30/08/2021 11:33 GMT+7

Cùng con vào thời đại số: Tuyên chiến với nội dung 'bẩn'

PHẠM HẢI CHUNG
PHẠM HẢI CHUNG

TTO - Đêm 17-8, người sử dụng Facebook Việt Nam ngỡ ngàng khi hàng nghìn tài khoản bị khóa vì 'có liên quan' tới một video clip đồi trụy có yếu tố vị thành niên.

Cùng con vào thời đại số: Tuyên chiến với nội dung bẩn - Ảnh 1.

Câu chuyện không chỉ là việc bao nhiêu tài khoản bị khóa, thậm chí bị xóa sổ vĩnh viễn, mà còn là việc cha mẹ nên ứng xử như thế nào trên mạng xã hội, đặc biệt là giáo dục trẻ em về các hoạt động trên không gian mạng cũng như bảo vệ, tự bảo vệ quyền riêng tư của trẻ.

"Lưới trời lồng lộng"

Môi trường ảo chưa bao giờ phổ biến như thời đại này, nhưng khi thế giới ảo đang làm đảo lộn những giá trị, quy phạm đạo đức thì dù có ảo, có ẩn cũng chẳng yên. 

"Lưới trời lồng lộng" bao gồm những nguyên tắc cộng đồng khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, nhất là các quy định của luật pháp đang ngày được hoàn thiện để xử lý và ngăn ngừa những hành vi sai trái, thiếu chuẩn mực.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Theo các nhà quan sát, người ở nhà càng nhiều thì thời gian sử dụng Internet càng tăng. 

Bên cạnh làm việc trực tuyến, thời gian dành cho giải trí trên mạng, mạng xã hội cũng bùng nổ. Nếu thiếu hiểu biết pháp luật, bỏ qua các nguyên tắc cộng đồng, người dùng dễ sa vào những "cái hố" do chính mình vô tình hay hữu ý tạo ra.

Theo Facebook, chỉ riêng trong năm 2020 nhà mạng này đã xóa 35,9 triệu nội dung bị gắn cờ là "trẻ em khỏa thân và bị lợi dụng tình dục". 

Ngoài Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok, Reddit và Snapchat đã xóa hàng triệu bài đăng và hình ảnh vi phạm nguyên tắc cộng đồng về lạm dụng trẻ em. Đây là những con số đáng báo động. 

Các nhà cung cấp mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube... đều nói rằng họ không khoan nhượng đối với hành vi lạm dụng hình ảnh trẻ em và việc tìm kiếm, xóa, báo cáo nội dung đó cho cơ quan thực thi pháp luật là ưu tiên hàng đầu.

Người dùng mạng xã hội (cha mẹ và trẻ trên 13 tuổi) cần hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội. Trước tiên đó là hiểu rõ các nguyên tắc cộng đồng để bảo vệ quyền lợi của mình và người khác. 

Nguyên tắc cộng đồng là một bộ tiêu chuẩn về những điều được và không được phép làm trên một nền tảng mạng xã hội. Các nguyên tắc này được xây dựng dựa trên phản hồi từ cộng đồng người dùng, lời khuyên của các chuyên gia về công nghệ, an toàn và nhân quyền. 

Những nguyên tắc cộng đồng bảo vệ các nhóm yếu thế, đặc biệt trẻ em, luôn được ưu tiên.

Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook ghi rõ theo điều 14, mục III: "Cấm lan truyền hình ảnh khỏa thân người lớn và hoạt động tình dục". 

Facebook cũng đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ vị thành niên tại điều 25, mục VI. Chính vì vậy những tài khoản chỉ cần tương tác liên quan tới nội dung "bẩn", thậm chí đề cập trong chat, cũng bị khóa hoặc bị xóa sổ vĩnh viễn.

Các nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng có thể được các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ khi sử dụng AI quét hoặc từ những báo cáo của cộng đồng, trong đó có cha mẹ và những người dùng có trách nhiệm và ý thức.

Làm bạn cùng con trên Internet

Cha mẹ và con cái cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để tránh khỏi những "phán xét" của các nhà mạng và xa hơn, nhưng cũng rất gần, là pháp luật.

Nói tới việc giáo dục, nâng cao nhận thức của người dùng trước hết là đề cập tới trách nhiệm của người dùng (cha mẹ và trẻ) khi báo cáo các nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Chính nhờ những báo cáo từ nhiều người dùng có trách nhiệm mà các nhà cung cấp nền tảng đã gỡ bỏ được rất nhiều nội dung vi phạm quyền trẻ em.

Phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện với con về việc ý thức và bảo vệ danh tính số, thông tin cá nhân trên mạng xã hội, và chính phụ huynh cũng phải ý thức được việc chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của con lên các nền tảng số. 

Phụ huynh cần đồng hành, đề cao cảnh giác và dành nhiều thời gian hơn cho con, hướng dẫn và giúp con nhận diện được những tình huống không an toàn.

Triết lý "làm bạn cùng con trên Internet" vừa mang ý nghĩa hướng dẫn con sử dụng Internet phục vụ cho mục đích học tập, vừa hiểu con đang làm gì trên Internet để có những định hướng đúng đắn và giúp con tránh những tình huống không an toàn trên mạng.

"Chúng tôi hạn chế việc hiển thị ảnh khỏa thân hoặc hoạt động tình dục vì một số người trong cộng đồng của chúng tôi có thể nhạy cảm với loại nội dung này. Ngoài ra, chúng tôi mặc định sẽ xóa hình ảnh mang tính khiêu dâm để ngăn chia sẻ nội dung không có sự đồng thuận hoặc không đủ tuổi.

Những giới hạn về việc hiển thị hoạt động tình dục cũng áp dụng cho nội dung được tạo bằng kỹ thuật số, trừ khi nội dung được đăng nhằm mục đích giáo dục, gây cười hoặc trào phúng"...

(trích điều 14, mục III, Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook)

Có thể bị..."sờ gáy"

Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ các hành vi liên quan đến việc tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy và có những hình thức xử phạt tương xứng.

Chẳng hạn, điểm b, khoản 1, điều 101 nghị định 15/2020/NÐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Hành vi phát tán hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng có thể bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nói gì với con về an toàn trực tuyến?

con cai

Trẻ ngày càng có xu hướng sử dụng Internet sớm nên cha mẹ cần nói chuyện với con nhiều về những gì được làm và không được làm khi lên mạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi trẻ bắt đầu tham gia thế giới Internet hay bắt đầu có tài khoản mạng xã hội cũng là lúc cha mẹ nên nghiêm túc nói chuyện với con về quyền và trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của mình cũng như những rủi ro con phải đối mặt trên không gian mạng.

Trước khi con bắt đầu tạo ra hay chia sẻ bất kỳ thông tin nào của bản thân hay người khác, con nên đặt câu hỏi: "Có an toàn khi đăng tải hình ảnh, video này lên không?".

Cha mẹ nên nói cho con những thông tin riêng tư của con cần được bảo vệ, ví dụ như địa chỉ nhà riêng, thông tin liên hệ số điện thoại, định vị GPS, hình ảnh và video có hình ảnh và giọng nói của trẻ... Trẻ tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh, video clip cũng như thông tin cá nhân với người lạ.

Việc chia sẻ hình ảnh hay thông tin với người lạ trên Internet có thể dẫn tới nhiều nguy cơ trực tiếp như hình ảnh nhạy cảm và thông tin cá nhân có thể bị phát tán chia sẻ với những mục đích xấu cho phát ngôn gây thù ghét, bắt nạt trên mạng hay tội phạm trên Internet có thể liên hệ trực tiếp với trẻ.

Trẻ cũng cần được hiểu việc tôn trọng quyền riêng tư về hình ảnh của người khác khi tham gia mạng xã hội. Việc xin phép đăng tải hình ảnh người khác phải được phép của nhân vật. Mọi hành vi phát tán hình ảnh của trẻ có thể ảnh hưởng tới những người khác.

Ví dụ như không tiếp tay phát tán các hình ảnh gây ra các hành động như "body shaming" - miệt thị người khác. Việc để lại bình luận hay chia sẻ của trẻ có thể gây tổn thương đối với người tiếp nhận và nạn nhân của những hình ảnh hay video đó.

Khi sự việc ngoài mong muốn xảy ra với những rủi ro trên mạng, cha mẹ cần bình tĩnh cùng con tìm các giải pháp để giúp con có tâm lý vững vàng đối mặt với tình huống, sử dụng tới các công cụ báo cáo của các mạng xã hội (report), báo cáo với các cơ quan chức năng vào cuộc.

Cùng con vào thời đại số: Con chơi game, cha mẹ mất dữ liệu Cùng con vào thời đại số: Con chơi game, cha mẹ mất dữ liệu

TTO - Nhiều cha mẹ cho con mượn điện thoại, máy tính khá vô tư, thỉnh thoảng mới quan sát "thủ công" xem con đang xem gì, chơi gì... Điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm mã độc, có thể lấy đi dữ liệu cá nhân của trẻ và cả phụ huynh.

PHẠM HẢI CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp