08/01/2011 13:55 GMT+7

"Cùng con chọn nghề": Nhiều băn khoăn tìm được lời đáp

NHÓM PHÓNG VIÊN TTO
NHÓM PHÓNG VIÊN TTO

TTO - Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt “Cùng con chọn nghề” dành cho phụ huynh có con em sắp rời trường phổ thông do báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra từ 14g đến 17g ngày 8-1-2011 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Ngoài số phụ huynh có mặt trực tiếp đặt câu hỏi và được ban tư vấn trả lời ngay tại Tòa soạn, chương trình còn nhận được hơn 200 câu hỏi của bạn đọc gửi về. Do thời gian có hạn nên một số câu hỏi còn chưa được giải đáp đầy đủ. Chúng tôi xin hẹn độc giả trong thời gian sắp tới.

j9i3LcgG.jpgPhóng to

TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó GĐ ĐHQG, đại diện ban tư vấn giới thiệu sơ lược về chương trình tuyển sinh năm 2011 -ảnh: Minh Đức

Video clip: Tư vấn cho phụ huynh - Nét mới của năm 2011 - Nguồn: TVO

Xem Sơ đồ bố trí gian tư vấn tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ

gmzYyZUy.jpgPhóng to
HS trường Lương Văn Can, Q.8 đang xem Poster thông tin về Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Như Hùng

Ban tư vấn gồm 12 thầy cô đại diện tất cả nhóm ngành nghề, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, sẽ giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh về những điểm lưu ý trong tuyển sinh 2011.

Danh sách ban tư vấn

1. TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM.

2. TS LÊ THỊ THANH MAI, Phó Trưởng Ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM.

3. TS ĐINH PHƯƠNG DUY, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục TP.HCM.

4. PGS TS NGƯT ĐỖ VĂN DŨNG, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

5. TS NGUYỄN VĂN THƯ, Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

6. TS NGUYỄN KIM QUANG, Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM).

7. PGS TS HUỲNH THANH HÙNG, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM.

8. Th.s BS TRƯƠNG TẤN TRUNG, Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

9. Th.S NGUYỄN NGỌC THÁI, chuyên viên tuyển sinh ĐH Kinh tế TP.HCM.

10. Th.S HỨA MINH TUẤN, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Tài chính Marketing.

11. Th.S LÂM TƯỜNG THOẠI, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM).

12. TS PHẠM TẤN HẠ, Phó Phòng đào tạo ĐHKHXHNV (ĐHQG TP.HCM).

Tiếp đó, sáng 9-1, chương trình sẽ mang thông tin về với học sinh Tiền Giang qua chương trình được tổ chức từ 8g30 tại Trường ĐH Tiền Giang (đường Ấp Bắc, phường 5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang).

Ban tư vấn chương trình gồm các thầy cô, chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, đại diện Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ tại Tiền Giang. Trường ĐH Tiền Giang cũng mở cửa các phòng khoa, ban, phòng thí nghiệm để đón tiếp và giải đáp tất cả thắc mắc của học sinh về ngành nghề.

Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Tiền Giang từ 8g30.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH:

Lúc 1g40 chiều 8-1, tại hội trường báo Tuổi Trẻ, hàng trăm phụ huynh có con sắp vào kỳ thi tốt nghiệp trường THPT đã có mặt mong được giải đáp những thắc mắc xoay quanh những điểm lưu ý trong tuyển sinh 2011.

Ông Trần Quang Minh, phụ huynh Trần Hoàng Anh Khoa (học sinh Trường THPT Trường Chinh, Q.12, TP.HCM), nói: "Đến nay thông tin chúng tôi nắm vẫn còn lờ mờ. Con tôi học sinh giỏi môn vật lí nhưng chưa biết nên theo ngành nào. Hai cha con có trao đổi nhiều nhưng vẫn chưa thống nhất. Hy vọng được thầy cô tư vấn nhiều hơn để có thể chia sẻ kinh nghiệm cùng con chứ không áp đặt”.

guMsoF3w.jpgPhóng to
Ông Tăng Hữu Phong - Phó TBT Báo Tuổi Trẻ; đồng trưởng ban tổ chức tặng hoa cho nhà tài trợ chương trình - Ảnh: Minh Đức

Đó không phải là trường hợp cá biệt khi nhiều bậc cha mẹ đã cùng con đến dự tư vấn. Bên cạnh đó, có trường còn thuê cả xe đưa phụ huynh đến dự hội tuyển sinh của Tuổi Trẻ.

14g. Khai mạc buổi tư vấn, ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đồng thời là trưởng ban tổ chức chương trình phát biểu: "Ban biên tập báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT nhận ra rằng việc giúp con em mình lựa chọn ngành nghề, trường học sau bậc phổ thông là mối quan tâm rất lớn của mỗi gia đình. Vì vậy, Báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT quyết định khởi động chiến dịch bằng chương trình tư vấn đầu tiên dành cho phụ huynh có con em chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh 2011".

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2011 là chương trình thứ 9 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT tổ chức thường niên, nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh, giáo viên, học sinh trên mọi miền đất nước.

Năm nay, chương trình mở rộng quy mô hoạt động, phạm vi tư vấn trên cả nước với 13 chương trình tư vấn và 4 ngày hội ở các thành phố lớn trong nước và những vùng nông thôn xa xôi nhất.

Đặc biệt chương trình còn tìm đến với học sinh là con em cán bộ chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1 và bà con đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, Kiên Hải - Kiên Giang.

Giám đốc phát triển kinh doanh tại VN của Brand’s - đơn vị tài trợ chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2011 cho biết Brand's rất hân hạnh tham gia chương trình này với mong muốn đồng hành cùng Tuổi Trẻ đưa thông tin đến thí sinh khắp cả nước.

Tại các ngày hội, Brand’s sẽ trực tiếp tư vấn cho phụ huynh về cách chăm sóc sức khỏe, làm thế nào để có sức khỏe để học tập và thi đạt kết quả cao nhất.

Mở đầu chương trình TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TPHCM - thành viên ban chỉ đạo thi và tuyển sinh quốc gia, trình bày những vấn đề cần lưu lưu ý về thi và tuyển sinh 2011:

Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh năm 2011 không có nhiều thay đổi so với các năm trước đây. Theo đó, có những điểm thí sinh và phụ huynh cần lưu ý:

Vẫn thi ba chung: chung đợt (các trường ĐH khối A, V thi ngày 4 và 5-7, các khối còn lại thi vào 9 và 10-7), chung đề và dùng chung kết quả để xét tuyển (các nguyện vọng 2, 3).

Vẫn thi ba chung: chung đợt (các trường ĐH khối A, V thi ngày 4 và 5-7, các khối còn lại thi vào 9 và 10-7), chung đề và dùng chung kết quả để xét tuyển (các nguyện vọng 2, 3).

- Thí sinh là học sinh THPT nộp hồ sơ ĐKDT tại trường mình đang học (từ 10-3 đến 10-4). Từ 10-4 đến 17-4 nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ. Thí sinh tự do nộp hồ sơ các các điểm do Sở GD-ĐT qui định. Khoảng tháng 6 sẽ nhận giấy báo thi.

- Vẫn tổ chức các cụm thi Vinh, Qui Nhơn và Cần Thơ. Thí sinh có hộ khẩu tại các tỉnh thuộc qui định dự thi tại cụm phải dự thi tại các cụm này.

Cụ thể, cụm thi tại thành phố Vinh: Dành cho thí sinh thi vào Trường đại học Vinh và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội. Cụm thi này do Trường ĐH Vinh chủ trì phối hợp với các trường đại học liên quan tổ chức thi.

Cụm thi tại thành phố Quy Nhơn: Dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Quy Nhơn và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 6 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội và TPHCM. Cụm thi này do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì phối hợp với các trường ĐH liên quan tổ chức thi.

Cụm thi tại thành phố Cần Thơ: Dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 9 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực TP.HCM. Cụm thi này do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì phối hợp với các trường ĐH liên quan tổ chức thi.

Các thí sinh nếu đăng ký dự thi vào các trường ĐH khối Quốc phòng và Công an hoặc các trường và các ngành năng khiếu vẫn phải đến trường ĐH, CĐ để dự thi (không dự thi ở cụm). Cụ thể là: Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Mỹ thuật, Nhạc, Hoạ, Sân khấu điện ảnh, Kiến trúc, Mỹ thuật công nghiệp, Văn hóa quần chúng và các ngành năng khiếu của các trường sư phạm.

Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh (thành phố) được chỉ định dự thi tại cụm thi TP Vinh, Quy Nhơn hoặc Cần Thơ nhưng tốt nghiệp THPT tại các tỉnh (thành phố) khác, thí sinh tự do không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định theo hộ khẩu thường trú.

Nội dung tư vấn, trao đổi

* Tôi muốn cho con thi vào trường ĐHQG TP.HCM, khoa dầu khí. Vậy con tôi sẽ thi khối nào? và khoảng bao nhiêu điểm đậu? (do thanh dinh, 54 tuổi, DINH77@...)

- TS. Nguyễn Kim Quang: Có nhiều ngành có thể làm việc trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các ngành khoa học kỹ thuật và địa chất. Trong ĐHQG TP.HCM có 2 trường đào tạo địa chất nghiên cứu, tìm kiếm, khai thác dầu khí là ĐH Bách Khoa và ĐH Khoa Học Tự Nhiên. Tuyển sinh khối A, riêng KHTN tuyển khối A và B, điểm chuẩn năm 2009, khối A là 14,0 và khối B là 18,0, năm 2010 khối A là 14,0 và khối B là 17.0.

a2IkgNzO.jpgPhóng to

Ban tổ chức phát phiếu đặt câu hỏi cho phụ huynh tham dự - ảnh: Minh Đức

T8CVoIRb.jpgPhóng to
Phụ huynh đang đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: Minh Đức
syCrFltF.jpgPhóng to
TS Nguyễn Kim Quang đang trả lời thắc mắc của phụ huynh - Ảnh: Minh Đức

* Con tôi học lực trung bình, đạo đức tốt. Vậy khi tốt nghiệp, cháu nên chọn ngành nào. Cám ơn. (Nguyễn Thế Linh, 45 tuổi, Thelinhttld@)

* ThS Lâm Tường Thoại: Việc chọn ngành học phụ thuộc vào sở thích, khả năng, sở trường. Học lực chỉ là yếu tố giúp mình chọn trường phù hợp. Vì vậy tôi chỉ gợi ý anh chú ý các trường cao đẳng hoặc những trường đại học có yêu cầu không cao về điểm số để cháu thi; riêng ngành nào. gia đình nên xem cháu có sở thích gì để quyết định chọn.

* Đề nghị tư vấn cho tôi nên chọn khối thi cho con như thế nào để nhiều cơ hội trúng tuyển. Các khối thi gồm những môn gì? (LÊ VĂN TÀI, 55 tuổi, My .vt@...)

- ThS Lâm Tường Thoại: Tôi giới thiệu các khối cơ bản trước để anh nắm bắt. Khối A: Toán, Lý, Hóa; Khối B: Toán, Hóa, Sinh; Khối C: Văn, Sử, Địa; Khối D: Văn, Toán, Ngoại ngữ (chia ra D1 là Anh, D2 là Nga, D3 là Pháp, D4 là Trung, D5 là Đức, D6 là Nhật).

Ngoài ra còn các khối H, N, M, T, V, S, R, K, anh tham khảo thêm trên mạng. Các khối này ngoài môn thi như các môn học phổ thông đã kể trên thì các học sinh phải thi các môn năng khiếu như Vẽ, Đọc diễn cảm, Hát, TDTT...

Anh nên xem cháu học tốt môn nào thì chọn khối thi tương ứng. Tuy nhiên việc chọn khối thi xong còn phải chọn trường thi có điểm chuẩn tương ứng khả năng của cháu thì cơ hội trúng tuyển mới cao.

* Em năm nay học lớp 12, học lực khá. Dự tính thi vào trường ĐH Giao thông vận tải, tuy nhiên em học môn Lý không tốt lắm. Xin tư vấn cho em chọn ngành nghề như thế nào? (Nguyen Thai Hoang, 18 tuổi, myloveforyou1993@)

* Ts Nguyễn Văn Thư: Trường ĐH GTVT TP.HCM có 24 chuyên ngành theo các nhóm ngành khác nhau như Hàng hải, Công trình, Cơ khí, Điện - điện tử Viễn thông, Kinh tế... Tất cả đều thi khối A, điểm trúng tuyển các năm từ 13,5 đến 17 điểm tùy từng ngành. Với học lực khá, em có thể tự tin đăng ký thi vào trường.

Em có thể xem thêm thông tin chi tiết về từng ngành tại trang web của Trường http://www.hcmutrans.edu.vn/ để cân nhắc và chọn ngành phù hợp với sở thích của mình. Chúc em đạt được ước muốn của mình.

* Em đang phân vân: trong hai ngành xây dựng và điện tử viễn thông, ngành nào dễ xin việc hơn?(Tran Q Hoang, 18 tuổi, vungtroixanh288@)

- Ts. Nguyễn Văn Thư: Theo thống kê từ sinh viên tốt nghiệp tại trường vài năm gần đây, ngành xây dựng có nhiều cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng quyết định đến cơ hội việc làm cùa sinh viên là kết quả học tập và các kỹ năng mà sinh viên thể hiện được trước nhà tuyển dụng.

* Em trai của em đang học lớp 12 với sức học trung bình khá. Theo các thầy cô, nên hướng cho em thi vào ngành nghề nào của những trường nào? Ngành xây dựng hiện nay đầu vào của khối cao đẳng và đại học chừng bao nhiêu điểm và ngành này sau khi tốt nghiệp có dễ kiếm việc làm hay không ạ? (Nguyễn Vũ Duy, 25 tuổi, htclsoeup@)

- Ts. Nguyễn Văn Thư: Ngành xây dựng có rất nhiều chuyên ngành khác nhau và điểm đầu vào cũng khác nhau tùy từng chuyên ngành và từng trường. TP.HCM có nhiều trường đào tạo hệ đại học ngành này như Đại học bách khoa, Đại học kiến trúc, Đại học sư phạm kỹ thuật, Đại học Giao thông vận tải TP.HCM và hệ cao đẳng gồm các Trường cao đẳng Giao thông vận tải 3, Cao đẳng xây dựng số 2...

Hiện tại nhu cầu về nhân lực cho ngành này là cao nên cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp nhiều hơn. Em cần lực chọn trường nào mình muốn học sau đó vào trang web của trường đó để tham khảo chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của ngành đó và điểm trúng tuyển các năm trước trơớc khi quyết định chọn. Với học lực trung bình khá, em có thể đăng ký vào ngành xây dựng công trình thủy tại trường ĐH GTVT TP.HCM vì ngành này có điểm trúng tuyển NV1 hàng năm từ 14 đến 16 điểm.

* Xin hỏi TS Nguyễn Văn Thư, học ngành nào có thể làm thủy thủ, bậc CĐ hay ĐH. Công việc cụ thể trên tàu sau này là gì? (TRẦN VĂN NAM, 53 tuổi)

- TS. Nguyễn Văn Thư: Thủy thủ là tên chung chỉ những người học ngành điều khiển tàu biển.

Tuy nhiên, ở ngành tàu biển,chức danh thủy thủ là chức trách của người tốt nghiệp bậc công nhân kỹ thuật; còn hệ cao đẳng hoặc đại học thì làm thủy thủ trong một năm đầu tiên, sau đó sẽ đảm nhiệm các chức danh chỉ huy trên tàu.

Công việc cụ thể của ngành này gồm các công việc điều khiển con tàu di chuyển trên biển, giám sát việc nhận hàng hóa xuống tàu và bảo quản hàng trên tàu hoặc hướng dẫn hành khách trên tàu, thông tin liên lạc giữa tàu biển với các tàu khác, với các cơ quan chức năng trên bờ và các công việc chuyên ngành khác.

Thông tin cụ thể em có thể tham khảo tại trang web: www.hcmutrans.edu.vn. Hiện nay sinh viên tốt nghiệp ngành này không chỉ làm việc trên tàu biển của Việt Nam mà còn cả trên tàu của nước ngoài.

* Cơ hội của sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH Y Dược chuyên ngành Dược TP.HCM như thế nào? Xu thế phát triển của ngành Dược Việt Nam? Chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Y Dược chuyên ngành Dược năm 2011 có gì mới không? (Lê thị Tuyết Hạnh, 44 tuổi)

- Th.s BS TRƯƠNG TẤN TRUNG - trường ĐH Y Dược TP.HCM: Sau khi tốt nghiệp ĐHYD, các tân dược sĩ có nhiều cơ hội làm việc tại các bệnh công và tư, các công ty Dược trong và ngoài nước, nhưng cũng tùy thuộc vào kiến thức cũng như trình độ chuyên môn của ứng viên và nhà tuyển dụng nhân lực.

Hiện nay ngành Dược đang là nhu cầu cần thiết trong xã hội, cũng như mũi nhọn phát triển Dược trong nước. Năm 2011 chỉ tiêu Dược là 300, trong đó trong ngân sách nhà nước là 200 và ngoài ngân sách nhà nước là 100.

* Xin cho hỏi: có sự khác biệt nào giữa 2 chuyên ngành Điện tử - Tự động và Cơ khí - Cơ tự động. Nếu phải lựa chọn giữa 2 chuyên ngành này, con tôi nên chọn ngành nào? (Trần Hữu Khoa, 52 tuổi)

- TS NGUYỄN VĂN THƯ - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Hai ngành này có chung một phần kiến thức là kỹ thuật tự động hóa; còn khác nhau ở chỗ một ngành thiên về điều khiển thiết bị cơ khí còn ngành kia thiên về chế tạo các thiết bị điện tử cho hệ thống tự động.

Do vậy nếu con anh có thiên hướng về cơ khí, nên chọn ngành cơ khí - tự động; còn nếu cháu thích các thiết bị điện tử nên chọn ngành còn lại. Chúc anh và cháu chọn đúng ngành phù hợp.

* Con trai tôi thích biển, làm việc trên biển. Nhưng nghe nói công việc này vất vả, xa nhà, tôi không đành. Xin thầy Thư mô tả những công việc có cụ thể trên tàu mà con tôi có thể làm được. Học ngành nào ra làm những việc đó. Có yêu cầu chiều cao, ngoại ngữ gì không? (NGUYỄN ANH ĐẢO, 48 tuồi).

- Ts. Nguyễn Văn Thư: Xin chia sẻ với anh những thiệt thòi của những người làm việc trên tàu là phải xa nhà và khá vất vả. Tuy nhiên, ngành này có cơ hội việc làm tốt và thu nhập cao. Sau một thời gian đi biển có thể dễ dàng tìm được việc làm trên bờ tại các cảng biển, công ty bảo hiểm, công ty giám định hàng hải và các doanh nghiệp dịch vụ liên quan khác.

Con tàu là một hệ thống phức tạp như một nhà máy lớn trên bờ lại di chuyển trên biển. Các công việc trên tàu gồm điều khiển tàu biển, quản lý và vận hành hệ thống máy móc, hệ thống điện, điện tử trên tàu, bảo quản hàng hóa chuyên chở trên tàu.

Do cần phải có sức khỏe để làm việc được trên biển nên sinh viên ngành này phải đạt chiều cao trước khi vào trường từ 1,64m trở lên đối với ngành điều khiển tàu biển, 1,60m đối với ngành máy tàu thủy.

Đồng thời do tàu biển di chuyển khắp nơi trên thế giới nên yêu cầu về ngoại ngữ là bắt buộc (tiếng Anh tối thiểu bằng B trước khi ra trường và bằng C khi đảm nhận chức danh sỹ quan trên tàu). Chúc anh và cháu cân nhắc tốt trước khi quyết định.

* Em đang phân vân không biết nên chọn ngành kinh tế hay kỹ thuật. Thầy cô đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm của hai nhóm ngành này, hiện "làn sóng" thi kinh tế có ảnh hưởng nhiều đến việc thi và học nhóm ngành này không? Còn với nhóm ngành kỹ thuật, vấn đề việc làm có thực sự khả quan? Nếu chọn kỹ thuật, ngành nào hút nhất hiện nay? Em xin cảm ơn! (Hoàng Phi Hổ, 18 tuổi)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Cơ hội việc làm và thành đạt phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực học tập và thích ứng với môi trường việc làm của mỗi người.

Hiện nay, lĩnh vực kinh tế tài chính đang thu hút nhiều thí sinh vì nói chung ai cũng thích làm giàu. Tuy nhiên, thầy khuyên em nên chọn ngành theo sự yêu thích nghề nghiệp, năng lực và sở trường học tập và hoàn cảnh, ngành hot là ngành phù hợp nhất đối với em. Cơ hội học tập rất thuận lợi, sau khi tốt nghiệp em có thể học thêm một hoặc nhiều ngành khác.

Nhiều người thành đạt trong hoạt động kinh tế nhưng trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật trước rồi học thêm kinh tế sau.

* Em năm nay dự thi đại học khối A và B. Học lực khá, em muốn dự thi ngành quản trị kinh doanh. Xin cho em hỏi những trường đào tạo ngành này và có điểm chuẩn khoảng từ 15-17 điểm? Học ngành này sau khi ra trường có dễ tìm việc làm không ạ? (Nguyễn Hoài Thương, 18 tuổi, kbthuong@...)

- ThS Lâm Tường Thoại - trường ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TP.HCM: Chào em, theo kết quả thi năm 2010 các trường có điểm chuẩn trúng tuyển ngành Quản trị kinh doanh trong khoảng từ 15-17 có ĐH Mở, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Văn Lang...

Hiện nay tương đối sinh viên tốt nghiệp ngành QTKD tìm việc làm dễ vì các em có thể làm được ở nhiều vị trí như bán hàng, tiếp thị, thư ký, nhân sự, hành chánh...

* Con trai tôi năm nay thi đại học. Cháu học chuyên lý, mức độ trung bình khá, tính tình hiền, rụt rè, cẩn thận. Xin tư vấn giúp cháu nên thi ngành gì là phù hợp. Cháu và gia đình đang phân vân nên thi kinh tế hay bách khoa và thi khoa nào hợp với cháu. (Nguyễn Thị Lan, 45 tuổi, lannhatkh@...)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Cháu đang học chuyên Lý, có thể nói cháu có năng khiếu và lực học tập lĩnh vực tự nhiên. Nếu chọn ngành theo hướng tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật có lẻ sẽ phù hợp. Cháu thể dự thi khối A vào các ngành kinh tế hoặc Bách Khoa. Nếu đi chuyên sâu về Vật lý thì có thể dự thi vào ngành Vật lý của ĐH Khoa Học Tự nhiên hoặc gần gũi như Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin.

Các ngành này ở trường có tuyển hệ Cử nhân tài năng. Phụ huynh và học sinh có thể tham khảo ngành học trên Website của trường ĐH Khoa Học Tự nhiên TP.HCM.

Cử nhân vật lý có khả năng nghiên cứu, giải quyết trọn vẹn các vấn đề về vật lý, các hiện tượng có liên quan đến môi trường tự nhiên và môi trường sống; có khả năng sử dụng cũng như nghiên cứu các cơ chế của các thiết bị tiên tiến; có khả năng tiếp cận nghiên cứu những kiến thức vật lý trong vật lý hiện đại; có cơ hội việc làm trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật, quản lý, sản xuất, kinh doanh; có khả năng giảng dạy trong các trường trung học phổ thông, đại học - cao đẳng.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

* Trường nào đào tạo ngành xây dựng cầu đường? Học ngành xây dựng cầu đường sau này có thể xây dựng các công trình dân dụng được không? (NGUYỄN HỒNG ĐÀO, 48 tuổi)

- TS NGUYỄN VĂN THƯ - Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Ngành xây dựng cầu đường được đào tạo tại nhiều trường như Đại học Bách khoa, Đại học GTVT TP.HCM, đại học Tôn Đức thắng, Đại học Kỹ thuật, công nghệ... Xây dựng cầu đường là một chuyên ngành của nhóm ngành xây dựng nên có phần kiến thức cơ sở chung với chuyên ngành xây dựng dân dụng, tuy nhiên về chuyên sâu có sự khác nhau khá lớn.

Tuy nhiên sau khi học chuyên ngành xây dựng cầu đường vẫn có thể tính toán kết cấu và giám sát xây dựng công trình dân dụng được nhưng cần phải học hỏi, tìm hiểu thêm về kiến trúc nội thất, mỹ thuật công nghiệp...

* Em mong muốn được theo ngành sinh học của nhà trường. Chỉ tiêu ngành sinh học 270 - 300 có dễ thi vào và ra trường có dễ xin việc không? (Đinh Duy Anh Kiệt, 18 tuổi, anhkietduy_93@)

- TS. Nguyễn Kim Quang: Chỉ tiêu khá cao là do nhu cầu phát triển và năng lực đào tạo của trường. Cử nhân sinh học có thể công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu có liên quan đến Y, Dược, Sinh học; các cơ quan sản xuất kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến Y - Sinh học; các cở sở nuôi dưỡng và gây giống những động thực vật quí hiếm, công ty giống cây trồng, nuôi cấy mô, các cơ quan kiểm nghiệm, xí nghiệp dược; các bảo tàng thực vật, động vật, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; các cơ quan nhà nước liên quan đến quản lý môi trường, tài nguyên tự nhiên, kiểm định chất lượng; giáo viên các trường cấp 3 hoặc trợ giảng tại các trường đại học.

Hiện nay, trường đang xây dựng đề án đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngành nghề và tăng cơ hội việc làm cho SV tốt nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

* Thầy cho em hỏi ngành bác sĩ y tế cộng đồng ĐH Y Dược TPHCM đào tạo những gì ạ? Và điểm chuẩn ngành này mọi năm cao không? (Nguyễn Hoài Thương, 18 tuổi, kbthuong@...)

- Th.s BS TRƯƠNG TẤN TRUNG, trường ĐH Y Dược TP.HCM: Ngành YHCĐ đào tạo cho BS các kiến thức Y khoa nhằm đáp ứng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, làm các chương trình y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điểm chuẩn tham khảo của năm 2010 ngành Y tế cộng đồng là 17 - 13.5 đ và ngành cử nhân Y tế công cộng là 16.5 - 13 điểm.

* Xin cho hỏi: Ngành quản trị kinh doanh đào tạo những gì? Khi tốt nghiệp ra trường làm những công việc gì, có dễ xin việc hay không? Học lực con tôi thuộc loại khá thì thi vào trường nào có ngành này dễ đậu? (Nguyễn \Đđức Xuân, 50 tuổi, nducxuan@...)

- ThS. Nguyễn Ngọc Thái - chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế TP. HCM: Chúng tôi chia sẻ lo lắng của phụ huynh trong việc tư vấn, định hướng cho con em mình trong việc chọn trường, chọn ngành sau khi các em hoàn tất chương trình THPT. Do đó việc chọn trường nào để đăng ký dự thi để có khả năng trúng tuyển cao là một nhu cầu chính đáng của phụ huynh.

Hiện nay, có rất nhiều trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, phụ huynh có thể tham khảo điểm chuẩn các năm trước của các trường, nguyện vọng, sở thích của học sinh đối với từng trường có đào tạo ngành này. Tuy nhiên, một điều quý phụ huynh học sinh hết sức chú ý là năng lực của học sinh.

Cơ hội việc làm sau khi ra trường, theo tôi còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là năng lực của sinh viên sau khi ra trường. Nếu sinh viên đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập sẽ được nhà tuyển dụng chú ý nhiều hơn. Ngoài ra, sinh viên cần chú ý đến các kỹ năng khác như: kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học, khả năng nhận thức và giải quyết công việc và đạo đức nghề nghiệp...

Ngành Quản trị kinh doanh đào tạo sinh viên có khả năng quản lý doanh nghiệp trong tương lai với những kiến thức về quản lý ở tầm vi mô tương đối bài bản và toàn diện. Quá trình đào tạo không chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cần thiết về nghề quản lý mà còn phải làm rõ trách nhiệm đối với nghề nghiệp và bồi dưỡng lòng tự tin và yêu nghề cho sinh viên. Ngành cung cấp một đội ngũ cán bộ có khả năng thực hiện một số kỹ năng quản lý và tư vấn trong công tác quản lý các doanh nghiệp, các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, nhu cầu nhân lực trong các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ, thương mại, sản xuất... rất lớn học sinh an tâm học tốt để sau khi ra trường để có cơ hội việc làm tốt hơn.

o5Ngnf2L.jpgPhóng to

Tặng quà bạn đọc đến tham dự buổi tư vấn - Ảnh: Minh Đức

* Con tôi đang học 12; rất đam mê ngành Di truyền. Vậy con tôi nên thi trường nào? Điểm chuẩn của trường qua các năm là bao nhiêu? Sao khi được dào tạo con tôi sẽ làm việc như thế nào? Ở đâu? Ngành di truyền có triển vọng trong tương lai không? (Lê Minh Khuy, 46 tuổi, dandelion120493@...)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Nếu học sinh thích lĩnh vực di truyền và muốn hiểu biết sâu, ứng dụng về di truyền, có thể tham khảo ngành Sinh học tuyển khối B và Công nghệ sinh học khối A và B của ĐH Khoa Học Tự nhiên.

Các chuyên ngành sinh học: Vi sinh Sinh Hóa, Tài nguyên Môi trường, Sinh học Thực vật, Sinh học Động vật.

Cử nhân sinh học có thể công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu có liên quan đến Y, Dược, Sinh học; các cơ quan sản xuất kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến Y - Sinh học; các cở sở nuôi dưỡng và gây giống những động thực vật quí hiếm, công ty giống cây trồng, nuôi cấy mô, các cơ quan kiểm nghiệm, xí nghiệp dược; các bảo tàng thực vật, động vật, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; các cơ quan nhà nước liên quan đến quản lý môi trường, tài nguyên tự nhiên, kiểm định chất lượng; giáo viên các trường cấp 3 hoặc trợ giảng tại các trường đại học.

* Ngành công nghệ thông tin, chuyên ngành kỹ thuật máy tính của trường ĐH KHTN có điểm chuẩn là bao nhiêu cho khối D và A cho hệ ĐH và CĐ (Nguyễn Hữu Sơn, 52 tuổi, bachairom@...)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Nhóm ngành công nghệ thông tin của trường ĐH Khoa Học Tự nhiên có ngành: Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Công nghệ máy tính, Mạng máy tính và viễn thông. Nhóm ngành này tuyển khối A cho hệ đại học. Ngoài ra, trường xét tuyển vào hệ cao đẳng Công nghệ thông tin. Chỉ tiêu hệ đại học là 550 và cao đẳng là 700. Điểm chuẩn các năm qua khoảng 18,0 điểm cho hệ đại học và khoảng 10-11,0 cho hệ cao đẳng.

Cử nhân CNTT có khả năng tổ chức khai thác hiệu quả phần mềm ứng dụng trong công nghệ điều khiển, xử lý thông tin, nhận dạng, các hệ thống kỹ thuật, mạng máy tính, viễn thông, có khả năng thiết kế phần mềm phục vụ công tác quản lý, khai thác dữ liệu khoa học, giáo dục, xã hội và kinh tế.

Cung cấp cho SV kỹ năng thích nghi, tự điều chỉnh, tự phát triển, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề một cách logic, sáng tạo và có hệ thống. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng cạnh tranh ở môi trường làm việc trong nước cũng như trên thị trường lao động toàn cầu.

* Con tôi muốn thi vào ngành Y. Gia đình chúng tôi cũng ủng hộ, tuy nhiên chúng tôi vẫn mong cháu thi vào khoa Răng Hàm Mặt vì anh cháu học cử nhân phục hình răng (sau này nếu làm nha sĩ, hy vọng anh em có thể hỗ trợ lẫn nhau). Mặt khác chúng tôi nghĩ học Nha sẽ thuận lợi cho phái nữ (tiện chăm sóc gia đình sau này) vì có nhiểu người quen bảo làm bác sĩ rất cực, nhất là đối với nữ. Nhưng cháu cho biết chỉ thích học bác sĩ và sẽ vào khoa Hiếm muộn để tạo ra những sinh linh bé bỏng. Không rõ về khoa này lắm, vậy chúng tôi có nên thuyết phục cháu học Nha không? (Lý Thị Ánh Tuyết, 51 tuổi, anhnguyet_961@...)

- Th.s BS TRƯƠNG TẤN TRUNG - trường ĐH Y Dược TP.HCM: Gia đình nên trao đổi với cháu thêm, tuy nhiên nếu được như y mong đợi của gia đình thì rất tốt. Bên cạnh đó, nếu được theo sự đam mê như mong muốn, khả năng học tập và kết quả có khả năng tốt hơn.

Nếu muốn học chuyên sâu hiếm muộn, việc đầu tiên thí sinh phải thi đậu vào ĐHYD và tốt nghiệp bác sĩ y đa khoa, sau đó phải thi Nội trú (học 3 - 4năm), cao học, chuyên khoa cấp I (2 năm) chuyên ngành sản phụ khoa rồi được phân công tham gia vào chuyên khoa hiếm muộn với điều kiện tại cơ sở tại nơi làn việc phải đó khoa Hiếm muộn và có đầy đủ cơ sở về trang thiết bị y tế trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn.

Gia đình nên cân nhắc khả năng và năng lực học tập của con em mình.

* Nhà em gợi ý em thi ngành Hóa thực phẩm (ĐHBK - TP.HCM). Em thì chọn ngành Hóa (ĐHKHTN – TP.HCM) vì điểm chuẩn thấp hơn một chút. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nếu sau khi học ngành Hóa thực phẩm (ĐHBK - TP.HCM) thì có cơ hội việc làm cao hơn. Có thể năm nay là năm cuối cùng mà ĐHQG thi theo hình thức ba chung, nên em quyết tâm thi đậu trong mùa này và chọn ngành Hóa (ĐHKHTN –TP.HCM). Các thầy cô cho em biết rõ hơn hơn về 2 ngành này ở hai trường này. (Nguyễn Thành Trí, 17 tuổi, mthanghoa_127@...)

r3LMOtlV.jpgPhóng toTiến sĩ Lê Thị Thanh Mai đang giải đáp thắc mắc cho phụ huynh - Ảnh: Minh Đức

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Ngành Hóa của 2 trường đều trang bị cho SV kiến thức cơ bản, cơ sở của ngành Hóa và khác nhau ở chuyên ngành mà mỗi sinh viên học chuyên sâu theo khả năng và nguyện vọng. Một điểm khác nhau là ngành Hóa ở ĐHBK thiên theo hướng kỹ thuật hơn còn ngành Hóa ở ĐH KHTN thiên hướng cơ bản, công nghệ và ứng dụng. sinh viên tốt nghiệp đều có thể làm trong các cơ quan nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh cần đến kiến thức, kỹ năng hóa học.

Trường ĐH KHTN đào tạo cử nhân hóa học có kiến thức khoa học cơ bản và kỹ năng thực hành vững chắc để có khả năng vận dụng kiến thức hóa học một cách có hiệu quả và linh hoạt trong công tác đào tạo, nghiên cứu, sản xuất.

Kiến thức hóa học giúp người học không chỉ làm việc trong lĩnh vực hóa học mà còn có thể hội nhập và thích ứng nhanh chóng với những ngành nghề mang tính ứng dụng thực tiễn như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, hoặc các lĩnh vực khoa học có liên quan khác như công nghệ sinh học, môi trường, địa chất, vật liệu.

Chương trình học được thiết kế mềm dẻo, linh hoạt, cung cấp cho người học không chỉ kiến thức thuần túy hóa học cơ bản mà còn cho phép người học tự chọn cho mình những mảng kiến thức liên ngành đa dạng, phong phú.

* Con tôi muốn thi vào ngành công nghệ sinh học Y Dược nhưng tôi không rõ lắm về ngành này này, mong quý thầy cô cung cấp thêm thông tin về ngành học này, tương lai nghề nghiệp. Có phải chỉ khi nào chế tạo ra được 1 sản phẩm sinh học nào đó mới được trả tiền? (Hoàng Minh, 50 tuổi, destiny_lytran@...)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Trường ĐH Khoa Học Tự nhiên có đào tạo ngành Công nghệ sinh học. Phụ huynh có thể tham khảo trong trang Web của trường http://www.hcmus.edu.vn.

Tùy cơ quan nghiên cứu, sản xuất và hợp đồng làm việc mà có cách trả lương khác nhau. Nhiều hợp đồng nghiên cứu ứng dụng được đầu tư tài chình và phương tiện nghiên cứu ngay từ đầu đến khi ra sản phẩm. Có thể trích giới thiệu tóm tắt như sau:

Đào tạo cử nhân có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ sinh học: công nghệ di truyền và các ứng dụng, chẩn đoán phân tử dùng trong y học và pháp y, cải thiện các giống cây trồng và vật nuôi bằng phương pháp chuyển gen, công nghệ enzym, chế biến thức phẩm, xử lý nước thải, sản xuất vaccine, nuôi cấy tế bào động vật, tạo giống mới,…

Cử nhân CNSH có thể vận dụng vào thực tiễn như nghiên cứu sản xuất về CNSH, và có khả năng tiếp thu các quy trình CNSH hiện đại của nước ngoài.

Các chuyên ngành: Công nghệ sinh học Y Dược, Công nghệ sinh học Nông Nghiệp, Công nghệ sinh học Môi trường, Công nghệ sinh học Công nghiệp, Sinh - Tin học.

Sinh viên ra trường có thể công tác tại các viện Kiểm nghiệm, viện nghiên cứu, các cơ quan y tế, bệnh viện, xí nghiệp Dược, các viện nghiên cứu Y Dược, các công ty chế biến thực phẩm, Nông lâm nghiệp, Thủy sản, Bảo vệ Môi sinh…

* Năm tới em dự thi vào ngành bác sỹ Y học dự phòng. Cho em hỏi ngành bác sỹ Y Học dự phòng của Trường ĐH Y Dược TP.HCM học những gì? Có được khám chữa bệnh như bác sỹ đa khoa không? Sau này nếu học cao hơn sẽ được học những gì? (Hoàng Hải, 20 tuổi, yeulaptrinhc@...)

- Th.s BS TRƯƠNG TẤN TRUNG - Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Ngành Y học dự phòng sẽ học kiến thức y khoa chung và có những kiến thức chung cho công tác điều trị chăm sóc cho toàn xã hội, cho từng khu vực. Các công tác điều trị chủ yếu là để phòng bệnh, tuy nhiên về mặt điều trị chung cũng có thể chữa bệnh các bệnh thông thường. Em có thể học tiếp cao học và tiến sĩ cũng như các chuyên khoa khác.

* Em đang học lớp 12 (khối A) trường Lê Hồng Phong, định thi vào ngành công nghệ thông tin. Xin cho biết những trường nào có mở ngành này? Trong ngành công nghệ thông tin có những chuyên ngành gì? Điểm chuẩn của ngành này những năm trước như thế nào? Nếu học ngành này, khi ra trường cơ hội xin việc làm có dễ dàng không? (Nguyễn Quang Thiện, 17 tuổi, ngqthuong@)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Nhiều trường có đào tạo ngành Công nghệ thông tin do nhu cầu nhân lực rất lớn về ngành này. Cơ hội việc làm cũng rất lớn nhưng vai trò công việc và chính sách đãi ngộ phụ thuộc phần lớn vào năng lực thực chất của mỗi người. Khả năng phát triển trình độ cũng rất cao. Trường ĐH Khoa Học Tự nhiên cùng với ĐH Bách khoa là 2 trường đầu tiên đào tạo ngành công nghệ thông tin ở phía Nam. Có thể giới thiệu nhóm ngành CNTT tại ĐH Khoa học tự nhiên.

+ Ngành Hệ thống thông tin (HTTT): cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ sở kiến thức và chuyên sâu về các mô hình, phương pháp, công nghệ để xây dựng và khai thác Hệ thống thông tin cũng như các kỹ năng thực hành cần thiết nhằm cung ứng một nguồn chuyên viên Hệ thống thông tin vừa có kiến thức chuyên môn vừa biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng để tham gia các nhóm phát triển các hệ thống thông tin tự động hóa thuộc mọi loại hình, có khả năng nắm bắt và vận hành, thay đổi các hệ thống thông tin tin học hóa phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển của tổ chức kinh tế, xã hội.

+ Ngành Kỹ thuật phần mềm: trang bị cho sinh viên kiến thức tổng quát về qui trình xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống phần mềm; kỹ năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm; cung cấp cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý qui trình phần mềm, cùng với phương pháp luận và những công nghệ hiện đại để sinh viên có thể vận dụng hiệu quả trong quá trình xây dựng phần mềm.

+ Ngành Khoa học máy tính và công nghệ tri thức: cung cấp những kiến thức và kỹ năng tin học tiên tiến nhất để tạo ra các sản phẩm tin học thích hợp, đa dạng và có hàm lượng trí tuệ cao, ứng dụng trong giáo dục đào tạo, quản lý kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật, quốc phòng...

+ Ngành Mạng Máy tính và viễn thông: trang bị kiến thức và kỹ năng về mạng diện rộng, mạng cục bộ, hệ cơ sở dữ liệu phân tán, kỹ năng thiết kế, cài đặt, phát triển ứng dụng các mạng tin học viễn thông. Sinh viên cũng được đào tạo các kiến thức về chuẩn, công nghệ, thiết bị, dịch vụ,… mới nhất trên thế giới liên quan đến ngành mạng máy tính và viễn thông.

* Em dự định sẽ thi vào ngành công nghệ thông tin vì thích ngành này trong khi gia đình em có truyền thống dạy học. Ba mẹ muốn em học sư phạm để theo truyền thống gia đình. Ban tư vấn có thể cho em một lời khuyên? Em xin cảm ơn! (NGUYỄN VĂN TUẤN, 18 tuổi, mong_thuytinh13@)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Khi yêu thích ngành học nào,cơ hội thành công ngành đó sẽ cao hơn.

Nếu tốt nghiệp Công nghệ thông tin em có nhiều cơ hội việc làm trong hầu hết các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, quản lý... Ngoài ra, em vẫn có thể tham gia giảng dạy CNTT trong các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học. Hiện nay, rất thiếu giảng viên ngành CNTT từ cấp phổ thông đến đại học, đặc biệt là các môn học chuyên sâu, nâng cao và công nghệ mới. Nhiều sinh viên Việt Nam thành đạt trên lĩnh vực CNTT trong và ngoài nước.

* Nội dung chương trình đào tạo khoa Hóa của ĐH Khoa học tự nhiên (HUUTHUAN, 50 tuổi, HUUTHUAN@...)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Mời phụ huynh và học sinh tham khảo ngành Hóa trên trang Web của trường ĐH Khoa học tự nhiên: www.hcmus.edu.vn. Có thể giới thiệu tóm tắt ngành Hóa như sau:

Các chuyên ngành: Hóa lý, Hóa Hữu cơ, Hóa Phân tích, Hóa Vô cơ với các hướng đào tạo chính sau đây:

+ Chuyên ngành Hóa lý: Hóa Lý Hữu cơ, Hóa Lý thuyết - Hóa Tin học, Hóa Xúc tác, Điện Hóa học, Hóa Cao phân tử.

+ Chuyên ngành Hóa Hữu cơ: Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Tổng hợp hữu cơ, Hóa dược

+ Chuyên ngành Hóa Phân tích: Cung cấp kiến thức về các phương pháp phân tích hóa học và các phương pháp phân tích dụng cụ hiện đại, gồm: Phân tích điện hóa, Phân tích quang phổ, Phương pháp sắc ký.

+ Chuyên ngành Hóa Vô cơ: Phức chất và hóa vô cơ sinh học, Vật liệu vô cơ, Tổng hợp vô cơ, Xử lý chất thải & bảo vệ môi trường.

Sau khi tốt nghiệp đại học khoa Hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên, các cử nhân Hóa học có khả năng tham gia giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hóa học tại các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm của các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm, của các đơn vị sản xuất, nhà máy xí nghiệp hoặc tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và trung học.

* Thưa các thầy cô trong ban tư vấn tuyển sinh, em không hiểu rõ mấy về ngành kinh tế đối ngoại và ngành kinh doanh quốc tế sắp mở của ĐH Kinh tế - Luật có khác biệt như thế nào? Khi nào trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh? (Nguyễn Kim Hùng, 19 tuổi, accn7321@...)

- ThS. Lâm Tường Thoại - ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG TP.HCM: Trước tiên tôi đính chính với em rằng năm nay Trường ĐH Kinh tế Luật chưa mở ngành kinh doanh quốc tế ngay. Hai ngành này vẫn có những kiến thức cơ bản giống nhau liên quan đến việc kinh doanh giữa một quốc gia, một tổ chức trong nước với một một tổ chức, một quốc gia khác.

Phần khác nhau ở điểm kinh tế đối ngoại chú ý hơn về việc nghiên cứu chính sách và đề xuất chính sách trong việc thực hiện kinh doanh giữa hai quốc gia, còn kinh doanh quốc tế chú ý nhiều hơn việc tổ chức kinh doanh của một công ty với đối tác là một công ty nước ngoài.

Chỉ tiêu năm 2011 của ngành Kinh tế đối ngoại là 240.

* Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế - Luật có được tiêu chuẩn hành nghề luật sư? (Nguyễn Hà Linh, 25 tuổi, halinh@)

- ThS. Lâm Tường Thoại, ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG.HCM: Không riêng trường ĐH Kinh tế Luật, các trường khác có đào tạo Luật như ĐH Luật, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Mở... khi sinh viên tốt nghiệp chỉ được cấp bằng cử nhân luật. Muốn hành nghề luật sư, sinh viên phải tiếp tục học chứng chỉ hành nghề Luật 6 tháng tại học viện tư pháp, sau đó phải đăng ký thực tập tại một văn phòng luật 18 tháng. Vượt qua hai việc này mới được phép hành nghề luật sư. Vì vậy tốt nghiệp ngành Luật chỉ là một tiêu chuẩn đầu tiên trong các tiêu chuẩn hành nghề luật.

tbW62lYm.jpgPhóng to

TS Phạm Tấn Hạ đang giải đáp thắc mắc - Ảnh: Minh Đức

* Con tôi là học sinh khá. Tôi muốn cháu thi khối D, ngành công nghệ thông tin chuyên ngành kỹ thuật máy tính, vậy cháu có thể làm hồ sơ vào truờng nào và điểm chuẩn là bao nhiêu? Khi ra trường, cháu có thể làm việc ở đâu, cũng như có dễ xin việc làm không? Đề nghị ban tư vấn hướng dẫn dùm. (Nguyễn Hữu Sơn, 52 tuổi, bachairom@)

- TS NGUYỄN KIM QUANG, Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Ngành công nghệ thông tin tuyển sinh phổ biến khối A. Tuy nhiên có một số trường tuyển thêm khối D1, học sinh có thể tham khảo trong "Những điều cần biết tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011".

Ngành này hiện có nhu cầu nhân lực rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong hầu hết các cơ quan, công ty sản xuất kinh doanh,... cần đến công nghệ thông tin.

* Nước ta chuẩn bị mở các nhà mày điện nguyên tử hạt nhân. Vậy phải học ngành nào và có thể làm trong các nhà máy nào? Nước ta có ngành học về nguyên tử hạt nhân không? (Một phụ huynh)

- TS NGUYỄN KIM QUANG - Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM):

Trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên có đào tạo chuyên ngành hạt nhân. Hiện nay, nhu cầu đào tạo nhân lực về điện nguyên tử rất bức bách. Chuyên ngành vật lý hạt nhân: cung cấp kiến thức cơ bản để có khả năng ứng dụng vật lý hạt nhân trong nông, công nghiệp, sinh học, y học, khảo cổ, quốc phòng, kể cả năng lượng hạt nhân. Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm ung bướu, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm kỹ thuật Hạt nhân TP.HCM, Trung tâm chiếu xạ TP.HCM, các liên đoàn địa chất, các viện nông nghiệp, nhà máy điện hạt nhân.

* Trường Kinh tế - Luật năm 2011 tuyển bao nhiêu sinh viên, thi khối nào, điểm chuẩn là bao nhiêu, ra trường làm việc ở đâu? (Phan Hậu, 45 tuổi, haulongan@...)

- ThS. Lâm Tường Thoại, ĐH Kinh tế Luật, ĐHQG.HCM: Trường ĐH Kinh tế Luật năm 2011 dự kiến tuyển 1.660 sinh viên và tổ chức thi hai khối gồm khối A (Toán, Lý, Hóa) thi vào ngày 3-5-7-2011 và khối D1 (Văn, Toán, Anh) thi vào ngày 8-10-7-2011.

Điểm chuẩn năm 2011 trường chỉ có thể xác định sau khi trường chấm thi xong. Năm trước 2010, điểm chuẩn của trường ĐH Kinh tế Luật nằm trong khoảng từ 16-21 điểm. Tùy ngành nghề tốt nghiệp, sinh viên sẽ xin vào làm ở tổ chức tương ứng. Nhưng nhìn chung, tốt nghiệp các khối ngành Kinh tế Luật sẽ làm việc ở các công ty nhà nước, tư nhân, công ty nước ngoài, ở các viện nghiên cứu, ở các cơ quan hành chính sự nghiệp... và ở các trường học.

* Em thích ngành hóa dầu. Có bao nhiệu trường có ngành này? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp như thế nào? (Trần Thùy Trang, 18 tuổi, nnho007@)

- TS NGUYỄN KIM QUANG, Trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Nếu thích chuyên ngành về hóa dầu, em có thể tham khảo ngành Hóa của ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Bách khoa. Tốt nghiệp ngành Hóa có thể làm trong nhiều cơ quan, xí nghiệp cần đến kiến thức, kỹ năng hóa bao gồm cả hóa dầu. Kiến thức hóa học giúp người học không chỉ làm việc trong lĩnh vực hóa học mà còn có thể hội nhập và thích ứng nhanh chóng với những ngành nghề mang tính ứng dụng thực tiễn như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, hoặc các lĩnh vực khoa học có liên quan khác như công nghệ sinh học, môi trường, địa chất, vật liệu.

* Thưa thầy cô, con gái có thể học gì liên quan đến biển? Cảm ơn ban tư vấn (THU NGA, 45 tuổi)

Ts. Nguyễn Văn Thư: Hiện nay con gái có thể học tất cả các ngành liên quan đến biển. Tuy nhiên nếu chọn ngành đi biển như điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy hoặc điện tự động tàu thủy thì cần có đủ sức khỏe gồm chiếu cao từ 1,58m trở lên, không mắc tật khúc xạ quá 4 đi ốp và không bị mù màu. Các ngành làm việc trên bờ liên quan đến biển gồm Kinh tế vận tải biển, quản trị Logistic và vận tải đa phương thức, đóng tàu, thiết kế công trình ngoài khơi, công trình thủy...

* Trường ĐH Giao thông vận tải thi những khối nào? Điểm chuẩn của trường là bao nhiêu và trường có đào tạo ngành bậc CĐ không? (NGUYỄN THỊ HẢI YẾN)

Ts. Nguyễn Văn Thư: Trường ĐH GTVT TP. HCM chỉ thi tuyển khối A. Điểm chuẩn của trường khác nhau tùy từng ngành (từ 13 đến 18 điểm), Chị nên vào trang web của trường http://www.hcmutrans.edu.vn/ để tham khảo cụ thể.

Trường đào tạo 5 ngành bậc cao đẳng, sinh viên được chọn từ những thí sinh thi khối A và đủ điểm sàn quy định của Bộ trở lên lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu, các ngành này đều được liên thông lên đại học cấp bằng chính quy.

TjaVQ3o6.jpgPhóng to

Phụ huynh đang ghi câu hỏi vào phiếu để gửi lên ban tư vấn - Ảnh: Minh Đức

* Xin hỏi ngành công nghệ tự động đào tạo những gì, có giống ngành điện tử không? Nghe nói phải rất giỏi mới theo ngành này được, phải không? Những công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp ngành này là gì? (TRẦN CHÍ THÀNH, 52 tuồi)

- Ts. Nguyễn Văn Thư: Công nghệ tự động đào tạo chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết tự động, thiết kế tổng thể một hệ thống tự động, vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống tự động điều khiển của các dây chuyền công nghiệp. Chuyên ngành này khác với ngành điện tử là ngành học về nguyên lý hoạt động của các mạch điện tử, việc thiết kế các mạch, vi mạch và các mạch này được lắp ráp để tạo nên một hệ thống tự động.

Như vậy, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ tự động kỹ sư có thể làm việc tại các viện thiết kế, các nhà máy chế tạo để thiết kế và chế tạo hệ thống tự động, họ cũng có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp có các dây chuyền tự động để vận hành, bảo dưỡng và cải tiến các hệ thống tự động sẵn có của nhà máy, xí nghiệp đó.

Vấn đề quan trọng để theo học tốt một ngành là lòng yêu nghề, có năng khiếu hay thiên hướng tư du

NHÓM PHÓNG VIÊN TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp