PGS-TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Ngành kỹ thuật hàng không ở hai trường đào tạo hai chuyên ngành khác nhau. Nếu em muốn học về quản lý bay thì đăng ký vào Học viện Hàng không. Nếu muốn học về kỹ thuật chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay thì đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa. Thân ái.
* Em muốn thi ngành quản trị kinh doanh và muốn chọn một trường ở TP.HCM nhưng có quá nhiều sự lựa chọn. Nếu học lực của em thuộc dạng khá (năm lớp 10, 11 em được học sinh giỏi nhưng năm lớp 12 chỉ đạt loại khá), em nên chọn trường nào (học phí không quá cao)? NV2 có thể chọn cùng trường với NV1 nhưng khác ngành không ạ? (sorishop…@yahoo.com.vn)
ThS Hứa Minh Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing: Tại TP.HCM các trường đào tạo khối ngành kinh tế - QTKD - tài chính ngân hàng hầu như đều có đào tạo ngành QTKD. Tuy nhiên, vì em muốn học ở trường có học phí không quá cao, thế nên em có thể chọn các trường ĐH công lập như: Tài chính - marketing, Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Sài Gòn.
Nếu em dựa vào học lực, mà kết quả học tập của em chỉ từ khá thôi, em nên chọn các trường ĐH có điểm chuẩn trúng tuyển từ 15 - 18 điểm. Em có thể căn cứ vào điểm chuẩn ngành này ở các trường năm trước để lựa chọn trường phù hợp. Nguyện vọng 2 chỉ xảy ra khi em rớt nguyện vọng 1. Nguyện vọng 2: em có thể chọn ngành cùng trường hoặc khác trường miễn em đủ điểm xét tuyển và trường đó có thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Chúc em may mắn.
* Em định đăng ký vào ngành song ngữ Nga-Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng em thấy chỉ tiêu dự kiến của trường lại ghi là ngôn ngữ Nga (chương trình đào tạo Nga-Anh), cho em hỏi là khi tốt nghiệp em có được nhận 2 bằng giống như những năm trước không? Và thời gian đào tạo của ngành là bao lâu? (nguyenhavy…@gmail.com)
TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM): Chào em. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển sinh hai hệ (sư phạm và cử nhân ngoài sư phạm). Nếu em đăng ký theo học hệ sư phạm thì không đóng học phí. Cả hai hệ này đều tuyển ngành Nga - Anh (sư phạm Nga - Anh và ngôn ngữ Nga - Anh) và cả hai đều có thời gian đào tạo giống nhau (4 năm). Khi tốt nghiệp SV được cấp bằng ĐH tiếng Nga và CĐ tiếng Anh.
* Thưa thầy, nội dung chương trình học và cơ hội việc làm sau khi ra trường của ngành ngôn ngữ Anh - tiếng Anh pháp lý của Trường ĐH Luật TP.HCM như thế nào? Khi học ngành này, ra trường em có thể làm việc ở các cơ quan nào? (bongbongthuytinh…@yahoo.com)
Phóng to |
Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2014 do Tuổi Trẻ tổ chức tại Cần Thơ ngày 2-3. |
ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý được thực hiện trong 4 năm với 130 tín chỉ, trong đó có 34 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương và 96 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, thực tập cuối khóa hoặc viết khóa luận.
Nội dung chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Anh và luật, làm nền tảng nghề nghiệp cho những người công tác trong môi trường đầu tư, kinh doanh, dịch vụ pháp lý có yếu tố nước ngoài. Trong chương trình đào tạo, ngoài những học phần trang bị kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Anh, sinh viên còn được học một số học phần thuộc chuyên ngành luật bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Tốt nghiệp ngành này, người học có kiến thức và hiểu biết về ngôn ngữ nước ngoài và luật; có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong môi trường pháp lý. Khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý.
Người tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức tổng hợp tiếng Anh và luật, như: các hiệp hội ngành nghề, các loại hình công ty trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, đầu tư và thương mại quốc tế để đảm nhận vai trò, sứ mệnh trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế và đặc biệt là góp phần đáng kể vào việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh vẫn còn hạn chế của đa số cử nhân luật làm trong các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận