Đỉnh Mã Pí Lèng và dòng sông Nho Quế là 2 địa danh nổi tiếng. Rất đông khách du lịch chọn là điểm đến mỗi khi tới Hà Giang - Ảnh: NAM TRẦN
Hầu như năm nào ngành du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc đều tổ chức hội nghị liên kết nhằm phát triển du lịch trong vùng. Đây là xu hướng tất yếu và là giải pháp tối ưu cho sự phát triển về mọi mặt trong xã hội và du lịch bền vững trong khu vực, nhưng kết quả còn rất hạn chế với nhiều nguyên nhân.
1. Cơ sở dịch vụ du lịch cả 2 vòng cung Đông Bắc và Tây Bắc chưa đồng bộ, đường xá chật hẹp, nhiều đèo dốc hiểm trở, nguy hiểm. Vì vậy dù cảnh quan đẹp, cự ly cung đường liên tỉnh không dài, song khi vận chuyển rất mất thời gian, khiến khách nản lòng, mệt mỏi, thật khó khiến khách trở lại lần 2.
2. Bên cạnh tỉnh Hà Giang, Cao Bằng (Đông Bắc) với thế mạnh là công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận, đã cùng Sơn La, Điện Biên, Sa Pa - Lào Cai (Tây Bắc) được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên du lịch phong phú, lại được nhà nước, ngành du lịch địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, biến cảnh quan hoang sơ kỳ vĩ, lịch sử hào hùng, các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa trở thành sản phẩm du lịch, được nhiều nhà đầu tư đón đầu từ sớm nên từ lâu đã trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, điều này đã phản ảnh một thực tế là lượng khách phân bổ không đều. Những tỉnh nào trong khu vực được đầu tư tương xứng thì thu hút khách ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch không ngừng phát triển, người dân hưởng lợi đều đặn, bền vững.
Những tỉnh đường xá xa xôi, khuất nẻo, như tỉnh Lai Châu, Yên Bái... (Tây Bắc) hay Bắc Cạn, Tuyên Quang (Đông Bắc) mặc dù sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, không gian văn hóa đa sắc màu của dân tộc từng được xem là mỏ vàng về du lịch, nhưng chưa thu hút khách tương xứng với tiềm năng, bởi thiếu sự quan tâm đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, khiến các nhà tổ chức tour ít quan tâm, các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư.
Hoàng hôn bên những thửa ruộng bậc thang ở Sin Suối Hồ, Lai Châu - Ảnh: NAM TRẦN
3. Tính liên kết giữa các tỉnh một số nơi còn mang tính hình thức, hoặc tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến là chính. Thậm chí, thay vì hợp tác để cùng nhau phát triển sản phẩm du lịch liên tỉnh dựa trên đặc điểm riêng biệt của từng địa phương (nhằm gia tăng sự đa dạng, hấp dẫn của đường tour, đồng thời kéo dài ngày tour và cùng nhau hưởng lợi), nhưng vì lợi ích cục bộ địa phương, không quan tâm lợi ích chung, không hỗ trợ nhau, tạo nên cảnh mạnh ai nấy làm miễn sao địa phương mình thu hút khách càng đông càng tốt.
Thuyền du lịch chở khách trên hồ sông Đà, Hòa Bình - Ảnh: NAM TRẦN
4. Ngoài đường bộ, Tây Bắc còn có thủy lộ sông Đà chảy qua 4 tỉnh Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình. Đông Bắc sở hữu sông Gâm chảy qua các tỉnh Cao Bằng - Hà Giang - Tuyên Quang và nối với sông Năng để tới tỉnh Bắc Kạn.
Đó cũng là những thủy lộ nổi tiếng vừa đẹp lãng mạn vừa hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Nếu được các địa phương liên kết đầu tư khai thác, tuyến du lịch vừa sử dụng đường thủy vừa kết nối với hạ tầng đường bộ này sẽ vô cùng hấp dẫn.
Hiện nay, những thắng cảnh này vẫn chưa được quy hoạch, mở mang khai thác. Đây là một sự lãng phí nguồn tài nguyên du lịch rất đáng tiếc.
Du lịch trên hồ Na Hang. Lòng Hồ Na Hang là nơi hội tụ của hai dòng sông trữ tình là sông Gâm và sông Năng, được ví như vịnh Hạ Long giữa đại ngàn, Tuyên Quang - Ảnh: NAM TRẦN
5. Kho tàng văn hóa của các dân tộc miền thượng du vô cùng phong phú, được giữ gìn và biểu hiện qua ngôi nhà, trang phục, phong tục tập quán, trong sinh hoạt đời sống hàng ngày cùng các lễ hội truyền thống, những hoạt động mang tính tâm linh độc đáo… được tổ chức thường xuyên, như lễ cấp sắc của người Dao, lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn - Hà Giang, lễ hội Gầu tào cầu tự, hoặc hội khèn của người H’mông, lễ hội Lồng Tồng - xuống đồng đầu năm cầu mùa màng tốt tươi của người Tày, Nùng, hội múa xòe của người Thái trắng, Thái đen Tây Bắc, hội giao duyên, kết bạn, thăm cố nhân ở Khâu Vai - huyện Mèo Vạc, hay hội đón Tết Độc lập của người H’mông vùng Mộc Châu - Sơn La…
Đặc biệt, vào mùa thu, cả một vùng trung du và thượng du bắc phần như nhuộm một màu vàng óng của lúa chín trên ruộng bậc thang, xếp tầng xếp lớp lên nhau, hoặc ngoằn ngoèo như rắn lượn khắp các triền núi.
Cùng với cảnh hoang sơ, nét văn hóa độc đáo của dân tộc Dao, Bình Liêu, Quảng Ninh đang đẩy mạnh du lịch cộng đồng - Ảnh: NAM TRẦN
Tất cả hoạt động văn hóa kể trên đều là sản phẩm du lịch chuyên biệt, độc đáo, hấp dẫn khách đến từ mọi nơi nếu địa phương quan tâm đến việc phát triển du lịch, tổ chức tour bài bản góp phần bảo tồn di sản văn hóa và cải thiện đời sống người dân.
Cần thừa nhận công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở các tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập, thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguyên do bởi thiếu kinh phí, chưa linh hoạt, nhân lực phụ trách vừa thiếu vừa yếu.
Chúng ta luôn tự hào tài nguyên của Việt Nam thật đa dạng: cảnh sắc thiên nhiên, di tích văn hóa lịch sử, bản sắc dân tộc, bờ biển, biên giới, núi cao đâu cũng đẹp… nhiều nơi vẫn hoang sơ đang chờ mở mang, khai thác. Nhưng bấy lâu nay sản phẩm du lịch Đông Bắc và Tây Bắc luôn bị đánh giá là rập khuôn, đơn điệu, nghèo nàn.
Những bất cập, hạn chế trong sự phát triển du lịch liên vùng kể trên cũng là mặt khó khăn đối với nhà tổ chức tour, du khách đến từ mọi miền, trong đó khách đến từ TP.HCM nói riêng và từ Tây Nguyên, Nam bộ, miền Trung về chi phí vận chuyển máy bay, ngày tour kéo dài...
Yên Bái mùa lúa chín và mùa nước đổ - Ảnh: NAM TRẦN
Để sự liên kết giữa ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông và Tây Bắc được hiệu quả, trước tiên phải cùng xây dựng kênh liên lạc hoặc trang web có thông tin nhanh chóng, kịp thời về các hoạt động du lịch địa phương, tạo điều kiện cho các công ty lữ hành, những đơn vị cung ứng dịch vụ chủ động khai thác kinh doanh, đồng thời ứng phó, khắc phục những sự cố xảy ra.
Đề xuất chính phủ đầu tư mở rộng các tuyến giao thông chính, từng bước nâng cấp trải nhựa đường đến các tuyến điểm tham quan, để việc đi lại được thuận lợi, nhanh chóng tiết kiệm thời gian.
Địa phương nên có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư các điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, khu vực giải trí đúng tầm; đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch địa phương.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là khai thác các loại hình du lịch đường sông vốn rất hấp dẫn và còn rất mới lạ ở miền Bắc. Hầu hết những dòng sông nổi tiếng như sông Đà, sông Gâm, Quây Sơn ( Cao Bằng), Nho Quế (Hà Giang), sông Lô (Phú Thọ) hiện đã được người dân kinh doanh vận chuyển theo hình thức tự phát, trong phạm vi địa phương, rất cần ngành du lịch địa phương nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng bến thuyền, khuyến khích người dân đầu tư thuyền lớn có khả năng phục vụ khách du lịch liên tỉnh.
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phục hồi sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp nên bỏ vốn, khảo sát độc lập để thiết kế sản phẩm mới, lạ nhằm "làm mới mình", và tạo lợi thế hoạt động góp phần cho sản phẩm du lịch Việt Nam thêm phong phú. Cơ quan quản lý du lịch nên xem nhiệm vụ này như một tiêu chí quan trọng trong công tác thi đua hàng năm.
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận