Sau vụ trẻ em nghi bị dâm ô trong thang máy ở quận 4, TP.HCM, báo chí tiếp tục đưa tin ít nhất bốn vụ xâm hại trẻ em nữa. Trong số đó có vụ nghi hiếp dâm trẻ em ở một công viên tại TP.HCM, mức độ nặng nề hơn vụ thang máy nhiều lần.
Tuy nhiên, liều lượng thông tin các vụ này trên các phương tiện truyền thông ít hơn so với vụ thang máy và ý kiến bàn luận cũng xuất hiện lác đác, kể cả trên mạng xã hội của cá nhân có đông người theo dõi.
Có thể do trong vụ thang máy, những bức xúc của công chúng lâu nay về việc xâm hại tình dục trẻ em đã được tuôn ra gần hết nên đến các vụ sau, dù có nghiêm trọng hơn báo chí cũng khó lòng đẩy cảm xúc của công chúng lên lại.
Cũng có thể từ vụ thang máy, các cơ quan hữu quan đã kịp thời lên tiếng và hành động, đáp ứng được đòi hỏi của công chúng nên họ nghĩ rằng những vụ sau cơ quan công quyền cũng xử lý nghiêm và do vậy họ không lên tiếng mạnh mẽ nữa.
Tuy nhiên, có một nhân tố làm cho phản ứng của công chúng trong vụ thang máy khác các vụ sau là sự xuất hiện với tư cách là nghi can của ông cựu viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng. Nếu vụ thang máy không phải là ông cựu viện phó, chưa chắc nó thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội đến như vậy.
Người làm cán bộ. làm quan từ xưa tới nay đều bị nhân dân săm soi từng hành vi, cử chỉ vì theo cách nghĩ đơn giản của người dân: quan/cán bộ phải là người ngay ngắn, đàng hoàng thì mới cai trị hay phục vụ dân được, mới nói dân nghe được.
Do đó đã làm cán bộ/quan thì phải chấp nhận bị săm soi hơn dân thường hàng trăm lần. Ta vậy mà tây cũng vậy.
Theo Ủy ban Phòng chống bạo lực gia đình quốc gia Mỹ, 1/6 phụ nữ ở và 1/33 đàn ông Mỹ từng bị trải qua một cuộc cưỡng hiếp trong đời.
Tuy nhiên, thông thường những vụ cưỡng hiếp hoặc bị cáo buộc cưỡng hiếp liên quan người có chức vụ mới làm dậy sóng trên công luận như vụ Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn với người hầu phòng khách sạn hồi năm 2011 ở Mỹ.
Các nước và Việt Nam đều có luật, đạo đức công vụ ràng buộc, hướng dẫn hành vi của cán bộ, nói chung là có đạo làm quan.
Các cán bộ/quan cứ theo đó mà làm, làm sai làm bậy thì bị dân lên án, luật pháp xử lý.
Có lúc cán bộ cho rằng người dân phê phán quá mức, nghe nhức đầu, lên máu, muốn xỉu nhưng hãy nhớ rằng dân còn phê phán là còn muốn cán bộ tốt lên!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận