Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, triển lãm sắp đặt Cực quang Aurora - Ánh sáng từ phương Nam của hai nghệ sĩ đến từ TP.HCM Nguyễn Duy Nhựt và Phạm Khiết Tường được dành cho một không gian đặc biệt: vườn hoa trước quảng trường Cách Mạng Tháng Tám bên cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội.
Triển lãm đang thu hút đông đảo người xem nhờ cách tiếp cận gần gũi với người xem, lẫn những thông điệp rất ý nghĩa.
Lấy chủ đề là "cực quang" - một hiện tượng thiên nhiên vừa mạnh mẽ vừa mong manh, những nghệ sĩ muốn nhắn nhủ tới người xem về vẻ đẹp lẫn sự mong manh của đời sống con người.
Nhờ ánh sáng soi tỏ
Chỉ bằng những vật liệu thông thường trong xây dựng như sắt thép, gạch, bê tông, nhựa tái chế, kính… với sức sáng tạo rộng lớn, hai nghệ sĩ đã kiến tạo những tác phẩm rất độc đáo, vừa ăn nhập được với không gian sẵn có của vườn hoa, vừa truyền tải được ý đồ của nghệ sĩ.
Trong không gian vườn hoa rất thách thức để sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là chỗ bông hồng bê tông ở vị trí trung tâm của vườn hoa này, nhưng hai nghệ sĩ đã khá thành công trong việc sáng tạo và tương tác với không gian ở đây.
Các tác phẩm nghệ thuật từ Nguồn sống, Người bảo vệ, Đất, Thế giới song song, Mây ngũ sắc, Phố kể cho người xem câu chuyện về sự sống trên mặt đất này đặt trong một vũ trụ đầy bí ẩn.
Và một trong những bí ẩn của thiên nhiên chính là ánh sáng. Tất cả các tác phẩm trong triển lãm Cực quang Aurora đều được sáng tạo để tương tác với ánh sáng, từ ánh sáng đèn vào buổi đêm lẫn ánh sáng mặt trời vào ban ngày.
Vào ban đêm các tác phẩm đạt hiệu quả thị giác lớn hơn khi những bối cảnh lặn vào bóng tối làm nền cho tác phẩm được chiếu sáng với sự tính toán công phu.
Ý đồ của Nguyễn Duy Nhựt và Phạm Khiết Tường là mang đến cho công chúng một hành trình khám phá vẻ đẹp huyền bí của ánh sáng và những giá trị tinh thần sâu sắc mà nó tượng trưng như sự thức tỉnh.
Với Nguyễn Công Nhựt, ánh sáng là công cụ nghệ thuật tuyệt vời để anh kể câu chuyện về sự thức tỉnh của con người trước mẹ thiên nhiên.
Nguyễn Công Nhựt muốn ánh sáng ấy sẽ là ngọn đuốc soi sáng hành trình tìm lại lòng biết ơn và nhận thức sâu sắc về sự gắn kết mật thiết giữa con người và thiên nhiên cho người xem.
Các tác phẩm sắp đặt của anh với đa dạng những chất liệu khác nhau, kết hợp cùng nghệ thuật ánh sáng, là một lời mời gọi để chúng ta tái kết nối với thiên nhiên, với dòng chảy bất tận của sự sống.
"Chúng ta hít thở từ thiên nhiên, khai thác tài nguyên từ mặt đất để sinh tồn và phát triển. Nhưng dường như trên hành trình ấy, con người đã lãng quên những giá trị cốt lõi của nguồn sống…", nghệ sĩ Nguyễn Công Nhựt nói.
Anh muốn các tác phẩm của mình không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên mà còn khơi gợi khát vọng hòa bình, sự tôn kính với mẹ thiên nhiên và kêu gọi sự hợp tác bền vững giữa con người và môi trường.
Những hạnh phúc giản dị trên mặt đất
Nếu như Nguyễn Công Nhựt theo đuổi vẻ đẹp của thiên nhiên rộng lớn, từ lòng đất bao la và bí hiểm đến nguồn sống từ vũ trụ, người bảo vệ thiên nhiên, những áng mây ngũ sắc trên trời hay những thế giới song song, Phạm Khiết Tường thích ngắm nhìn vẻ đẹp của con người trên mặt đất.
Trong tác phẩm Phố, anh sắp đặt bức tường kính nhiều màu sắc để trên đó anh bày những khung hình anh đã chụp nhịp sống đời thường ở Hà Nội.
Ở những bức hình của Phạm Khiết Tường, người xem được khám phá một Hà Nội vừa mới lạ trong mắt một du khách, vừa thân quen vô cùng trong mắt một người con phương Nam có nhiều duyên gắn bó với Hà Nội.
Trên tất cả, người xem cảm được ở tác phẩm của Phạm Khiết Tường những hạnh phúc đời thường giản dị mà thường ngày ta có thể không nhận ra.
Anh bảo, qua những trải nghiệm và những lần gặp gỡ trên hành trình sáng tạo, anh nhận ra hạnh phúc không phụ thuộc vào sự đầy đủ vật chất mà là ở khả năng biết ơn và tận hưởng những gì ta đang có.
Cho nên, những mặt người Hà Nội trong những bức hình của Phạm Khiết Tường, dù họ đang lúc vất vả mưu sinh trên đường phố, đều lấp lánh niềm hạnh phúc thầm kín.
Bằng tác phẩm của mình, anh nhắn nhủ mọi người biết nhận ra những hạnh phúc bé nhỏ luôn có đầy trên mặt đất, trong đời sống tưởng như nhiều hỗn loạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận