04/10/2019 08:46 GMT+7

Cục Quản lý Dược: Cấp 2 cặp thuốc cùng tên cho 2 công ty

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Từ năm 2011 đến 2014, trên 100 bệnh viện thuộc 36 tỉnh, thành đã chấm trúng thầu 4 loại thuốc có vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa ghi thuốc do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, VN Pharma nhập khẩu.

Cục Quản lý Dược: Cấp 2 cặp thuốc cùng tên cho 2 công ty - Ảnh 1.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án tại phiên tòa xử VN Pharma chiều 1-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội ngày 3-10 cho biết như trên.

Bốn loại thuốc này đã bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) yêu cầu ngưng nhập khẩu từ cuối năm 2014. 

Nhưng điều bất ngờ, khi xem xét lại 4 thuốc này, 2 thuốc có tên hoàn toàn trùng với 2 thuốc khác do Công ty "ma" Helix Canada sản xuất, Công ty VN Pharma nhập khẩu (tháng 9-2014, Cục Quản lý dược cũng đã rút số đăng ký 7 thuốc của Helix, trong đó có 2 loại thuốc này). 

Việc cấp số đăng ký cho 2 thuốc cùng tên là vi phạm thông tư 22-2009 và cũng thể hiện một sự "ưu ái" cho VN Pharma.

Lạ lùng 2 cặp thuốc cùng tên

Theo thông tin từ cơ quan bảo hiểm, 4 loại kháng sinh do Health 2000 sản xuất, VN Pharma nhập khẩu nói trên gồm thuốc H2K Ciprofloxacin Infusion 200mg/100ml (số đăng ký VN-11531-10), thuốc H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml (số đăng ký VN-11532-10), thuốc Kaderox-250 và thuốc Kafotax-1000.

Trong thời gian từ năm 2011-2014, tổng số tiền 4 loại thuốc này trúng thầu vào bệnh viện là 55 tỉ đồng. Trong đó, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả trên 52 tỉ đồng tiền thuốc, số còn lại do người bệnh tự chi trả.

Tuy nhiên, qua xem xét danh sách 7 thuốc do Helix Canada sản xuất, VN Pharma nhập khẩu mà Cục Quản lý dược có quyết định rút số đăng ký ngày

19-9-2014, lại thấy tên 2 thuốc H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml (số đăng ký VN-17877-14) và H2K Levofloxacin 500mg/100m (số đăng ký VN 17880-14).

Chiếu theo quy định trong thông tư 22-2009, visa thuốc có thời hạn 5 năm, nhưng ở đây là khoảng 4 năm Cục Quản lý dược lại cấp 2 tên thuốc trùng với 2 tên thuốc đang lưu hành, vi phạm yêu cầu không cấp trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp số đăng ký của cơ sở khác.

Ở đây có 2 cặp thuốc cùng tên của 2 nhà sản xuất, do cùng Công ty VN Pharma nhập khẩu. Việc cấp trùng tên có thể vô hình trung tạo một lợi thế đáng kể cho VN Pharma: khi có tên thuốc mới thì được kê khai giá mới, chưa kể những lợi thế có thể có khi tham gia đấu thầu.

Health 2000: còn thuốc chưa bị "lộ"

Qua khảo sát danh mục thuốc do Health 2000 sản xuất và VN Pharma nhập khẩu, chúng tôi còn thấy có thêm 3 thuốc chưa có tên trong danh sách trúng thầu vào bệnh viện mà bảo hiểm y tế đã rà soát. Số này bao gồm thuốc Vipanzon 40mg, MGP Moxinase 625 và MGP Axinex 1000. Các thuốc này có được nhập khẩu vào VN, như MGP Moxinase 625 có lô hàng vào VN ngày 5-6-2011 trị giá gần 35.000 USD, thuốc MGP Axinex 1000 có lô hàng ngày 1-3-2012 trị giá trên 157.000 USD...

Kiểm tra kết quả đấu thầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh năm 2012, MGP Axinex 1000 trúng thầu vào Bệnh viện K lô hàng 244 triệu đồng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (trúng thầu lô 420 triệu đồng), Bệnh viện Nhi T.Ư (chưa rõ số tiền)..., giá trúng thầu tùy bệnh viện, dao động 61.000-76.000 đồng/lọ. Các thuốc Vipanzol và MGP Moxinase 625 cũng trúng thầu vào nhiều bệnh viện T.Ư và địa phương. 

Tuy nhiên, số tổng hợp cuối chưa được đưa vào danh sách 55 tỉ đồng của cơ quan bảo hiểm. Hiện cơ quan bảo hiểm đang khoanh số tiền thuốc này, chưa yêu cầu thu hồi.

Dù vậy, việc cơ quan quản lý có nhiều ưu ái khó hiểu cho VN Pharma, thuốc có nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ đã vào đến bệnh viện số lượng lớn, cần khẩn thiết yêu cầu làm rõ nguồn gốc thuốc này ở đâu, ai chịu trách nhiệm nếu đây lại là một vụ "hồn Trương Ba, da hàng thịt" như thuốc Helix mà từ đó, nhiều thành viên VN Pharma phải ra tòa. 

Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép khi có nhiều "ưu ái" lạ lùng cho VN Pharma.

Thanh tra Chính phủ kết luận 2 cặp thuốc khác nhau một chữ

Ngày 16-9 vừa qua, Thanh tra Chính phủ kết luận xung quanh việc Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký, nhập khẩu 10 thuốc do Helix sản xuất, VN Pharma nhập khẩu, trong đó có đề cập đến 2 cặp thuốc gần như trùng nhau là H2K Ciprofloxacin 200, H2K Levofloxacin 500 (công ty ma Helix sản xuất) và H2K Ciprofloxacin Infusion 200mg/100ml, H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml (công ty Health 2000 sản xuất).

Theo đó, Thanh tra cho rằng 2 cặp thuốc này giống nhau ở các cụm "H2K" và Ciprofloxacin, Levofloxacin, nhưng khác nhau một chữ "Infusion".

Thanh tra đã hỏi Bộ Khoa học công nghệ và được trả lời rằng do chữ Infusion có trên nhãn thuốc Health 2000, cộng với "dấu hiệu khác biệt" là chữ "hpi" trên vỏ chai thuốc do Health 2000 sản xuất, các số chỉ hàm lượng 200, 500 mg trên 2 loại thuốc nên thanh tra kết luận là 2 cặp thuốc không trùng tên.

Tuy nhiên, theo quy định về ghi nhãn thuốc (thông tư 04-2008) thì tên thuốc không bao hàm các chỉ số nồng độ, hàm lượng của thuốc.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp