Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Phạm Như Chương (ngụ quận 1, TP.HCM) vẫn tự mình đón xe đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ để gửi 500.000 đồng ủng hộ chương trình “Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19” - Ảnh: NHẬT THỊNH
Lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam đang là tin vui, niềm hi vọng trong mấy ngày qua. Xã hội hóa vắc xin để mở rộng đối tượng tiêm, mọi người sớm được tiêm ngừa, đề nghị của Bộ Y tế đang được cộng đồng hưởng ứng.Không thể ngay một lúc có vắc xin cho mọi người.
Chương trình Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19 được phát động trên báo ngày 25-2-2021 tạo thêm một chiếc cầu nối để cộng đồng chung tay góp sức để người Việt Nam có thể được tiêm phòng sớm nhất, đó là một việc có ý nghĩa lớn lao lúc này.
Được biết, có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm trước nhưng ai ai cũng mong sớm có đủ vắc xin để mọi người xung quanh mình không phải ngóng chờ lâu. Trong khi chờ đến ngày được tiêm, dù bạn có thật nhiều tiền chưa chắc đã có được những liều vắc xin quý giá đắt đỏ và vẫn khan hiếm trên toàn thế giới.
Những thông tin đóng góp chi phí từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho chương trình tiêm vắc xin hôm nay tiếp nối bao câu chuyện cảm động 400 ngày phòng chống COVID-19 trên đất nước này. Cả nước vẫn đồng lòng phòng chống dịch bệnh nhưng với vắc xin còn cần có nguồn lực để tiếp cận thêm nguồn vắc xin.
Người cao tuổi, người có bệnh nền, người buôn bán nghèo tiếp xúc nhiều là những người rủi ro cao nếu họ tiếp xúc nguồn lây bệnh. Trường học với giáo viên, học sinh, sinh viên, công nhân nhà máy, bà con ở vùng biên giới... cũng là đối tượng khó tránh lây lan khi có ca bệnh trong cộng đồng.
Họ có thể chung sức phòng bệnh dịch nhưng để có vắc xin cho tất cả thì phải có thật nhiều tiền. Sự góp sức của mọi người sẽ làm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước cho việc mua sắm vắc xin và các chi phí liên quan. Vắc xin không giảm giá, nhưng thời gian khống chế dịch bệnh có thể được rút ngắn nếu chúng ta mua được thuốc quý nhiều nhất, nhanh nhất.
Bạn đọc NGỌC ÁNH
Mong mỏi được trở lại sống đời bình thường không chỉ là việc của một người, một gia đình và không thể bằng lời nói suông được. Rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang là việc mỗi cá nhân có thể duy trì; san sẻ thực phẩm, giải cứu nông sản cho dân vùng dịch là điều mà một vài người khởi xướng để rồi cả cộng đồng lớn hơn tham gia cùng, nhưng vắc xin là câu chuyện không phải một cá nhân có thể đứng ra giải quyết bằng cách vung tiền là mua được cho nhà mình.
Vắc xin là câu chuyện của cả một quốc gia mà ở đó những người trẻ hơn, khỏe hơn, có khả năng tài chính thong thả có thể góp sức một chút cho người khó hơn mình, như kiểu mỗi người góp một ít nước để cùng dập đám lửa - dịch bệnh.
Hẳn bạn cũng như tôi, những người may mắn có sức khỏe, được ở yên trong nhà hay những người đang chống chọi để giành lấy sức khỏe và sự sống, những người ở tuyến đầu chống dịch đều cùng mong rồi mình sẽ sớm được tiêm vắc xin. Nhưng thay vì ngồi chờ, ai cũng có thể góp sức mình để ngày ấy đến nhanh hơn. Hôm nay mình góp để có vắc xin cho những nhóm người ưu tiên để đến lượt mình nhanh hơn.
Cùng đóng góp vì sự bình an cho hơn 90 triệu người Việt, như cách chúng ta có ATM gạo và những phát kiến chỉ có ở Việt Nam trong 400 ngày đối diện với đại dịch. Giờ lại siết chặt tay, không chỉ là góp tiền mà là cùng tạo sự yên tâm: mọi người Việt Nam đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất trước đại dịch.
* Ông Lê Văn Trung (P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Mong người nghèo sớm tiếp cận vắc xin
Gia đình tôi buôn bán rau tại chợ Bà Chiểu. Nhiều ngày nay có nghe thông tin Nhà nước mua vắc xin tiêm miễn phí nhưng chúng tôi lại không nằm trong diện 11 đối tượng được ưu tiên tiêm. Nghĩ đến ngày vắc xin về Việt Nam nhiều hơn để đến lượt chúng tôi còn "xa vời" quá. Làm nghề này, mỗi ngày tôi tiếp xúc rất nhiều người, nhà có nhiều trẻ nhỏ và người già nên rất lo, cũng mong sớm được tiêm vắc xin như mọi người.
Tôi rất vui và biết ơn báo Tuổi Trẻ cũng như các tổ chức đã chung tay quyên góp kinh phí mua vắc xin, để những người nghèo như chúng tôi được quan tâm, có vắc xin phòng dịch, để an tâm làm ăn, nuôi con.
THẢO LÊ ghi
Tôi không thể đứng ngoài cuộc
Sáng nay, tại văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Tây Nam Bộ, luật sư Trần Thanh Phong là người đến sớm nhất để đóng góp 2 triệu đồng cho chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19".
"Nhìn trang 1 báo Tuổi Trẻ, tôi không thể không đọc tiếp... Tôi thật sự cảm động với lời kêu gọi của ban biên tập báo Tuổi Trẻ cũng như tâm tình của các nghệ sĩ... Điều đó cho tôi suy nghĩ tôi không thể là người ngoài cuộc. Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người mất việc, bữa ăn phải dè sẻn.
Chúng ta phải thoát khỏi tình trạng này bằng cách người dân ai cũng được tiêm vắc xin. Ngân sách nhà nước thì còn bao chuyện phải làm. Đây là dịp dân tộc đồng lòng vì đồng bào mình. Những người được tiêm sớm hơn sẽ được an toàn, chúng ta cũng an toàn hơn. Tại sao mình không góp phần?" - luật sư Phong nói.
P.DIỄM
Đông tay vỗ nên kêu
Đại diện Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (trái) trao số tiền 100 triệu đồng ủng hộ chương trình “Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19” - Ảnh: NHẬT THỊNH
Chiều 25-2, đại diện Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (TP.HCM) đã đến báo Tuổi Trẻ để trao 100 triệu đồng tham gia chương trình Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19.
"Sáng nay ngay khi đọc thông tin báo Tuổi Trẻ phát động chương trình, chúng tôi đã họp gấp và quyết định hưởng ứng. Đông tay vỗ nên kêu, nếu mỗi doanh nghiệp cùng góp sức 'tiếng vỗ' sẽ lớn" - ông Vũ Ngọc Tuấn, tổng giám đốc Công ty CP Công viên nước Đầm Sen, chia sẻ.
Năm qua, Đầm Sen cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, hầu hết nhân viên nhận trợ cấp. "Nhưng đây là việc cần làm. Đồng hành cùng Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh cũng là để kinh tế sớm phục hồi, doanh nghiệp, người dân sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi đó, người dân mới có thu nhập ổn định và những doanh nghiệp như chúng tôi mới có thể làm ăn trở lại" - ông Tuấn nói.
Ông cũng bày tỏ mong muốn có thể tự mua vắc xin tiêm phòng cho 200 cán bộ, công nhân viên công ty.
VŨ THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận