Với thiết bị này, phụ nữ cũng dễ dàng hái dừa, Ảnh: nif.org.in
Trước đây, những người làm công việc hái dừa vất vả và đầy nguy hiểm tại Ấn Độ phải trèo những cây dừa cao chót vót mà không có thiết bị bảo hộ. Giờ đây, những thiết bị mới và công nghệ hiện đại đã giúp họ làm công việc này an toàn và năng suất hơn.
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), anh Rajeev Thuruthipilly Ouseph từng có một công việc không ổn định. Người đàn ông 50 tuổi kiếm sống nhờ nghề hái dừa, anh thường phải trèo lên một số cây dừa cao nhất tại thành phố Kochi, bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, để thu hoạch dừa.
Chỉ riêng bang Kerala, đã có đến gần 50.000 người làm công việc này. Ouseph nhớ lại khoảng thời gian những người hái dừa phải lao động bằng sức mạnh chân tay. Họ dùng chân bám chắc vào những thân dừa cao chót vót, leo lên đến tận ngọn để hái được những quả dừa trên cao. Với những cây dừa cao khoảng 25 mét như các toà nhà chọc trời, người hái dừa phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm vì không có thiết bị bảo hộ.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa năm 2012 đã khảo sát 240 người hái dừa dưới 55 tuổi. Nghiên cứu cho thấy có đến 8 người đã bị ngã từ trên cây xuống, 4 người trong số họ đã tử vong hoặc tàn tật nghiêm trọng. Tình trạng phổ biến nhất mà những người làm công việc này thường gặp phải là chấn thương và rách chân, đặc biệt là lòng bàn chân. Một số người hái dừa thậm chí còn không thể đi dép xỏ ngón vì ngón chân của họ không thể bám chặt quai dép. Thế nhưng, cuộc sống của họ giờ đây đã khác.
Trong những năm gần đây, ngành hái dừa đã chứng kiến những thay đổi sâu sắc. Những người hái dừa luôn được trang bị thiết bị an toàn và thu nhập đã tăng đáng kể.
'Mười năm trước, khi tôi bắt đầu làm công việc này, mọi thứ đã thay đổi. Ngành hái dừa đã hợp nhất. Những người hái dừa như chúng tôi đều được đào tạo để sử dụng các thiết bị bảo hộ và máy móc kim loại. Những thiết bị này có thể giúp chúng tôi mở rộng quy mô thu hoạch và bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn', ông Ouseph chia sẻ.
Các chương trình của chính phủ cũng cung cấp bảo hiểm nhân thọ cho những người làm công việc này. Ông Ouseph cho biết ông kiếm được khoảng 27 – 34 USD/ ngày và cảm thấy an toàn hơn khi trèo cây hái dừa, chủ yếu là nhờ vào các thiết bị hỗ trợ trèo cây chuyên nghiệp.
Mỗi năm, Ấn Độ thu hoạch được hơn 6 tỉ quả dừa. Sản lượng hàng năm đạt tổng cộng 119 triệu tấn. Hiện tại, sản lượng dừa của Ấn Độ chỉ đứng sau Indonesia và Philippines. Trong đó, 90% dừa của Ấn Độ được thu hoạch từ bang Kerala và hai bang lân cận, bao gồm bang Tamil Nadu và Andhra Pradesh.
Tên của bang Kerala cũng bắt nguồn từ loài cây này, dừa ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống và văn hoá của bang. Thuật ngữ 'kera' trong tiếng Malayalam của địa phương có nghĩa là 'dừa'.
Ở Ấn Độ, đặc biệt là ở bang Kerala, nhu cầu tiêu thụ dừa rất lớn. Dừa ép thành dầu được sử dụng trong nấu ăn, phần cùi cắt nhỏ được sử dụng để làm phong phú các món hầm và cà ri. Nước cốt dừa trở thành một loại đồ uống rất phổ biến và sữa dừa cũng được ghi nhận có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ngành y tế Ayurvedic truyền thống trị giá 50 triệu USD của bang Kerala cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung dừa thường xuyên. Nhiều loại dầu Ayurvedic làm từ dừa cho là có đặc tính chữa bệnh hiệu quả.
Thiết bị trèo dừa phổ biến nhất tại bang Kelera bao gồm một chiếc dây đai bằng kim loại giữ chặt người trèo cây với thân cây. Phía dưới bàn chân, có một vòng đệm và thiết bị di chuyển hỗ trợ người trèo cây. Đây là phát minh được người dân trong bang tự chế tạo, dây đai an toàn cũng được phát triển trong nhiều năm bởi Uỷ ban Phát triển Dừa của bang Kerala.
Anh Ratha Krishnan, điều phối viên chương trình tại Trung tâm Khoa học Nông nghiệp, một tổ chức chính phủ ở thành phố Kozhikode cho biết ngày nay, việc trèo cây đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Trung tâm đã tổ chức đào tạo những người làm nghề hái dừa ba tháng một lần, thông qua chương trình 'Friends of Coconut'. Chi phí của hai trong số các buổi đào tạo trong chương trình sẽ được hội đồng phát triển dừa của Kerala, một tổ chức chính phủ khác chi trả.
Tuy nhiên, nghề hái dừa vẫn đòi hỏi kỹ năng, sự nhanh nhẹn và dũng cảm, ngay cả khi có những thiết bị bảo hộ.
'Một người hái dừa có kinh nghiệm chỉ mất từ 2 đến 3 phút để trèo lên đến ngọn cây và hái quả. Sau khi thu hoạch dừa, họ có thể kiểm tra tình trạng của cây', anh Krishnan nói thêm.
Người hái dừa cũng được đào tạo việc kiểm tra ngọn cây. Họ tìm những chiếc lá khô, đã héo có thể rụng xuống làm họ bị thương. Họ cũng phải kiểm tra cây có bị nhiễm trùng nấm và sâu bệnh hay không. Nếu cây gặp vấn đề, những người này được đào tạo phun thuốc cho cây.
Những người hái dừa cũng được chỉ dẫn về các sản phẩm giá trị cao như xơ dừa - một loại sợi tự nhiên, chiết xuất từ vỏ dừa. Xơ dừa hiện được sử dụng rộng rãi ở Kerala, dùng để làm nguyên liệu sản xuất thảm trải sàn, thảm chùi chân, bàn chải và đệm.
Trong một ngày, mỗi người hái dừa có thể thu hoạch từ 40 đến 50 cây, mỗi cây có từ 30 đến 40 trái dừa. Điều đó tương đương với việc họ có thể thu hoạch từ 1.200 đến 2.000 quả dừa/ngày.
Không chỉ đàn ông, ngày nay, nhiều phụ nữ cũng đang dấn thân vào nghề này. Krishnan cho biết 60% những người được tuyển dụng trong những năm gần đây là phụ nữ, dây an toàn và thiết bị hái cây đã giúp họ tự tin hơn.
Cô Joshiba Panthirikara, 39 tuổi, là một trong số ít phụ nữ theo nghề hái dừa lâu năm. Cô đã tham gia một khóa đào tạo cấp tốc kéo dài bảy ngày vào năm 2010 và điều này đã giúp cô thành công trong một nghề mà nhiều năm nam giới vẫn thống trị.
'Thiết bị hỗ trợ trèo cây đã giúp thay đổi ngành nghề này. Nó chắc chắn, an toàn và dễ sử dụng. Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 5 giờ chiều. Có rất nhiều phụ nữ cũng làm công việc này bán thời gian và kiếm thêm nguồn thu nhập tốt cho gia đình'. Panthirikara nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận