Cục Thuế TP.HCM cho biết tính đến hết ngày 31-10, Cục Thuế đã ban hành 857 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), tương ứng với số tiền thuế VAT đã hoàn là 5.458 tỉ đồng.
So với số thuế VAT ước hoàn năm 2023 là 6.765 tỉ đồng, thì số thuế mà Cục Thuế TP.HCM đã hoàn bằng 80,75% chỉ tiêu.
Tính riêng trong tháng 10, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành 117 quyết định hoàn thuế, tương ứng với số tiền thuế hoàn là 806 tỉ đồng.
Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác hoàn thuế VAT. Song song đó sẽ rà soát những hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng, kịp thời báo cáo Tổng cục Thuế về những khó khăn, vướng vắc trong quá trình thực hiện.
Việc này nhằm đảm bảo việc hoàn thuế VAT kịp thời và đúng quy định giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để tái sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hoàn thuế VAT là câu chuyện nhức nhối gần hai năm qua. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Sắn… đã nhiều lần gửi văn bản lên cơ quan quản lý mong được tháo gỡ.
Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ.
Sau đó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có công điện thúc đẩy giải quyết tình trạng ách tắc hoàn thuế VAT. Trong đó nhấn mạnh với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT mà cơ quan thuế đã kết thúc kiểm tra, xác định đủ điều kiện hoàn thì phải thực hiện giải quyết hoàn thuế ngay.
Thế nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết mới chỉ được giải quyết hoàn một phần trong tổng số hàng chục kỳ hoàn thuế VAT.
Nhiều doanh nghiệp ví von rằng việc bị chậm hoàn thuế VAT như là cục máu đông trong cơ thể, khiến doanh nghiệp không thể hoạt động được nữa.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nguyên nhân dẫn đến ách tắc hoàn thuế bắt nguồn từ công văn 633 về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế VAT phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng.
Trên thực tế, mười năm trước Bộ Tài chính đã từng ban hành quy định này nhưng không thể thực hiện được nên buộc phải sửa bằng công văn 13706.
Theo đó, quy định cơ quan thuế chỉ xác minh với doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện hoàn thuế và việc kiểm tra xác minh các chứng từ này chỉ thực hiện trong thời gian 40 ngày. Ách tắc trong hoàn thuế VAT vì thế được tháo gỡ. Còn hiện nay quy định xác minh từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng khiến cho việc hoàn thuế VAT bị kéo dài.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cơ quan thuế cho biết thời gian qua đã phát hiện và xử lý đối với một số vụ việc lợi dụng để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.
Thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian mua bán hàng hóa. Một số doanh nghiệp trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp xuất khẩu thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn.
Từ tình hình trên, nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế VAT, tránh thất thoát quỹ hoàn thuế của Nhà nước, đối với một số trường hợp, trong quá trình xác minh, cơ quan thuế phải phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để làm rõ tính hợp pháp của hồ sơ hoàn thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận