27/05/2011 08:41 GMT+7

Củng cố kiến thức trước ngày thi

Thầy Phạm Văn Hoan
Thầy Phạm Văn Hoan

TT - Bước vào cao điểm ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần củng cố những kiến thức cần thiết và ghi nhớ những kỹ năng cơ bản khi làm bài.

L5EZGdFl.jpgPhóng to
Giáo viên và học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) ôn bài môn văn trong buổi ôn thi cuối cùng chiều 26-5 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp - Ảnh: Như Hùng

Một số giáo viên nhiều kinh nghiệm chia sẻ với các bạn học sinh những kiến thức và kỹ năng này.

* Cô Nguyễn Kim Anh(giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Môn văn: lấy điểm ở những câu dễ

Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi văn thường có ba câu. Câu 1 yêu cầu tái hiện kiến thức. Trong nhiều năm qua, đây đều là câu kiểm tra khả năng ghi nhớ về lai lịch tác giả, hoàn cảnh sáng tác. Học sinh chỉ cần nhớ chính xác và viết ngắn gọn, đủ ý. Có năm, câu này được đổi mới cách hỏi hay hơn, nhưng những học sinh chỉ biết ghi nhớ máy móc, học vẹt đã bị lúng túng. Vì vậy các em cần bình tĩnh, đọc kỹ để hiểu yêu cầu của đề thi.

Câu 2 thuộc thể loại nghị luận xã hội. Cái dễ của câu này là học sinh không cần học thuộc lòng kiến thức trong sách giáo khoa, trong bài học ở lớp cũng có thể làm được, vì đây là câu hỏi mở. Tuy nhiên, học sinh phải nắm vững kỹ năng viết văn nghị luận xã hội. Thường đề thi sẽ đưa ra một nhận định, yêu cầu học sinh phải bình luận hoặc lý giải nhận định đó bằng sự hiểu biết của mình cùng những dẫn chứng thực tế sinh động mà các em biết.

Hơn 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD-ĐT cho biết đến ngày 26-5, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 1.053.081 thí sinh dự thi. Trong đó có 918.282 thí sinh hệ giáo dục THPT, 134.799 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Con số này có thể sẽ thay đổi đến sát ngày thi lệ thuộc vào số thí sinh tự do được bổ sung.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết kỳ thi năm nay có 1.292 cụm thi với gần 44.500 phòng thi. Lực lượng cán bộ giáo viên tham gia coi thi là 132.303 người, 22.860 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. Kỳ thi năm nay vẫn duy trì phương thức thi theo cụm và chấm chéo giữa các sở GD-ĐT.

Hai câu trên có thể coi là các câu để “gỡ điểm” của học sinh. Phần khó nhất sẽ tập trung ở câu hỏi cảm thụ tác phẩm văn học. Trong chương trình có 15 tác phẩm văn học mà học sinh cần ghi nhớ, bao gồm chín tác phẩm văn xuôi, sáu tác phẩm thơ. Thường đề thi yêu cầu chọn một trong hai phần. Trong đó sẽ có một câu hỏi về tác phẩm thơ, một câu hỏi về tác phẩm văn xuôi. Nếu yêu thích và “thuận tay” ở thể loại nào, các em nên xác định trước.

Khi làm bài, các em cần lưu ý việc phân bổ thời gian hợp lý vì viết văn dễ bị sa đà. Nếu viết quá lan man, mất thời gian ở một câu hỏi, các em sẽ không còn thời gian làm câu khác. Nếu chật vật quá với một câu, các em sẽ bị mất hứng để làm những câu khác. Kinh nghiệm cho thấy các em nên làm trước những câu mình nắm chắc và có hứng thú.

* Thầy Nguyễn Xuân Quý(giáo viên vật lý Trường THPT Việt Đức, Hà Nội):

Môn vật lý: nắm chắc kỹ năng trắc nghiệm

Môn vật lý thi theo hình thức trắc nghiệm nên học sinh khó chọn cách học tủ, đoán đề. Đến thời điểm này, hầu hết học sinh khá giỏi đều đã nắm vững kiến thức cơ bản. Với những học sinh còn lơ mơ, trong khoảng một tuần nữa, các em cần tập trung ôn thật chắc lý thuyết.

Theo kinh nghiệm từ nhiều năm, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có khoảng 40% số câu hỏi về lý thuyết. Nắm vững lý thuyết, các em cũng có thể giải quyết tốt những câu bài tập đơn giản. Như vậy, các em có thể đạt ít nhất 5-7 điểm.

Khi làm bài thi trắc nghiệm môn vật lý, các em nên đọc lướt một lượt, sau đó làm ngay những câu mà các em chắc chắn nhất, không cần làm theo thứ tự câu hỏi. Trong các câu trắc nghiệm sẽ có các câu mà các phương án trả lời ở dạng đối lập nhau, với các câu này dù không nắm chắc, khả năng có điểm là 50/50.

Ở một số câu, nếu không nắm vững kiến thức, học sinh phải biết kỹ năng loại trừ. Hoặc có một dạng câu hỏi khác mà chỉ cần lưu ý đến đơn vị được dẫn trong đó, học sinh cũng có thể hiểu câu nào sai, câu nào đúng mà không cần hiểu hết đáp án. Vì thế, ngoài việc ôn tập kiến thức, các em cần biết thêm những kỹ năng của trắc nghiệm để nâng số điểm bài thi.

* Thầy Phạm Văn Hoan (giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội):

Không nên máy móc

Đáp án chấm thi tốt nghiệp sẽ rất chi tiết, không bỏ sót những phần các em đã làm được. Vì vậy các em không nên máy móc làm theo bài, theo thứ tự mà phần nào nắm vững thì làm trước. Trong một bài có nhiều câu hỏi phụ, có câu chưa làm được thì bỏ cách dòng làm sau. Những câu hỏi đã chắc chắn, các em không cần nháp quá cẩn thận sẽ mất thời gian cho việc nghĩ các câu khác. Đối với các câu khó, nhiều em lực học không tốt sẽ dễ bị choáng, nhưng phần lớn các câu hỏi khó chỉ cần học sinh bình tĩnh, cố gắng tái tạo kiến thức, nhớ lại phương pháp làm bài mà thầy cô đã dạy là có thể tìm ra hướng đi.

Môn toán: chú ý kỹ năng tính toán

Đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu rơi vào kiến thức của chương trình - sách giáo khoa lớp 12. Một số mảng kiến thức có sự xuyên suốt từ lớp 10, lớp 11 bắt buộc học sinh phải nắm một cách có hệ thống. Nhưng không phải vì thế mà lo lắng mang lại sách lớp 10, 11 ra học vì mảng kiến thức có trong chương trình lớp 12 đã chạm đến kiến thức lớp dưới rồi. Chỉ cần bám sát sách giáo khoa toán lớp 12 là không lo bỏ sót kiến thức thi.

Trong tuần cuối cùng trước kỳ thi, tối kỵ việc học sinh lao theo các lớp luyện thi và ôm đồm quá nhiều loại sách tham khảo, luyện đề nâng cao... Với một tâm thế thoải mái nhất, các em hãy làm công việc là gạch đầu dòng tên các chủ đề, mảng việc (trong chương trình toán lớp 12), ghi vắn tắt hướng triển khai, phương pháp trình bày...). Nếu em nào không được thầy, cô giáo hướng dẫn thì có thể dựa vào mục lục trong sách giáo khoa toán lớp 12 để ghi lại các chủ đề, mảng việc như trên.

Đây là cách ghi nhớ lại kiến thức một cách hệ thống, cơ bản và vắn tắt nhất. Khi làm việc này, các em học sinh sẽ thấy phần nào mình đã nắm chắc, phần nào còn chưa chắc chắn. Nếu còn thời gian, các em có thể ôn bổ sung phần nắm chưa chắc. Như thế sẽ có hiệu quả hơn gặp đâu ôn đó.

Khi làm bài thi, một điều các em phải hết sức lưu ý là kỹ năng tính toán. Trong quá trình ôn tập cho các em, nhiều thầy cô giáo dạy toán đã nhận xét rất nhiều học sinh, trong đó có cả học sinh khá, mắc lỗi tính toán. Ví dụ khi giải bài toán khảo sát hàm số, nhiều em đã tính nhầm cực đại, cực tiểu. Cho dù hiểu câu hỏi và hướng triển khai nhưng nếu các em không thận trọng, nhầm lẫn trong tính toán thì cũng không được tính điểm.

Thầy Phạm Văn Hoan
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp