Ông Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Việt Dũng |
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội phát biểu như vậy về việc khoán xe công.
Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 được Quốc hội thông qua sáng 11-11 quy định “từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh”.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển cho biết việc khoán xe công đã được bàn nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội đưa vào nghị quyết, tuy nhiên cần thân trọng, tính toán kỹ, cho nên Quốc hội mới nêu là “từng bước thực hiện”.
Như vậy là phải có một lộ trình để thực hiện việc khoán xe công. Theo tôi, chúng ta phải phân loại ra, đối với những xe công mang tính chất công cộng, phục vụ như xe lực lượng công an, quân đội, cấp cứu… thì không thể thực hiện khoán được.
Chủ yếu là những xe cho các chức danh lãnh đạo đang sử dụng thì phải tính toán.
Theo tôi, nếu có khoán xe công, thì phải tính từ hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở xuống (lãnh đạo HĐND và UBDN cấp tỉnh và tương đương), nhưng cũng phải tính toán trong khoảng từ hệ 1,25 và 1,3.
Nhưng thực ra số lượng này cũng không nhiều, một tỉnh cũng chỉ có khoảng 3 chức danh, một bộ thì chỉ có một số thứ trưởng, tổng cục trưởng loại 1 thì mới được đi xe.
Chi phí xe công chủ yếu nằm ở những xe phục vụ, còn xe theo chức danh thì không nhiều lắm, nhưng theo tôi vẫn phải làm nghiêm để một số lãnh đạo cũng phải góp phần vào việc thực hành tiết kiệm.
Đó là tấm gương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần sử dụng đồng tiền ngân sách một cách hợp lý.
* Nghị quyết chỉ ghi một câu chung như nêu trên, nếu không có quy định cụ thể thì khó thực hiện?
- Tất nhiên sẽ là có sự ráo riết. Chính phủ sẽ thực hiện vì Chính phủ cũng có đề án rồi. Với nghị quyết này của Quốc hội thì chắc chắn là Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện.
* Năm 2007, từng có một nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội đề cập về khoán xe công nhưng không khả thi, lần này thì sao?
- Tôi nghĩ lần này chắc chắn sẽ khả thi. Chính phủ và Quốc hội đã xác định phải cơ cấu lại thu chi ngân sách, nhất là với chi thường xuyên. Chi thường xuyên thời gian qua tăng nhanh và chúng ta cũng đã có những thay đổi. Cần phải tăng cường tiết kiệm chi.
* Theo ông, vì sao khoán xe công trước đây rất ít người thực hiện?
- Thực ra phải hiểu câu chuyện tại sao phải có xe công? Vì đó là những chức danh có khối lượng công việc cần xử lý lớn, đảm bảo vấn đề an toàn. Nhưng số lượng đó như tôi nói ở trên là không nhiều. Nếu bây giờ đặt ra một vấn đề chính sách thực hiện đồng loạt thì đương nhiên sẽ phải thực hiện. Còn bảo xung phong, có khi cũng là một chức thứ trưởng, nhưng đồng chí này đi xe, đồng chí kia lại đi taxi, xe ôm đến thì trông không được đẹp! Tôi nói thật thế.
Nhưng nếu như đồng loạt thì có khi mọi người đều vui vẻ. Trước đây có một đồng chí là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đi xe ôm, nhưng cũng chỉ đi được khoảng một tháng thì cũng quay trở về bình thường. Thế nên cần phải quy chuẩn hóa, tiêu chuẩn đến đâu thì được, nếu yêu cầu khoán thì mọi người thực hiện đi theo. Cái gì cũng được phân biệt bởi ranh giới của luật pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận