Nhiều học sinh một trường tiểu học ở quận 10 (TP.HCM) mới đây bị bệnh với cùng triệu chứng sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói. Có nhiều em sốt đến 39 độ C. Xét nghiệm ngẫu nhiên 6 em thì cả 6 dương tính cúm A/H1N1.
Cúm này lây nhiễm như thế nào? Có nguy hiểm không, làm sao phòng tránh?
Cúm A/H1N1 lây nhanh, tồn tại lâu ngoài môi trường
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp thuộc dạng cúm mùa, do chủng cúm A/H1N1 gây ra.
Đây là loại vi rút có tốc độ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh từ 12-48 tiếng, chu kỳ tái sinh từ 4-6 tiếng có thể hình thành vi rút mới và tiếp tục nhân lên.
Cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống trong hai ngày (từ 24 - 48 giờ) trên các bề mặt như: bàn, ghế, tủ, nhất là mặt inox… Trên quần áo có thể tồn tại từ 8-12 giờ.
Bên cạnh đó, chúng có thể sống đến bốn ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và vài tuần nếu ở nhiệt độ từ 0 - 4 độ C. Do vậy, ở các hồ bơi công cộng có thể tạo điều kiện cho cúm A/H1N1 hoạt động mạnh và dễ gây bệnh cho người.
Con người bị lây cúm A/H1N1 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc chạm tay vào đồ vật có vi rút cúm A/H1N1 bám sau đó đưa tay trực tiếp lên mũi, miệng…
Ngoài ra, cúm A/H1N1 còn có thể lây qua đường tiếp xúc giọt bắn nếu hít phải không khí có chứa dịch tiết của người bệnh khi ho, sổ mũi, hắt hơi…
Người nhiễm cúm A/H1N1 thường có các triệu chứng như cúm bình thường, như: sốt cao, ho, sổ mũi, nhức đầu, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…
Có khả năng gây biến chứng nặng
Thông thường người mắc cúm A/H1N1 sẽ tự khỏi trong vòng chưa đến một tuần, trẻ em sẽ khỏi từ 3-5 ngày.
"Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ từ 0,1-1% người mắc cúm A/H1N1 bị biến chứng nặng như: trẻ em sinh non, người già, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền đái tháo đường, tim mạch, bệnh về máu, bệnh gan, thận…”, bác sĩ Tiến cho hay.
Các biến chứng nguy hiểm của cúm A/H1N1 có thể kể đến như: suy hô hấp, tổn thương não, tổn thương thận, viêm cơ tim... Trong một số trường hợp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công vào tế bào phổi gây viêm phổi, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Về điều trị, những trẻ mắc cúm A/H1N1 nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc theo triệu chứng, thuốc hạ sốt, thuốc ho thảo dược, rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý, uống vitamin C tăng sức đề kháng, chia nhỏ bữa ăn, theo sát dõi triệu chứng…
Đối với những ca bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng, cần sớm nhập viện để được các bác sĩ điều trị.
Cách phòng ngừa cúm A/H1N1
Để phòng ngừa cúm A/H1N1, người dân, trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ, cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên, uống vitamin A (trẻ em)...
Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi. Chủ động đến các cơ sở y tế khi có những triệu chứng đau ngực, khó thở…
Đặc biệt, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng cúm đúng lịch. Chủng vi rút cúm A/H1N1 sẽ biến đổi theo các năm, do đó phụ huynh cần tiêm nhắc lại mỗi năm cho trẻ.
Đối với những trẻ lớn nên tránh thức khuya, ăn uống đủ chất, tập thể dục thể thao…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận