13/01/2015 15:29 GMT+7

Cùng con đi học... ngoài trường, được không?

ĐẶNG TƯƠI
ĐẶNG TƯƠI

TTO - Một buổi chiều ở quận 2, người ta thấy các ông bố cùng những đứa con ra vườn cuốc đất trồng dưa hấu, trong khi đó các bà mẹ đang học làm rượu nho…

Thăm ruộng, làm vườn, bán hội chợ, đi từ thiện…, nhiều nhóm ba mẹ ở TP.HCM tự tạo nên những kiểu chơi, chủ yếu ở ngoại thành, giúp cả nhà hào hứng tham gia.

Lội ao ở Bình Chánh - Ảnh: Hương Lan

Không có cảnh ba mẹ “nhậu”, con cắm mặt màn hình

Mai Thanh và Sameer, đều 7 tuổi, háo hức mang bắp rang bơ đi mời một vòng tại hội chợ cuối năm dành cho các gia đình giao lưu với nhau ở một chung cư tại Gò Vấp. Sau 20 phút, năm hộp bắp đã bán xong, cô bé và cậu bé hớn hở chạy về khoe.

Trong 20 gian hàng hội chợ, gian Quý Mùi này có đông trẻ em đứng bán nhất, đều gồm những món tự làm. 

Đó là thành quả của bảy gia đình đến từ nhiều quận, hẹn nhau ở căn hộ tại chung cư rồi tất bật từ sáng sớm: ba cùng các bạn trai làm bảng giá, các bạn nhỏ hơn sắp xếp truyện và đồ chơi cũ, các bạn gái cùng mẹ làm bánh, trang trí kem, nấu trà sữa, làm bánh bích quy, bánh mì kẹp kem…

Trà sữa là đắt hàng nhất, hết vèo, bắp rang bơ bán được hơn một nửa, riêng bánh mì kẹp kem thì… ế nguyên hộp.

Thuần, chàng trai lớp 6, hì hục làm bánh bông lan từ sớm, chỉ bán được một cái, vừa ăn bánh của mình vừa cười “vậy là hôm nay mình no”.

Không chỉ Thuần cười, các ba mẹ và các bạn nhỏ đều rất tươi. Chị Đoàn Cẩm Anh (quận 1) hồ hởi: “Hôm nay con bán được hàng, con hiểu mình tự tay làm ra đồng tiền nên sẽ quý trọng nó hơn những đồng tiền mẹ cho. Khi không bán được, mình cũng giải thích cho con tại sao, và con hiểu trong cuộc sống không phải lúc nào mọi việc cũng trôi chảy như dự tính của mình”.

Cũng vậy, chị Lâm Ngọc Phước Thu (quận 10), mẹ của Thuần, chia sẻ: “Không trông đợi “thành quả” bán được là bao nhiêu tiền, mình mong Thuần cảm nhận cuộc sống, trước tiên là giao tiếp với người không phải với máy (tính). Sau nữa là nhìn cuộc sống qua thực tế”.

Với các bà mẹ này, thời gian qua họ khá đau đầu khi cả nhà đi chơi cuối tuần hay dịp lễ, cảnh thường xảy ra là ba mẹ… nhậu, con cái túm tụm chơi game trên các máy móc mang theo, mà không cho con chơi không được vì có việc gì khác để con làm đâu.

Chị Lê Thị Mai Thanh (Tân Bình) nói: “Các cuộc chơi “đồng đội” cả gia đình thế này vừa vui vừa lành mạnh, thích nhất là các con cười, khi ấy mẹ mệt nhưng hạnh phúc”.

Các bạn nhỏ cùng ba mẹ làm hàng và bán - Ảnh: Hương Lan
Cuốc đất, trồng dưa hấu ở quận 2 - Ảnh: N.H.

Ra đồng ruộng, chơi làm vườn

Ra đồng, làm vườn hay về với thiên nhiên là những “model” mới mà các gia đình ở thành phố chọn lựa để con khám phá cùng ba mẹ.

Mới chủ nhật rồi sáu gia đình từ trung tâm ra Bình Chánh. Những bếp than được các ông bố đốt lên trong khi các mẹ ướp thịt, cá, mực. Các con quây quần nướng với những tiếng cười vui tràn ngập.

Ăn trưa xong, 20 người lớn bé đi hàng một ra ruộng. Lần đầu tiên thấy đồng lúa trổ bông, các bạn nhỏ trầm trồ thích thú. Rồi các bạn cùng ba mẹ đến thăm một ngôi nhà kiên cố kiến trúc châu Âu bên cạnh cánh đồng, nơi đó bò và dê đang ăn cỏ…

Có một chương trình khác mang tên "Ba mẹ làm rượu, con chơi làm vườn" được tổ chức ở Home's Garden (quận 2).

Các mẹ khám phá nhiều cái mới lạ như tạo khói từ gỗ sồi, tạo mùi vani từ chính cây vani chứ không phải mua bột hương vani, rồi để có rượu nho uống ngay mùa tết thì thế nào... Hóa ra có nhiều điều khác với nước nho lên men ở nhà hay làm.

Trong khi đó, các bạn nhỏ cùng ba của mình mang những chiếc tạp dề màu xanh lá cây, cầm trên tay các dụng cụ đào, làm xốp đất, cuốc, chạm tay vào đất và hạt giống, mắt các bạn nhỏ ánh lên niềm vui sướng.

Các bạn ngạc nhiên khi chú phụ trách khoa học của vườn giải thích những bình nước chôn xuống đất được đặt tên là "bình lười", tức giúp tưới nước khi chủ cây đi vắng, quên...

Những bình này làm nhiệm vụ "truyền nước vào đất bằng dây nối từ trong bình" ra. Thật là thú vị!

Các bạn nhỏ gieo hạt trồng dưa hấu. Vậy là sẽ có dưa hấu đón tết rồi.

Làm vườn xong, các gia đình quây quần mỗi người một tay, người lớn hay các bé lớn hơn thì nướng thịt, cá..., các bé nhỏ hơn tham gia thi làm cây thông bằng ngũ quả.

Sau chương trình, Facebook của mẹ bạn Bin, một thành viên tham gia, thổ lộ: "Tối ngủ Bin thì thầm với mẹ, chú nói khi dưa hấu lớn, chú sẽ gọi cho con, con sẽ đến thăm cây dưa hấu...".

Ra đồng lúa ở Bính Chánh - Ảnh: Hương Lan
Chơi với cỏ cây - Ảnh: Hương Lan

Để không có một thế hệ gà công nghiệp

"Chơi với rau quả là cách giúp trẻ hình thành kỹ năng thực phẩm, yêu thích và sẽ ăn rau quả nhiều hơn", chuyên viên giáo dục kỹ năng sống Đỗ Linh - cũng là chủ Home's Garden - nói.

Anh Đỗ Linh chia sẻ: "Thông điệp của mô hình cả nhà học mà chơi này là tạo sự gắn kết cho gia đình vào mỗi cuối tuần, giải quyết bài toán ba mẹ ăn uống, con cắm mặt vào màn hình game thường thấy ở các quán ăn".

Đặc biệt, anh Linh nói trẻ học kỹ năng sống từ chơi vườn như kỹ năng tư duy, sáng tạo, lên kế hoạch, quản lý thời gian, tài chính, bảo vệ môi trường...

Chính vì vậy, hằng tuần giới hạn con số 10 gia đình, chương trình "cháy" các cuộc đặt chỗ như ba mẹ làm các món ăn tết, trẻ con trồng hoa; 10 món ăn nhanh đủ chất dinh dưỡng cho con vào buổi sáng; cả nhà cùng làm và canh nồi bánh tét…

Với những cách chơi như thế, các ông bố, bà mẹ cho rằng đó là "đi học" vì họ đang cùng các con cảm nhận một thế giới học khác bên cạnh học đường.

“Mình nghĩ các con có quá nhiều áp lực trong việc học hành. Mình đã nhìn thấy một thế hệ gà công nghiệp khi các con chỉ biết trường học và nhà, nên muốn cho con mình có những không gian rộng hơn, va chạm nhiều hơn”, chị Đoàn Cẩm Anh nói.

ĐẶNG TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp