Cúm A/H1N1 đang có nguy cơ lan rộng. Sau Bệnh viện Từ Dũ có ổ dịch cúm A/H1N1 với 28 người mắc, nay lại có thêm ổ bệnh với 12 ca mắc cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó một bệnh nhân tử vong. Trước đó, một phụ nữ 26 tuổi, ngụ ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) cũng bị tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.
Nguy hiểm cho bệnh nhân có bệnh khác
Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, tại khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện này có 8 bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 đang nằm điều trị, trong đó có 5 bệnh nhân nặng bị suy hô hấp, phải thở máy, trong số này có 2 bệnh nhân có tiên lượng xấu.
Theo các bác sĩ, có những bệnh nhân đã trải qua 7 ngày mắc bệnh cúm A/H1N1, nhưng do trước đó đã mắc các bệnh mãn tính khác như suy thận mãn, lupus... nên bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, chưa thể rút máy thở.
Từ ngày 11-6 đến 24-6, Bệnh viện Chợ Rẫy xuất hiện một chùm ca bệnh cúm A/H1N1 với 12 bệnh nhân được xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) xác định dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong. Ngoài ra, còn có thêm một số bệnh nhân có triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 nhưng không bị tổn thương phổi nên không cần xét nghiệm và được điều trị như một bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. Một nhân viên của bệnh viện cũng có triệu chứng của bệnh, đã được cho nghỉ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh.
Trước diễn biến tình hình xảy ra phức tạp, có nhiều nguy cơ lây lan, Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai công tác phòng chống dịch dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng nhằm phát hiện sớm cách ly, điều trị và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã làm việc với Viện Pasteur về công tác theo dõi dịch, thực hiện cách ly những ca nghi ngờ, tăng cường công tác nhiễm khuẩn tại những ca có bệnh nhân đang theo dõi, thực hiện chích ngừa cúm cho những khoa có nhân viên có nguy cơ cao nhiễm cúm...
Tổ chức cách ly
Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, từ trước đến nay chưa từng xảy ra những ổ dịch cúm A/H1N1 như vậy trong bệnh viện.
Tại các khu vực tiếp nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các phòng khám của bệnh viện nếu thấy nghi ngờ các trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm cúm.
Khi khám và nghi ngờ ca bệnh truyền nhiễm cúm phải bố trí người hướng dẫn hoặc trợ giúp đưa người bệnh đến phòng cách ly (tại khoa cấp cứu), mời hội chẩn khoa bệnh nhiệt đới và các chuyên khoa liên quan, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, chuyển bệnh nhân theo quy trình tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm. Khuyến cáo người bệnh, người nhà người bệnh sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân phù hợp theo đường lây của bệnh.
Tại khoa bệnh nhiệt đới, tổ chức khu vực cách ly, sẵn sàng tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm theo quy định cần điều trị nội trú. Chủ động chuẩn bị giường bệnh, có kế hoạch duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch bệnh truyền nhiễm cúm.
Các bệnh nhân nghi ngờ hoặc có thể đều phải được khám, làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh, bệnh nhân xác định bệnh phải cách ly hoàn toàn.
Giám sát sức khỏe tất cả nhân viên y tế trong khoa, khi có biểu hiện mắc cúm như: sốt, ho, viêm đường hô hấp, đau nhức cơ... thì cần báo cáo phòng y tế bệnh viện, từ đó được hướng dẫn tự cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Nguy cơ mắc cúm ở người có bệnh cảnh nền
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-6 về các chùm ca bệnh cúm ở TP.HCM gần đây, trong đó có hai ca tử vong, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay hai bệnh nhân mắc cúm và tử vong vừa qua đều là người bệnh đã có bệnh cảnh nền như suy thận, tiểu đường, những người đang mắc các bệnh mãn tính khi mắc cúm thì tình trạng nặng hơn bệnh nhân thông thường và nguy cơ tử vong nếu mắc cúm cũng cao hơn.
Theo ông Phu, chủng cúm gây bệnh cho các chùm bệnh nhân gần đây là cúm A/H1N1 xuất hiện lần đầu năm 2009 và hiện đã trở thành chủng cúm lưu hành. Trước tình hình liên tiếp xuất hiện các chùm bệnh nhân cúm, ông Phu cho rằng dịch mới lây lan nhiều trong nhóm bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện, chưa lây lan ra cộng đồng.
Nhân viên y tế phải phòng cúm A/H1N1
Thực hiện việc tiêm phòng bệnh cúm cho nhân viên y tế. Tại khoa nội thận (nơi xuất hiện 8 bệnh nhân cúm A/H1N1) thành lập khu cách ly nghiêm ngặt đối với bệnh nhân và người chăm sóc đã phơi nhiễm với bệnh nhân cúm trong những ngày qua, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa (rửa tay, mang khẩu trang, bảo đảm khoảng cách lây cho bệnh nhân).
Tăng cường truyền thông về biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm trong toàn bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận