Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM. Hiện đã có kết quả thi và trước mắt là cơ hội chỉnh sửa nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ lần cuối cùng, rất cần sự chia sẻ của các bậc phụ huynh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến:
TS Huỳnh Văn Chẩn - Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Nắm được đam mê và sở trường của con
Việc cùng con chọn ngành, chọn trường là một công việc khó, đòi hỏi cái tâm và nỗ lực từ bậc làm cha mẹ. Trước hết, cha mẹ cần nắm được hai điều là đam mê và sở trường của con, bởi đây là gốc rễ cho một nghề nghiệp ổn định sau này.
Phụ huynh nên tránh cho con chạy theo xu hướng hay một lợi ích trước mắt nào đó khi chọn ngành chọn nghề mà bỏ qua gốc rễ đó. Tiếp theo, phụ huynh cũng cần tìm hiểu thêm về các ngành nghề ở các trường đại học trước khi hỗ trợ con tư vấn.
TS Ngô Xuân Điệp - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Để con chọn cuộc đời mình
Nhiều bậc cha mẹ thích can thiệp vào việc chọn nghề của con với các kiểu quan niệm như học kinh tế để... làm nhiều tiền; gia đình công chức thì hướng con học luật, hành chính... Tất cả những điều này rất tai hại vì đó là điều cha mẹ thích chứ chưa hẳn là điều con thích.
Nhưng nói cho trọn vẹn thì cha mẹ cũng không thể để mặc con chọn ngành nghề bởi con chưa có kinh nghiệm để lựa chọn trong rất nhiều thứ cần cân đo đong đếm như thời gian học, tài chính, năng khiếu, sở thích tương lai... Hãy để con chọn cuộc đời mình từ chính trái tim con và phụ huynh cần dõi theo, đồng hành cùng con.
Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:
Có yêu thích mới đạt đỉnh cao nghề nghiệp
Trong việc chọn ngành nghề của con có một điều bậc làm cha làm mẹ phải luôn nhớ là nên để con tự quyết định tương lai của mình. Ai cũng lo lắng nhưng chỉ hãy hỗ trợ cho con bình tâm. Để đồng hành lựa chọn ngành nghề cho con, trước hết là dựa vào sở thích của con, bởi khi con thích mới hết lòng hết dạ đeo đuổi và đạt đỉnh cao nghề nghiệp.
Thứ hai, để lựa chọn đúng ngành nghề, phụ huynh phải hướng con nhận ra sở trường, năng lực nổi trội nhất để tránh câu chuyện "con nhái muốn to bằng con bò". Và cuối cùng là điều kiện gia đình, điều kiện xã hội cả hiện tại lẫn tương lai. Giả sử hiện ngành này đang "hot" nhưng 4, 5 năm nữa bão hòa, thậm chí dư dôi thì cơ hội nghề nghiệp lại rất mong manh.
Bà Nguyễn Thị Bút - Quảng Ngãi, có con đậu đại học 6 năm trước:
Quan trọng nhất là con say mê công việc
Tôi ở quê nên chỉ muốn con thi ngành truyền thống để sau này làm việc trong khối nhà nước hoặc giáo viên gì đó nhưng con tôi lại chọn vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Những năm con học ĐH, gia đình sống trong lo âu nhưng không ngờ ra trường với kiến thức có được, con tôi khởi nghiệp từ nghề mộc - một nghề truyền thống của gia đình - rồi nâng lên thiết kế và thi công nội thất.
Để con tự lập, vợ chồng tôi một lần nữa để con tự quyết là chuyển cơ sở mộc của gia đình vào quận Bình Tân (TP.HCM) thành lập công ty nội thất riêng. Con vừa có thu nhập ổn định vừa giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên thất nghiệp ở quê. Quan trọng nhất, tôi thấy con rất say mê công việc con đã chọn. Nhìn con lúc nào cũng hạnh phúc, làm mẹ như tôi cũng hạnh phúc lây.
Bạn Võ Minh Tiến - Lớp 12 Trường THPT Trương Định, Tiền Giang:
Con đã không thích thì đừng ép
Trong đợt xét tuyển năm nay, những ngành, trường tôi chọn chủ yếu do tự quyết định. Tôi gần như không muốn cha mẹ can thiệp quá nhiều vào những lựa chọn của mình. Bởi thứ nhất, có thể cha mẹ cũng không nắm hết được những thông tin ngành nghề hiện nay. Thứ hai, nhiều lời khuyên của cha đưa ra dường như không hợp với tôi đến độ có vài lần cãi nhau.
Tôi nghĩ nếu cha mẹ muốn tham gia tư vấn nghề nghiệp cho con thì ngay từ đầu cấp III cha mẹ phải theo phù hợp với ngành nghề gì rồi đưa ra những ngành phù hợp cho con cái nghe thì tốt hơn là ép buộc theo ý muốn của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận