27/11/2022 10:50 GMT+7

Cục Xuất nhập khẩu: Phải quản lý chặt việc xuất nhập khẩu gạo

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Để ngành sản xuất lúa gạo phát triển bền vững trong xuất khẩu cũng như ổn định ngay tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành "nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo và nhập khẩu gạo".

Cục Xuất nhập khẩu: Phải quản lý chặt việc xuất nhập khẩu gạo - Ảnh 1.

Công nhân đưa gạo lên tàu xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản cho rằng mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 song với những giải pháp điều hành thời gian qua đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, nâng cao vị thế, uy tín của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, mặc dù lượng gạo xuất khẩu có xu hướng giảm nhẹ nhưng kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng do giá xuất khẩu bình quân tăng. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu bình quân tám tháng năm 2022 khoảng 486 USD/tấn, tăng 10% so với năm 2019.

Tuy vậy, cũng có những bộc lộ phát sinh, yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh. Đó là việc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định về số liệu thống kê...

Cục Xuất nhập khẩu: Phải quản lý chặt việc xuất nhập khẩu gạo - Ảnh 2.

Ông Trần Quốc Toản - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

* Ông có nêu về việc nhập khẩu gạo trong thời gian vừa qua và dự thảo sửa đổi nghị định đặt ra vấn đề phải quản lý hoạt động này. Vậy lý do là gì, thưa ông?

- Chúng ta biết rằng Việt Nam là nước nông nghiệp chủ yếu sản xuất lúa gạo với sản lượng tương đối dồi dào, vừa đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu với khoảng 6 - 6,5 triệu tấn.

Trước đây khi ban hành nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh vì phù hợp với thực tế thời điểm đó.

Tuy nhiên, trước tác động của nhiều yếu tố, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước.

Chúng tôi cho rằng việc xuất khẩu, nhập khẩu gạo trong nền kinh tế thị trường, với giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra cũng là tất yếu.

Năm 2021, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. Riêng lượng gạo nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ là 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước).

Chúng tôi đã phân tích chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia rượu...

Chúng tôi cho rằng việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với việc tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước như sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh...

Điều này vô hình trung sẽ tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, đặc biệt là sản xuất lúa gạo của Việt Nam, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Cục Xuất nhập khẩu: Phải quản lý chặt việc xuất nhập khẩu gạo - Ảnh 3.

Gạo ST được giới thiệu cho khách tại một hội nghị về nông nghiệp ở Kiên Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Vậy trong dự thảo Bộ Công Thương đã sửa đổi, bổ sung quy định thế nào để quản lý hiệu quả hơn hoạt động này?

- Tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 107/2018, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ để xây dựng các quy định liên quan.

Đó là trong trường hợp khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công Thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.

Nếu xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.

Cùng với việc bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo thì tên gọi nghị định này sẽ được sửa đổi thành "nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo và nhập khẩu gạo" để phù hợp với nội dung dự thảo.

* Việc điều hành xuất khẩu gạo được đánh giá là đạt kết quả tích cực, nhưng hoạt động xúc tiến thương mại cho mặt hàng này vẫn chưa xứng tầm khiến thương hiệu gạo Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Vậy trong sửa đổi nghị định lần này, Bộ Công Thương sẽ có chính sách thế nào?

- Thời gian qua, nhiều chương trình xúc tiến thương mại đặc thù đối với mặt hàng gạo tại một số quốc gia đã được triển khai và đạt kết quả tích cực. Đó là giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá giới thiệu sản phẩm, giúp thay đổi nhìn nhận của các nước đối với sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Chúng ta không chỉ là nước xuất khẩu có thế mạnh về dòng sản phẩm cấp trung bình và thấp như trước mà còn thế mạnh về phân khúc gạo cao cấp. Việt Nam là đối thủ cạnh tranh với gạo Thái Lan trong phân khúc gạo này...

Thực tế chứng minh, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi theo chiều tích cực, xuất khẩu chủng loại gạo cao cấp chiếm hơn 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, do vướng mắc trong cơ chế triển khai thực hiện chương trình xúc tiến thương mại mặt hàng gạo nên chương trình xúc tiến thương mại đặc thù đối với mặt hàng gạo chưa được triển khai thực hiện.

Đó là việc triển khai chương trình vướng mắc ở một số quy định, như phải chuẩn bị hồ sơ đề xuất, được hội đồng thẩm định phê duyệt, đối tượng hỗ trợ chỉ là doanh nghiệp...

Trong khi thị trường thương mại gạo cũng có những đặc thù riêng như bị phụ thuộc vào cơ chế chính sách nhập khẩu gạo của một số nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc. Tình hình thị trường biến động nhanh, khó lường theo từng thời điểm.

Các rào cản kỹ thuật thương mại để bảo hộ nền nông nghiệp như Trung Quốc, cũng như cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ. Do vậy, cần linh hoạt triển khai các chương trình xúc tiến đối với mặt hàng gạo, cạnh tranh với các đối thủ.

Trước những hạn chế đó, dự thảo đã đề xuất xây dựng cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại gạo, bổ sung nội dung là Bộ Công Thương ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về quy chế riêng để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo.

Hoạt động này sẽ nằm ngoài chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, để đảm bảo theo hướng có sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị gạo.

Những điểm mới trong dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 107 về xuất khẩu gạo và nhập khẩu gạo

Dự thảo mới sẽ bổ sung tên gọi, phạm vi điều chỉnh, quy định về quản lý nhập khẩu, chế tài đối với thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo, xúc tiến thương mại.

Dự thảo cũng bổ sung phạm vi quản lý là nhập khẩu lúa gạo cùng với hoạt động xuất khẩu; bổ sung quy định ủy thác xuất khẩu lúa gạo.

Các quy định về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cũng như chế tài thu hồi giấy chứng nhận đối với trường hợp thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo.

Đi kèm với đó sẽ tăng thêm trách nhiệm của Tổng cục Hải quan về thống kê hợp đồng, việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu gạo cũng như trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Sửa nghị định để quản lý nhập khẩu gạo Sửa nghị định để quản lý nhập khẩu gạo

TTO - Trước lượng nhập khẩu gạo lên tới gần 1 triệu tấn vào năm ngoái, Bộ Công Thương đã đề xuất siết quản lý nhập khẩu mặt hàng này vì nguy cơ ảnh hưởng tới nông dân trồng lúa và an ninh lương thực.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp