Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (bìa phải) trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khi đi thị sát Khu công nghiệp Vân Trung sáng 18-5 - Ảnh: T.D.
Trong khu phong tỏa cũng cần thực hiện chống dịch nghiêm, tuyệt đối không để lây lan trong khu phong tỏa, nếu không dịch sẽ kéo dài, khó khăn khi cần gỡ phong tỏa.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Trong cuộc làm việc ngày 18-5 - cuộc làm việc thứ ba với Bộ Y tế từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch này (tính từ ngày 4-5), cả bí thư và chủ tịch tỉnh Bắc Ninh nhiều lần nói tỉnh đã chủ động, đã và đang nỗ lực hết sức mình.
Tuy nhiên số ca mắc vẫn đang tăng. "Mình cố ngăn ở đây nhưng nước vẫn chảy vào" - bà Đào Hồng Lan, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, nói.
Bắc Giang ổn, Bắc Ninh mới yên
Theo bà Nguyễn Hương Giang, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 29-4 đến nay tỉnh đã họp và kiểm tra tổng cộng 32 cuộc, ban hành 119 văn bản của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh và các đơn vị. Đây là số lượng cuộc họp và kiểm tra nhiều nhất trong cùng thời gian của tỉnh Bắc Ninh.
Trong 3 ngày vừa qua, thống kê của Bắc Ninh cho thấy số mắc mới đã tăng thêm hàng chục ca, lên 306 ca dương tính trong vòng 2 tuần.
Điểm khó khăn hiện nay của Bắc Ninh là có khoảng 4.000 người sống ở Bắc Ninh, làm việc ở Bắc Giang, hằng ngày đi làm và đã ghi nhận ca dương tính trong nhóm này.
Thứ hai là số công nhân Bắc Giang làm việc tại các nhà máy ở Bắc Ninh, ước tính có khoảng 30.000 người trong nhóm này. Thứ ba là chuyên gia làm việc tại Bắc Giang nhưng sống tại Bắc Ninh, cũng đi lại hằng ngày...
Ngay tối 17-5, trước khi Bắc Giang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 với 1 huyện và 3 xã của huyện lân cận, nhiều người từ Bắc Giang đã về các nhà trọ, khách sạn, nhà người quen ở Bắc Ninh.
"Chúng tôi rất vất vả truy vết" - bà Giang cho biết. Theo bà Nguyễn Hương Giang, phải khoanh được ổ dịch ở Bắc Giang thì Bắc Ninh mới yên.
Sát cạnh tỉnh Bắc Ninh là Bắc Giang, vùng dịch nóng nhất hiện nay với 507 bệnh nhân tính đến tối 18-5, tình hình nóng không kém khi dịch không chỉ lây lan trong khu công nghiệp (KCN) mà đã lây ra cộng đồng, dù mới chỉ là bước đầu.
Điểm nóng hiện nay của dịch ở Bắc Giang là Công ty Shin Young (KCN Vân Trung) và Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) với 190 ca, bên cạnh đó đã có thêm các ca mắc lây sang KCN Đình Trám và một số khu dân cư.
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khi cùng đi thị sát KCN Vân Trung sáng 18-5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết huyện Việt Yên (có 4 KCN) có 300.000 dân nhưng có tới 100.000 người là công nhân, thuộc nhóm nguy cơ cao.
Dịch tại Bắc Giang có những yếu tố đặc thù do lây lan trong KCN, nơi có mật độ tập trung đông, trần nhà thấp, sử dụng máy điều hòa trung tâm.
Trong khi đó, Bắc Ninh trộn lẫn 2 yếu tố: lây trong KCN và trong cộng đồng, khi ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành có số mắc mới vẫn tăng từ ngày 6-5 đến nay.
Lập "bộ phận thường trực chống dịch"
Ngay trong cuộc làm việc sáng 18-5, có 4 chuyên gia của Bộ Y tế và đội ngũ lành nghề đã ở lại Bắc Giang trước khi đến Bắc Ninh. Bộ Y tế đã thành lập "bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế" tại Bắc Giang và Bắc Ninh do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm tổng chỉ huy.
Bắc Ninh và Bắc Giang đang là khu vực có nhiều nhà máy lớn hoạt động, nếu ngưng trệ sản xuất có thể kéo theo khó khăn về tăng trưởng.
Lắng nghe thông tin các cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại rằng trong đợt dịch tại Đà Nẵng vừa qua, mặc dù dịch căng thẳng nhưng Đà Nẵng đã giữ được các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất như bình thường.
Vì thế trong ngày 18-5, dù 4 KCN của Bắc Giang đã bị tạm ngừng hoạt động, nhưng công tác khử khuẩn, làm sạch môi trường được yêu cầu phải tiến hành nhanh để tránh ngừng trệ sản xuất.
Theo ông Dương Văn Thái - bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, hoạt động tẩy trùng, khử khuẩn sẽ tiến hành ngay để 2-3 ngày tới, những nhà máy đủ tiêu chuẩn có thể quay lại hoạt động.
Tỉnh Bắc Ninh cũng có biện pháp của mình. Trước hết với nhóm công nhân Bắc Giang làm việc tại Bắc Ninh, Bắc Ninh sẽ yêu cầu xét nghiệm tại Bắc Giang, có kết quả âm tính mới sang Bắc Ninh làm việc, sau đó sẽ xét nghiệm 3-5 ngày/lần, để "trứng nở khi nào, phát hiện khi đó".
Các công nhân người Bắc Ninh làm việc tại Bắc Giang, trước mắt sẽ được yêu cầu ngưng đi lại giữa hai bên.
Về xét nghiệm - biện pháp quan trọng trong dập dịch, Phó thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xét nghiệm mẫu gộp (chỉ F1 mới cho xét nghiệm mẫu đơn) để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.
Theo đó, các gia đình lân cận có thể gộp chung một lần xét nghiệm dù có thể lên đến 20-30 mẫu/mẫu gộp, theo mô hình của Đà Nẵng để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Theo ông Đam, "thà xét nghiệm nhanh xong đi làm còn hơn phải đóng cửa nhà máy".
25 bệnh nhân ở Bắc Ninh chuyển nặng
Thông tin từ tỉnh Bắc Ninh cho hay có 25 bệnh nhân của tỉnh này chuyển nặng, trong đó có 3 ca rất nặng (2 phải thở máy và 1 lọc máu).
Nhận đề nghị hỗ trợ từ tỉnh, ngay trong chiều 18-5, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử kíp chuyên môn, gồm hồi sức tích cực, ECMO, lọc máu, thở máy đến Bắc Ninh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận