Tại cuộc họp kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng TP.HCM tháng 4-2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM vẫn 'đỏ mắt' tìm dự án đầu tư tỉ đô - Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lại sốt ruột về điều hành kinh tế - xã hội khi "nhiều công trình chững lại; mấy năm qua không có dự án nào xây mới; chỉ đạo giữa các sở ngành rời rạc, không tạo được chuyển động...". Gọi đúng tên của tình trạng này là bệnh ì.
Cần nhắc lại chưa đầy 6 tháng, Thủ tướng và các bộ ngành hai lần làm việc, cùng TP.HCM tháo gỡ vướng mắc nhưng tình hình chưa chuyển động.
Sốt ruột là đương nhiên vì TP.HCM đang thực hiện nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù, người dân đòi hỏi cao hơn ở các cấp chính quyền từ vấn đề dân sinh đến phát triển.
2019 cũng là năm "nước rút" thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần X. Thật khó nói khi đã có cơ chế thoáng, yêu cầu cao, cán bộ công chức bắt đầu nhận thu nhập tăng thêm (năm 2019 là 1,2 lần) nhưng bệnh ì vẫn tồn tại.
Sòng phẳng ra, sau khi lãnh đạo TP.HCM phân cấp cho quận huyện, sở ngành, tình hình có chuyển biến, phục vụ người dân tốt hơn nhưng chỉ dừng ở lĩnh vực an ninh trật tự, cải cách hành chính.
Kinh tế TP.HCM vẫn phát triển, nhưng "chưa đã" với cả tiềm năng và kỳ vọng. Riêng lĩnh vực đầu tư phát triển góp phần duy trì tên tuổi của thành phố năng động, đầu tàu của cả nước, tạo công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống của người dân lại giẫm chân tại chỗ.
Sau những sự cố xảy ra ở một số ngành, với một số cán bộ, họ nhìn thấy những rủi ro có thể đến với mình do những tồn tại của pháp luật trong lĩnh vực mà họ phụ trách. Từ đó đã thui chột những tư duy linh hoạt, những sáng tạo nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thể chế để thúc đẩy thực hiện các dự án.
Loại trừ trường hợp vì lợi ích riêng, ranh giới giữa linh hoạt, tháo gỡ với làm sai rất mỏng manh. Trong khi đó, thành phố lại chưa tạo dựng cơ chế bảo vệ những sở ngành, cán bộ có tư duy linh hoạt, sáng tạo vì việc chung, dám khắc phục tồn tại của cơ chế, của pháp luật.
Thật ra, nếu TP.HCM có bảo vệ được người quyết liệt làm vì việc chung cũng chỉ là giải quyết phần ngọn. Nên rất khó để cả bộ máy sớm trở lại với tư duy sáng tạo, tinh thần dám làm vì việc chung.
Thực tế đang vướng nhiều thứ, từ Luật đầu tư công, Luật quy hoạch, Luật xây dựng, chính sách về đất đai, tài sản công... Nhiều quy định chưa đồng bộ, hiểu theo nhiều ý, người thừa hành rất khó làm. Do vậy, không sớm sửa từ thể chế, rất khó cho bộ máy chuyển động nhanh hơn.
Khắc phục sức ì, TP.HCM cần gỡ ở thể chế. Kỳ họp Quốc hội tới sẽ thông qua 7 dự án luật, trong đó sửa, bổ sung Luật đầu tư công.
Quốc hội cũng cho ý kiến 9 luật, bộ luật, trong đó sửa, bổ sung Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đó là hướng tháo gỡ nhưng cần thời gian, trong khi yêu cầu phát triển không cho phép chờ đợi, lỡ "chuyến đò".
Trước mắt cần cụ thể hóa ngay những kiến nghị mà TP.HCM đề đạt với Thủ tướng và các bộ ngành trong 2 buổi làm việc gần đây. Nên áp dụng cơ chế nếu sau 30 ngày các bộ ngành không trả lời, TP.HCM được áp dụng các đề xuất.
Chỉ có gỡ từ việc nhỏ, dần chuyển động được việc lớn, mới nhen nhóm và làm sống lại tư duy dám làm vì việc chung. Không để bệnh ì lan rộng, nếu trở thành mãn tính, thiệt hại không chỉ cho TP.HCM mà là cho cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận