Giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Đức Pierre Vogel đi cùng nhiều thanh niên tới một buổi truyền đạo ở Pforzheim, Đức - Ảnh: AFP |
Theo báo Wall Street Journal, sau vụ tấn công khủng bố (Pháp) đêm 13-11, nhiều quốc gia lên tiếng bày tỏ lo ngại nguy cơ khủng bố giả trang làm người tị nạn xâm nhập châu Âu.
Tuy nhiên nhà chức trách Đức cho rằng việc những kẻ cực đoan quốc tịch châu Âu dụ dỗ và tẩy não người tị nạn mới là mối đe dọa lớn hơn nhiều.
Chiêu bài giúp đỡ người tị nạn
Lực lượng an ninh nhiều khu vực tại Đức phát hiện ngày càng nhiều người tị nạn đến cầu nguyện tại những nhà thờ Hồi giáo có dính líu đến các thành phần cực đoan.
Chính quyền Đức ước tính đã có hơn 100 trường hợp các phần tử Hồi giáo cực đoan châu Âu chủ động liên hệ với người tị nạn, đề nghị hỗ trợ nơi ăn, chốn ở thậm chí còn mời họ dự tiệc, tặng kinh Koran và trang phục Hồi giáo truyền thống.
“Ban đầu bọn cực đoan nói rằng muốn giúp người tị nạn sống đúng với đức tin. Nhưng sau đó chúng tẩy não họ bằng tư tưởng cực đoan. Đó là mục tiêu của bọn chúng” - WSJ dẫn lời ông Torsten Voss, giám đốc chi nhánh Hamburg của Cơ quan Tình báo nội địa Đức.
Ước tính có khoảng 1 triệu người tị nạn đi vào Đức trong năm 2015, do đó nhà chức trách đang gồng mình điều tra và giám sát các mối nguy cơ an ninh. Trong nhiều năm qua Đức không hề hứng chịu bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào dù có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo.
Một phần nguyên nhân là do phần lớn người Hồi giáo ở Đức có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thế tục và ôn hòa hơn nhiều so với các nước Ả Rập.
Tuy nhiên, phần lớn người tị nạn hiện nay đến từ Syria và các nước Ả Rập nên muốn tìm đến các nhà thờ Hồi giáo nói tiếng Ả Rập. Mà khá nhiều nhà thờ Hồi giáo như vậy có dính líu tới cực đoan.
Hiểm họa từ những kẻ cực đoan mang hộ chiếu Châu Âu
Nhà chức trách Berlin từng cảnh báo nhà thờ Ibrahim Al Khalil tại thủ đô Đức là nơi nhiều kẻ tư tưởng cực đoan tụ hội, trong khi rất nhiều người tị nạn mới đến Berlin đã có mặt ở đây để cầu nguyện. Hai nhà thờ khác ở Berlin cũng bị đánh giá là “điểm nóng” cực đoan.
Chính quyền thành phố mới phát tờ rơi tới các cộng đồng người tị nạn, cảnh báo nguy cơ cực đoan lợi dụng tình cảnh khó khăn của họ để dụ dỗ, tẩy não họ, đẩy họ vào con đường bạo lực.
Nhà chức trách chỉ đích danh ba nhà thờ trên, đồng thời thông báo tình hình cho các nhóm từ thiện đề cao cảnh giác. Do các nhà thờ này chưa có động thái gì vi phạm luật pháp Đức, nên nhà chức trách chỉ có thể giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của chúng.
Các quan chức Đức cũng khẳng định những kẻ cực đoan có hộ chiếu châu Âu mới là mối đe dọa thực sự bởi chúng dễ dàng di chuyển trong khu vực.
Chuyên gia về Hồi giáo cực đoan ở Đức Claudia Dantschke khẳng định đa phần người tị nạn Trung Đông tìm đến Đức để mong xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không muốn đi theo con đường cực đoan. Do đó chính quyền châu Âu cần nỗ lực giúp họ hòa nhập vào xã hội mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận