Chiều 17-5, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Giữ nguyên phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn
Tại hội thảo, Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về việc trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất duy trì quy định cấm tuyệt đối người lái xe có nồng độ cồn.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định nồng độ cồn bằng 0 với lái xe là chưa hợp lý. Có người uống từ hôm trước, hôm sau lái xe nhưng còn nồng độ cồn thì vẫn bị phạt. Quan điểm của Bộ Công an về việc này ra sao?
Về vấn đề này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08) cho biết theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rượu bia có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con người.
Qua chỉ đạo của Bộ Công an, C08 đã phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, điều tra xã hội học, tổ chức hội thảo, nghiên cứu tác hại rượu bia với người tham gia giao thông.
"Ngoài số liệu liên quan đến tai nạn giao thông, hành vi của người khi sử dụng rượu bia còn liên quan rất lớn đến hành vi khác như giết người, gây rối trật tự công cộng...", đại diện C08 thông tin.
Theo thống kê điều tra xã hội học, 43.000 phạm nhân thì có 42.000 người trước khi phạm tội đã sử dụng rượu bia.
Cũng theo C08, thời gian qua, số nạn nhân chấn thương sọ não vì bị tai nạn gao thông do rượu bia gây ra cao hơn nhiều so với người không sử dụng.
Trong khi đó, người Việt Nam dùng rất nhiều rượu bia. "Khi bắt đầu uống mà nói rằng uống đến chừng này dừng lại vì còn lái xe thì rất khó. Uống nhiều thì không kiểm soát được hành vi".
"Việc kiểm soát nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hiện nay việc xử lý nồng độ cồn đang rất hiệu quả, tai nạn liên quan rượu bia năm 2023 giảm hơn nhiều so với 2022.
Từ đó, chúng tôi đề xuất vẫn giữ nguyên phương án cấm tuyệt đối việc tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia", đại diện C08 khẳng định.
Tài xế uống nước ép, sirô có thể ngồi chờ 30 phút rồi đo lại nồng độ cồn
Thông tin thêm, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay hiện nay nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng uống nước hoa quả, sirô khi thổi vẫn lên nồng độ cồn.
Đại diện C08 cho hay nếu người dân khi bị đo nồng độ cồn mà cho rằng mình chỉ uống nước hoa quả, sirô thì có thể đề nghị cảnh sát giao thông cho ngồi chờ 10-30 phút sau uống nước rồi đo lại. Hoặc người vi phạm có thể yêu cầu cho đi xét nghiệm máu để chứng minh.
"Nếu uống nước hoa quả, sirô, trong thời gian ngắn sẽ hết nồng độ cồn. Thực ra, một số trường hợp dùng vấn đề này để đối phó với cảnh sát giao thông mà thôi", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay.
Trước đó, Bộ Công an lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, có đề xuất quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.
Cuối năm 2023, một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe "là quá nghiêm khắc và chưa phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán bộ phận người dân Việt Nam".
Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện, bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự.
Báo cáo Thường vụ Quốc hội mới đây, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị duy trì cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, do nồng độ cồn nội sinh chưa có căn cứ rõ ràng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận