14/05/2021 07:15 GMT+7

Cụm từ 'ổ dịch': Hoàn toàn phù hợp với tập quán sử dụng từ ngữ tiếng Việt

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
ĐỖ THÀNH DƯƠNG

TTO - Trong thời gian đại dịch COVID-19 lần lượt bùng phát nhiều đợt ở các nước trên thế giới cũng như trong nước, có một từ ngữ được sử dụng với tần suất cao là từ 'ổ dịch'. Cách dùng từ này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận thú vị.

Cụm từ ổ dịch: Hoàn toàn phù hợp với tập quán sử dụng từ ngữ tiếng Việt - Ảnh 1.

Từ "ổ dịch" được dùng nhiều theo cách gọi của ngành y tế

Khá nhiều tiêu đề báo chí cũng sử dụng từ "ổ dịch" - theo cách nói của các nhân viên y tế hay lãnh đạo địa phương:

- "Xuất hiện các ổ dịch mới ở địa phương"

- "7 ổ dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ở những đâu?"

- "Bắc Giang giãn cách xã hội 3 huyện liên quan ổ dịch Công ty Shin Young"

Danh từ "ổ": Hai nét nghĩa

Từ đơn "ổ" vốn là một danh từ nhiều nghĩa, với nét nghĩa được sử dụng phổ biến nhất là chỉ "chỗ có lót và quây rơm rác để nằm hay để đẻ, thường là của một số loài vật", ví dụ như dùng trong các trường hợp: Ổ rơm. Lót ổ. Gà nhảy ổ.

Thuộc phạm vi nét nghĩa này, có một ngữ liệu khá quen thuộc là bài thơ "Hơi ấm ổ rơm" của nhà thơ Nguyễn Duy, mà các thế hệ học sinh được học trong chương trình THCS với câu thơ: "Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm/ Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm...".

Nét nghĩa thứ hai trong từ "ổ" là chỉ "đàn động vật con mới sinh trong cùng một ổ", ví dụ như "gà cùng một ổ" (lứa gà ấp), "ổ chó có bốn con".

Về nét nghĩa này, hẳn chúng ta dễ liên tưởng ngay đến một tình tiết đau lòng trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, là cảnh chị Dậu đành dứt ruột bán đứa con gái đầu lòng cùng ổ chó để đủ tiền đóng sưu cho chồng.

Theo các từ điển tiếng Việt, ngoài 2 nét nghĩa phổ dụng trên, nội hàm danh từ "ổ" còn ít nhất là 4 nét nghĩa khác, lần lượt như sau:

(a). Nơi tụ tập, ẩn náu của bọn gian phi; cũng dùng để chỉ nhóm gian phi có tổ chức. Ví dụ: Tóm gọn ổ cướp, Ổ buôn lậu, Truy tận ổ.

(b). Nơi tập trung chứa đựng nguồn gốc bệnh tật. Ví dụ: Ổ vi trùng, Dập tắt nhiều ổ dịch bệnh.

(c). Nơi được bố trí tập trung lực lượng chiến đấu đánh địch. Ví dụ: Ổ chiến đấu, Lọt vào ổ phục kích.

(d). Danh từ chỉ đơn vị, là phương ngữ Trung Bộ - Nam Bộ, đồng nghĩa với từ phổ thông "chiếc, cái". Ví dụ: Ổ bánh mì, Ổ bánh bông lan.

Cụm từ ổ dịch: Hoàn toàn phù hợp với tập quán sử dụng từ ngữ tiếng Việt - Ảnh 2.

Một hàng bánh mì đậm chất Việt Nam - Ảnh: SCMP

Ngoài ra, từ tố "ổ" còn có mặt trong một số từ ghép/tổ hợp từ khác với tư cách đồng âm với từ đơn "ổ" ở trên: ổ bi (vòng bi), ổ cắm (điện), (khu nhà) ổ chuột, ổ đề kháng (chiến đấu), ổ gà, ổ voi (trên đường đi), ổ khóa, ổ trục (quay), thôn ổ (từ cổ, chỉ làng xóm)...

Như vậy, các tác giả sử dụng từ "ổ dịch" trong các tiêu đề báo chí kia là theo nét nghĩa (b) đã dẫn trên, dù ít nhiều có gợi liên tưởng (không chủ ý, ngoài mong muốn) đến các nghĩa biểu thái "súc vật, coi thường, dơ bẩn".

Nhưng nghĩa biểu vật, nghĩa sở chỉ của nó chủ yếu, phổ quát là chỉ địa điểm, nơi chốn "nơi tập trung chứa đựng nguồn gốc bệnh tật" - chứ không hề nhằm chỉ người, bệnh nhân - hoàn toàn phù hợp với tập quán sử dụng từ ngữ tiếng Việt - xét từ góc nhìn lịch đại.

Như vậy, dùng từ ổ dịch cũng như vùng dịch, điểm dịch... suy cho cùng - tựu trung lại đều nhằm chỉ nơi chốn, địa điểm "chứa đựng nguồn gốc bệnh dịch" mà thôi.

Giản lược từ ngữ là hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ

Trong bài viết, các tác giả thỉnh thoảng có sử dụng các tổ hợp ổ dịch Đà Nẵng/ổ dịch Hà Nội... Thực ra đây là hiện tượng giản lược (hay "rút gọn") từ ngữ, là hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ, không chỉ có trong tiếng Việt; cũng là một yêu cầu trong giao tiếp, nhằm giảm bớt lượng ngôn từ, giúp việc diễn đạt gọn lại nhưng vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa, làm cho người nghe vẫn hiểu đúng lời của người nói, đạt hiệu quả cao trong giao tiếp.

Kiểu giản lược từ ngữ quen thuộc, trong đó người viết tùy theo ngữ cảnh, mục đích phát ngôn mà có thể lược bỏ hợp lý những từ ngữ/thành phần của câu, miễn sao thông tin giao tiếp được chuyển đổi đến người nghe không bị thay đổi, hiểu sai lạc là được.

Ở dạng đầy đủ và cụ thể thì tổ hợp rút gọn trên phải viết rõ là ổ dịch ở công ty X, huyện Y tại thủ đô Hà Nội/ổ dịch ở xã A, thuộc huyện B tại thành phố Đà Nẵng. 

Tuy nhiên trong ngữ cảnh cụ thể, trước đó bài viết đã nêu rõ địa điểm, nơi chốn diễn ra dịch bệnh là công ty X, huyện Y/xã A, huyện B thì ở phần sau bài viết, để tránh lặp lại nhàm chán, tác giả có thể rút gọn lại như trên cũng không gây nhầm lẫn gì đối với người đọc, người nghe trong khâu tiếp nhận.

Trong thực tế cuộc sống, kiểu nói giản lược vẫn xuất hiện nhiều trong giao tiếp, dần ổn định và được chấp nhận, gia nhập một cách tự nhiên vào từ vựng nước nhà, như hủ tiếu Nam Vang, sân bay Cam Ranh, bến xe Đà Nẵng, nho Mỹ, vịt Xiêm, dép Lào, lẩu Thái...

Ổ dịch Công ty Shin Young: Tỉnh Bắc Giang giao công an điều tra trách nhiệm Ổ dịch Công ty Shin Young: Tỉnh Bắc Giang giao công an điều tra trách nhiệm

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao Công an tỉnh làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng từ ổ dịch tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp