng ban đầu.
Phương pháp sử dụng virus đã chết được ứng dụng trong các vắcxin ngừa viêm gan A, cúm mùa, bại liệt…
Việc làm chết các virus này thường được thực hiện bằng phương pháp hóa học hoặc nhiệt độ. Ưu điểm của vắcxin này khá an toàn cho người sử dụng vì virus đã chết hoàn toàn và quy trình làm chết virus cũng đơn giản, dễ thực hiện.
Tuy nhiên, do virus không còn sống nữa nên khả năng xâm nhập tế bào không còn nên thường kích thích hệ miễn dịch yếu hơn, vì thế cần kết hợp thêm một số chất kích thích miễn dịch (adjuvant) để đảm bảo hiệu quả của vắcxin.
Phương pháp sử dụng các bộ phận nhỏ từ virus là phương pháp được phát triển nhiều sau này khi công nghệ khoa học phát triển, giúp con người hiểu rõ cấu trúc của virus và thao tác dễ dàng trên DNA, RNA, protein.
Ưu điểm của phương pháp này là sự tiện lợi và an toàn khi những nhà nghiên cứu có thể chọn lựa các thành phần của virus có vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch để làm vắcxin, không phải nuôi virus sống trong phòng thí nghiệm (vì đôi khi những virus nguy hiểm đòi hỏi những phòng thí nghiệm với độ an toàn cao).
Các thành phần này của virus có thể đưa vào người dưới dạng DNA, RNA, chuỗi ngắn protein (peptide) hoặc thậm chí gắn các bộ phận này lên một virus lành tính khác để giả làm virus muốn phòng ngừa.
Vì đây chỉ là các bộ phận của virus thật nên rất an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, cũng vì đây không phải là virus thật nên cũng giống như phương pháp dùng virus đã chết, thường phải cần kết hợp với các chất kích thích hệ miễn dịch (adjuvant) để tăng hiệu quả của vắcxin.
Vắcxin đồng hành với sự phát triển loài người
Vắcxin đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp bảo vệ sức khỏe của loài người trước các bệnh tật nguy hiểm gây ra bởi các tác nhân gây bệnh trong môi trường.
Trong lịch sử, từ khi Edward Jenner thử nghiệm thành công vắcxin ngừa đậu mùa vào năm 1796, phương pháp của ông đã trải qua những cải tiến về công nghệ trong suốt 200 năm tiếp theo để cuối cùng dẫn đến việc loại bỏ bệnh đậu mùa một cách gần như hoàn toàn.
Đến năm 1885, Louis Pasteur tạo ra sản phẩm vắcxin tiếp theo là vắcxin ngừa bệnh dại đã gây tiếng vang lớn trong y học.
Sau đó, cùng với sự phát triển của các nghiên cứu về vi khuẩn học, sự phát triển của vắcxin cũng nhanh chóng theo sau.
Hàng loạt các vắcxin sau đó được tạo ra để giúp cho con người chống chọi lại nhiều bệnh tật hiểm nghèo như bệnh bạch hầu, uốn ván, bệnh than, bệnh tả, bệnh dịch hạch, thương hàn, bệnh lao, và nhiều hơn nữa trong suốt thời gian đến những năm 1930.
Đến giữa thế kỷ 20 là thời điểm phát triển mạnh cho các nghiên cứu vắcxin với sự hỗ trợ của các phương pháp tiên tiến, cho phép nghiên cứu virus trong phòng thí nghiệm đã dẫn đến những khám phá và đổi mới nhanh chóng.
Hàng loạt các vắcxin nhắm đến các virus nguy hiểm cho con người được tạo ra lúc đó để ngừa bại liệt, sởi, quai bị và rubella.
Ngày nay, trong thời đại mà con người đã có trong tay các công nghệ tiên tiến để nghiên cứu và thao tác trên các phân tử của vật liệu di truyền như DNA, RNA và protein thì công nghệ vắcxin lại đi đến những tầm cao mới. Các vắcxin ngày nay được tạo ra với thời gian nhanh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lan tràn trên toàn thế giới như hiện nay, việc tạo ra vắcxin hiệu quả để bảo vệ con người chống lại virus corona chủng mới sẽ là một giải pháp an toàn nhất, hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận