Sách do Phương Nam và NXB Hồng Đức ấn hành - Ảnh: Lam Điền |
Trong đó Phạm Duy giữ vai trò người biên soạn: Vang vọng một thời, là những tâm sự, trần tình về hoàn cảnh ra đời, ý đồ sáng tác và kỷ niệm gắn với các nhạc phẩm nổi tiếng của ông...
Như với bài Tình ca nổi tiếng, hẳn nhiều người xúc động và yêu mến cả giai điệu lẫn ca từ “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi...”, nhưng đọc ở tập này mới biết Tình ca đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy.
Và Tình ca đăng lần đầu tiên trên báo Ðời Mới, theo ông, là “nói lên bản sắc quốc gia, nghĩa là những gì thuộc về một quốc gia thống nhất như: tiếng nói, cảnh vật và con người”.
Bản tình ca... ấp úng Với bài Khối tình Trương Chi, nếu không nghe chính Phạm Duy tâm sự sẽ không hình dung ra bài này ra đời cùng thời với bài Trương Chi của Văn Cao, vào năm 1945, với ý định: “Tôi soạn một truyện ca đồng thời là một bản tình ca có tính chất ấp úng, câm lặng... Văn Cao nói lên tâm sự của anh lái đò trong cổ truyện. Tôi thì làm công việc kể lại một chuyện tình, trong đó hai người tình không nói với nhau một điều gì cả”. |
Còn bối cảnh Phạm Duy gặp Phạm Thiên Thư được ông “tiết lộ”: “Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa em tìm động hoa vàng... để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại... Tôi tự coi mình cũng là một kẻ từ quan tìm được một nơi ẩn náu là cõi thơ của Phạm Thiên Thư”.
Sau khi phổ Ðưa em tìm động hoa vàng, Phạm Duy tiếp tục phổ Gọi em là đóa hoa sầu.
Nhận xét về nghệ thuật phổ nhạc của Phạm Duy, nhà thơ Nguyên Sa có một bài phê bình quan trọng mà đến nay đã khó tìm thấy được: “Không có nhiều nhạc sĩ VN phổ nhạc thơ lục bát, vì phổ thơ lục bát dễ rơi vào nhàm chán, ê a. Phạm Duy phổ nhạc nhiều thơ lục bát. Mỗi bài hay một cách khác, không giống nhau. Bốn bài Ngậm ngùi, Vết sâu, Ðưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đóa hoa sầu của các nhà thơ Huy Cận, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư... mỗi bài Phạm Duy sử dụng một kỹ thuật khác trong việc xây dựng một kiến trúc nhạc trong sự tôn trọng kiến trúc thơ, gìn giữ mà vẫn sáng tạo”.
Có những câu chuyện thật hay, phát sinh đằng sau đời sống một nhạc phẩm, đến từ thính giả hâm mộ.
Như câu chuyện của Nguyễn Ngọc Sơn đi học ở Nga, vô tình giới thiệu nhạc phẩm Chiều về trên sông của Phạm Duy cho vị giáo sư đáng kính của Nhạc viện Tchaikovsky. Vị giáo sư này sau khi nghe nhiều lần, tỏ ra thích thú và nhận xét: “Lạ quá, trong dòng nhạc này có âm hưởng của âm nhạc cổ điển châu Âu, nhưng lại mang phong cách phương Ðông rõ nét. Từng giai điệu và những điểm nhấn trong âm vực, âm hưởng đầy hoành tráng của nhạc cổ điển, vững chắc như những rừng cây nhưng thiết tha như những cơn gió...”.
Nguyễn Ngọc Sơn cho biết vị giáo già của nhạc viện rất vui khi tìm được sự đồng điệu của người phương Tây và người phương Ðông trong Chiều về trên sông.
Tập sách ra đời nhân một năm ngày mất của Phạm Duy, cũng trong hành trình đi tìm sự đồng điệu như vậy đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận