Làm thế nào để đảo ngược con số này? DN luôn mong có thêm cán bộ, thuế hải quan tận tình.
Chỉ 19% doanh nghiệp đánh giá cán bộ thuế, hải quan tận tình
Chiều 12-12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN chủ trì tổ chức Hội thảo công bố báo cáo kết quả chương trình giám sát thuế - hải quan năm 2015.
Thay mặt nhóm khảo sát Hiệp hội DN và liên minh hợp tác xã về thực hiện nghị quyết 19 trong lĩnh vực thuế và hải quan, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết có đa số thành viên hiệp hội cho biết khâu thành lập DN chuyển biến tích cực nhất, tiếp đến là thủ tục nộp thuế và thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đối với ngành thuế, có quá nửa các ý kiến được hỏi đều đánh giá ba thủ tục thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế vẫn còn gây nhiều phiền hà, trở ngại đối với DN, đứng đầu bảng là thủ tục thanh tra, kiểm tra thuế.
Còn đối với ngành hải quan thì thủ tục giải quyết khiếu nại, thủ tục thông quan và xử lý vi phạm hành chính gây khó khăn cho DN.
Cũng theo ông Tuấn, tình trạng DN phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều hiệp hội và liên minh hợp tác xã.
Tâm lý nhiều DN e ngại nếu không chi trả chi phí đen thì DN sẽ bị phân biệt đối xử như kéo dài thời gian, yêu cầu bổ sung giấy tờ không cần thiết, kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ.
Còn về tác phong phục vụ của cán bộ ngành thuế, hải quan, ông Tuấn cho hay ngành thuế thời gian qua được cộng đồng DN đánh giá khá tích cực, như giao tiếp đúng mực, lịch sự, tôn trọng DN. Như đối với ngành thuế, theo kết quả khảo sát, có 28% đánh giá tốt và rất tốt, 55% đánh giá khá.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh ngành thuế vẫn cần tiếp tục tăng cường chất lượng phục vụ của cán bộ công chức nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của người nộp thuế với cơ quan thuế.
Thực tế, chỉ 19% Hiệp hội DN và liên minh hợp tác xã đánh giá thái độ của công chức thuế tận tình, chu đáo.
Thời gian thông quan còn quá dài
Một trong những vấn đề được DN bức xúc trong nhiều năm qua là thời gian thông quan còn quá dài.
Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng chính sách về kiểm tra chuyên ngành đã và đang gây tốn kém thời gian và tiền bạc cho DN.
Để giảm thời gian thông quan, các bộ ngành phải thay đổi chính sách về kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở quản lý rủi ro.
Thực tế, chúng ta kiểm tra thực tế 35% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu, trong khi đó tỉ lệ này ở các nước chỉ 5-6%.
Đánh giá cao những cải cách chính sách của ngành thuế, hải quan, tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng những việc đằng sau khó hơn liên quan đến thái độ, động lực làm việc của công chức.
Ông Cung nói: “Khi trao đổi với DN, có DN đã nói thẳng rằng họ không sợ ông bộ trưởng mà sợ cán bộ trực tiếp đi thu thuế. Vì cán bộ đó nói DN sai thì là sai mà nói DN đúng thì là đúng. Chính vì vậy, chúng ta cần trực tiếp làm rõ những vấn đề này. Nếu như Chính phủ ban hành chính sách tốt nhưng thực hiện không tốt thì sẽ làm DN mất lòng tin”.
Về điều này, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cho rằng: “Chưa đầy 20% các DN đánh giá cán bộ thuế tận tình chu đáo. Như vậy, tỉ lệ còn lại mới hoàn thành phận sự của mình, thậm chí có thể gây nhũng nhiễu cho DN. Vậy làm thế nào để đảo ngược con số này. Khi trao đổi với DN, DN mong muốn cán bộ thuế, hải quan tận tình, chu đáo với DN chứ không phải lạnh lùng để thực hiện nhiệm vụ của mình” - ông Lộc nhấn mạnh.
Để công tác thủ tục hành chính thành công hơn nữa trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế VN, cho rằng cần đào tạo nghiệp vụ và văn hóa ứng xử cho cán bộ thuế và hải quan.
Cùng với đó, không chỉ cơ quan thuế, hải quan ở cấp tổng cục mà cả cấp cục, chi cục cũng cần phải tăng cường đối thoại với DN, lắng nghe ý kiến DN qua đó để rà soát văn bản hướng dẫn và giải quyết hằng quý chứ không phải hằng năm.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (thứ trưởng Bộ Tài chính):
Không thể để DN chấp hành tốt pháp luật mà bị thanh tra, kiểm tra thuế Kết quả cuộc giám sát này không chỉ đánh giá những mặt làm được mà còn chỉ ra những thách thức mà ngành và thuế hải quan cần phải làm trong năm 2016 trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, đối với lĩnh vực thuế, thách thức lớn nhất là công tác thanh tra, kiểm tra về thuế cần phải cải cách mạnh hơn nữa, tập trung vào đối tượng có nhiều rủi ro, không thể để DN chấp hành tốt pháp luật mà bị thanh tra, kiểm tra. Cùng với đó, công tác hoàn thuế làm sao cho nhanh, kịp thời để tạo điều kiện cho DN phát triển. Còn đối với ngành hải quan năm 2016 là phải giảm thời gian thông quan hàng hóa. Đối với việc kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, thời gian và đối tượng chưa phù hợp với thực tế, chưa thật sự khuyến khích DN xuất khẩu, chưa tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển. Đối tượng kiểm tra quá cao so với thông lệ quốc tế. Chi phí và thời gian kiểm tra quá lớn làm giá thành và sức cạnh tranh của nền kinh tế VN đối với hàng hóa xuất khẩu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận