Trả lời Tuổi Trẻ Online về đề xuất của một số sở giao thông vận tải địa phương chỉ đưa mô phỏng lái xe vào đào tạo, không đưa vào phần sát hạch bắt buộc, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết việc áp dụng thi mô phỏng lái xe hiện nay là theo quy định của Chính phủ.
Các tình huống được mô phỏng để giúp người lái nhận biết tình huống nguy hiểm, rèn phản xạ có thể ứng dụng khi đi đường. 120 tình huống mô phỏng là những trường hợp mất an toàn giao thông đã xảy ra trên thực tế được các đơn vị tổng hợp, nghiên cứu.
Đối với những góp ý từ các địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ tiếp thu và có điều chỉnh phù hợp. Hiện cục đang phối hợp cùng đơn vị xây dựng phần mềm để tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh các tình huống cho phù hợp thực tế. Đặc biệt sẽ bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có bằng lái xe nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn.
Như vậy, sau hơn một năm thông tư 04/2023 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực, phần thi mô phỏng lái xe ô tô xuất hiện nhiều bất cập, tồn tại mà chưa được xử lý kịp thời.
Tại TP.HCM, nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cũng đã có ý kiến gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Sở đã tổng hợp tiếp nhận ý kiến gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Theo phần mềm này, người lái xe sẽ quan sát mô phỏng đang lái xe trên đường. Các tình huống nguy hiểm lập trình sẵn sẽ xuất hiện, người lái xe phải bấm nút space trên bàn phím để phản xạ. Thang điểm đạt được khi bấm đúng thời điểm như lập trình (tạm gọi điểm chuẩn) là 5 điểm. Nếu bấm chậm thì thang điểm sẽ giảm dần từ 4 về 3, 2, 1 và 0 điểm. Trường hợp thí sinh bấm quá sớm sẽ bị 0 điểm.
"Hầu hết người học ghi nhớ như học thuộc bài, chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Dù quan sát tốt tới đâu, phản xạ nhanh thế nào vẫn không thể có điểm cao, thậm chí bị 0 điểm. Như vậy mục đích "đo" phản xạ của người học khó đạt được trong chương trình học và thi mô phỏng. Phần mềm mô phỏng có nhiều bất cập, thiếu thực tế và đánh đố người thi", báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổng hợp, góp ý từ các đơn vị nêu.
Trong quá trình góp ý gửi Cục Đường bộ Việt Nam, nhiều sở giao thông vận tải ở một số tỉnh thành khác cũng đề nghị đánh giá lại tính thực tế và hiệu quả phần thi mô phỏng mang lại. Có địa phương kiến nghị phần mềm mô phỏng lái xe chỉ nên đưa vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên. Không đưa phần mềm vào phần sát hạch lái xe bắt buộc.
Ngày 25-12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của Cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan này cũng đã có báo cáo về các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ mà Cục Đường bộ Việt Nam đề ra là sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan điều chỉnh phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông phù hợp tình huống thực tế và điều kiện của các đối tượng tham gia học lái xe...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận