20/11/2024 09:29 GMT+7

Cùng 'xắn tay' hỗ trợ, quảng bá hàng Việt

Cùng với nỗ lực thay đổi để thích nghi của các doanh nghiệp trong nước, theo các chuyên gia, cần có chính sách khuyến khích các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tích cực tham gia quảng bá hàng Việt.

Cùng "xắn tay" hỗ trợ, quảng bá hàng Việt - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng chất hàng sản xuất trong nước hơn nữa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia, việc cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ qua kênh TMĐT là điều khổng thể tránh khỏi, nhưng doanh nghiệp Việt không thể "tự bơi" mà cần có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng chất hàng Việt, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tăng nhận diện của hàng Việt trên các sàn TMĐT.

* Bà Lê Việt Nga (nguyên phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương):

Các sàn TMĐT phải cùng quảng bá hàng Việt

Cùng "xắn tay" hỗ trợ, quảng bá hàng Việt - Ảnh 2.

Chiến lược phát triển thương mại trong nước đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt trên 40 - 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước.

Do đó việc đẩy mạnh thực thi chiến lược này là yêu cầu đặt ra cho tất cả các bộ ngành.

Theo tôi, cần tập trung phát huy vai trò "bệ đỡ, điểm tựa vững chắc" trong các cơ chế chính sách để hỗ trợ hàng Việt.

Cần tăng cường quản lý cạnh tranh, phòng vệ thương mại, kiểm tra lại các rào cản kỹ thuật, thuế, an ninh phi truyền thống để xem thực tế đang vướng mắc, bất cập thế nào nhằm có biện pháp quản lý phù hợp. Cùng với đó cần có chính sách mở chiến dịch kết nối, kích cầu hàng Việt dịp cuối năm.

Phải yêu cầu các kênh bán hàng online tham gia xúc tiến thương mại, triển lãm hàng Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng.

Đo lường tỉ lệ hàng Việt trên các kênh online để so sánh với các kênh phân phối hàng Việt chủ lực. Cần tăng cường kiểm tra các kho hàng để ngăn chặn hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng kinh doanh xuyên biên giới qua nền tảng TMĐT...

Chúng ta đã có 15 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giúp cho hàng Việt dần chiếm lĩnh được trên thị trường, khi tỉ lệ hàng Việt trên kênh phân phối hiện đại đã chiếm tới 80 - 85%.

Tỉ lệ nguyên liệu trong nước chỉ cung ứng được 20 - 25%, nhưng nay đã lên tới 50 - 60%. Tôi cho rằng cần phát huy mạnh mẽ cuộc vận động này trên cả kênh TMĐT.

Cần vận động các sàn TMĐT "xắn tay" tham gia vào tuyên truyền về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, mở các gian hàng Việt...

Ngoài ra tập trung hỗ trợ tiểu thương phân phối hàng Việt tại các chợ truyền thống (vốn, kết nối nguồn hàng, truyền thông..); hỗ trợ chuyển đổi số để tận dụng hiệu quả các kênh TMĐT như một cánh tay nối dài cho sự phát triển của hàng Việt.

* Ông Vũ Đức Giang (chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam):

Phải kiểm soát ngay từ khâu nhập khẩu

Cùng "xắn tay" hỗ trợ, quảng bá hàng Việt - Ảnh 3.

Cuộc cạnh tranh của hàng Việt Nam với hàng ngoại nhập thông qua kênh TMĐT là điều không thể tránh khỏi.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu, doanh nghiệp cần xác định không thể đứng ngoài cuộc chơi và phải chấp nhận cuộc chơi này.

Các doanh nghiệp dệt may nói riêng và sản xuất sản phẩm tiêu dùng nói chung cần định hình thị trường để tự đứng trên đôi chân của mình.

Đó là việc sản xuất sản phẩm có thương hiệu, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, tạo kênh phân phối hàng hóa hấp dẫn, giữ sự ổn định, xu thế kiểu dáng công nghiệp và xu thế thời trang và đặc biệt là giữ vị thế về chất lượng sản phẩm.

Dù vậy doanh nghiệp Việt và hàng Việt cũng không thể đơn độc, chúng ta cần tạo ra hành lang pháp lý, hỗ trợ cho sản xuất và hàng Việt để có giải pháp bảo vệ hàng Việt, thực hiện các quy định bảo vệ thị trường trong nước.

Đặc biệt các cơ quan chức năng cần phải rà soát các quy định liên quan, đặc biệt là quy định về TMĐT xuyên biên giới, để có biện pháp quản lý hiệu quả giúp bảo vệ hàng Việt.

Về lâu dài, doanh nghiệp Việt phải tìm ra hướng đi, nâng cao khả năng thích ứng để tạo sức cạnh tranh cho sản xuất trong nước.

Tuy nhiên các cơ quan chức năng cần rà soát, hoàn thiện lại các quy định, có biện pháp để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa.

Đặc biệt là các cơ quan như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường, công an... cần gia tăng kiểm soát hàng ngay từ cửa khẩu, rà soát các quy định về thuế để ngăn chặn việc hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam nhưng được hưởng lợi về thuế...

Chúng ta phải có giải pháp quản lý ngay từ đầu vào mới đóng góp phần ổn định thị trường trong nước.

Ngoài ra cần học tập kinh nghiệm các nước nhằm đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa các kênh bán hàng online, tạo sự hấp dẫn với khách hàng nhiều hơn.

* Ông Mạc Quốc Anh (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội):

Cần hỗ trợ cải thiện chất lượng hàng Việt

Cùng "xắn tay" hỗ trợ, quảng bá hàng Việt - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn từ hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là qua các kênh TMĐT.

Các sản phẩm nhập khẩu thường có giá cả cạnh tranh, mẫu mã phong phú và được hỗ trợ bởi các chiến dịch marketing mạnh mẽ.

Điều này khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và có xu hướng ưa chuộng hàng ngoại hơn.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp Việt còn gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối.

Hạn chế về vốn, kinh nghiệm vận hành trên môi trường số và thiếu chiến lược tiếp thị bài bản cũng khiến hàng Việt Nam khó cạnh tranh ngay cả trên thị trường nội địa.

Vì vậy cần thiết phải có giải pháp hỗ trợ và phát triển hàng Việt qua kênh TMĐT, có chính sách tăng cường chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Doanh nghiệp nội địa cần tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao tính độc đáo và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời chú trọng đến thiết kế, bao bì để tạo sức hút trên các kênh trực tuyến.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, từ quản lý sản xuất, tồn kho đến tiếp thị và bán hàng trực tuyến.

Việc xây dựng các gian hàng chính hãng trên các sàn TMĐT sẽ giúp tăng uy tín và khả năng tiếp cận khách hàng.

Nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp nội địa như giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho hoạt động chuyển đổi số, tạo điều kiện để các sản phẩm Việt xuất hiện nhiều hơn trên các nền tảng TMĐT lớn.

Tăng cường quảng bá hàng Việt như tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ trực tuyến và chiến dịch truyền thông nhằm khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ hàng nội địa.

Các doanh nghiệp nội hợp tác chặt chẽ hơn với các sàn TMĐT, đơn vị logistics và ngân hàng để xây dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững.

Cùng "xắn tay" hỗ trợ, quảng bá hàng Việt - Ảnh 5.

Nhiều nhãn hàng may mặc xuất xứ từ Trung Quốc bày bán tại một trung tâm thương mại ở quận 1 (TP.HCM) vào chiều 18-11 - Ảnh: TỰ TRUNG

Báo Tuổi Trẻ và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp tổ chức hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử". Sự kiện diễn ra từ 13h30 - 17h ngày 20-11 tại khách sạn Majestic Saigon (số 1 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM).

Tại hội thảo, đại diện VECOM, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam sẽ cùng phân tích thực trạng và cách hàng ngoại giá rẻ "thần tốc" vào Việt Nam qua sàn TMĐT.

Bên cạnh đó là những đánh giá về ảnh hưởng đến sản xuất, thương mại và việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là cách làm, từ vận chuyển đến quảng cáo, của doanh nghiệp ngoại.

Nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện hiệp hội, chuyên gia kinh tế, doanh nhân, tiểu thương bán hàng truyền thống và online... cũng cùng thảo luận để đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tiếp sức hàng Việt trên sàn TMĐT.

Cùng "xắn tay" hỗ trợ, quảng bá hàng Việt - Ảnh 6.Hàng ngoại nhập giá rẻ 'bức tử' hàng Việt

Hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam, áp đảo hàng Việt do giá "rẻ như cho", mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh... Số tiểu thương chọn bán hàng Trung Quốc cũng tăng mạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp