Lọ vắc xin Soberana - Ảnh: Centrodeinformes
Nếu từ những năm 1960, Cuba đã thành lập ngành công nghiệp y sinh, thì nay nỗ lực phát triển vắc xin cũng như tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19 có thể còn là lối thoát khả thi giúp Cuba vực dậy nền kinh tế lao đao vì dịch và ảnh hưởng cấm vận.
Chống dịch và vực dậy kinh tế
Cuba đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ đầu dịch tới nay do sự xuất hiện của các biến thể mới dễ lây hơn. Trong tuần từ ngày 5 đến 11-7, số ca mắc mới mỗi ngày tại đây đã là hơn 3.000 người, theo Reuters.
Quốc đảo Caribe cũng đang đối mặt khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm 10,9% trong năm ngoái và 2% ở nửa đầu năm nay. Nguồn cung nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng vệ sinh, thuốc men đã thiếu.
Đại dịch COVID-19 làm tê liệt du lịch - ngành mũi nhọn của Cuba. Quy mô hoạt động ngành này giảm 79% trong năm ngoái. Trong khi đó, lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các lĩnh vực như nhập khẩu nhiên liệu và tài chính đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nông nghiệp và nhiều ngành nghề khác.
"Đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Cuba giống như bất cứ nơi nào khác" - một đặc phái viên cấp cao tại châu Âu của Cuba không nêu tên nói với báo Financial Times.
Ông Ricardo Torres, nhà kinh tế học Cuba, cho rằng một vắc xin COVID-19 thành công lúc này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng của Cuba.
"Nó [vắc xin COVID-19] xuất hiện vào một thời điểm nhạy cảm trong nước, và chắc chắn sẽ tăng thêm niềm tin của người dân - ông Ricardo Torres nói - Nó cũng có thể thu hút thêm sự quan tâm của bên ngoài với tổ hợp công nghệ sinh học của Cuba".
Cuba có nhiều thập kỷ kinh nghiệm về công nghệ sinh học và miễn dịch học. Vào những năm 1960, Cuba đã thành lập ngành công nghiệp này để ứng phó với lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ. Kể từ đó đến nay, các phòng thí nghiệm của Cuba sản xuất ra nhiều loại thuốc mới đã được bán trên toàn thế giới.
Trong đó phải kể tới vắc xin phòng viêm màng não mô cầu Mengoc nhóm B đầu tiên, các thuốc interferon và liệu pháp điều trị hiệu quả duy nhất với chứng loét do tiểu đường. Cuba cũng là nước đã xuất khẩu vắc xin điều trị sốt xuất huyết tới hơn 30 quốc gia, theo báo Indian Express (Ấn Độ).
Dù vậy, theo nhận định của giới ngoại giao, Cuba cần có thêm các đối tác để có thể sản xuất số lượng vắc xin COVID-19 lớn phục vụ xuất khẩu.
"Các vắc xin [của Cuba] có vẻ đáng tin cậy, theo những nguồn tin của tôi, nhưng họ hiện không có đủ năng lực sản xuất do thiếu nguồn lực và vẫn sẽ phải trông ra bên ngoài, chẳng hạn như với Việt Nam..." - báo Financial Times dẫn lời một đại sứ tại châu Mỹ Latin.
Bà Arachu Castro, giáo sư chuyên về y tế cộng đồng tại châu Mỹ Latin tại ĐH Tulane (Mỹ), nhận định: "Cuba gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với thuốc men cũng như thiết bị y khoa có các thành phần từ Mỹ".
Trong khi đó, ông Peter Kornbluh, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về tình hình Cuba tại tổ chức nghiên cứu phi chính phủ có tên Trung tâm lưu trữ an ninh quốc gia, Mỹ, cho rằng: "Nếu thành công, việc phát triển vắc xin của Cuba sẽ trở thành ví dụ điển hình nữa cho thấy một quốc đảo nhỏ bé đã có đóng góp lịch sử cho các sự kiện thế giới lớn hơn nhiều so với quy mô của họ".
Phòng thí nghiệm tại Havana đang tập trung phát triển các vắc xin COVID-19 của Cuba - Ảnh: EPA
100 triệu liều trước cuối năm?
Việc vắc xin Adbala được chính thức phê chuẩn dùng khẩn cấp ngày 9-7 tại Cuba sẽ mở đường cho các hợp đồng bán hoặc chuyển giao công nghệ vắc xin này ra nước ngoài. Theo Hãng tin Reuters, vắc xin Soberana 2 dự kiến cũng được phê chuẩn trong vài tuần tới.
Theo Đài NPR (Mỹ), ông Eduardo Ojito - lãnh đạo Trung tâm miễn dịch phân tử Cuba - cho biết nước ông đã có đủ số liều vắc xin Soberana 2 để tiêm cho toàn dân trước cuối mùa hè năm nay nếu vắc xin này được cấp phép dùng khẩn cấp.
"Chúng tôi đang chuẩn bị để sản xuất từ 1-2 triệu liều vắc xin mỗi tháng" - ông Eduardo Ojito nói trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối tháng 3 năm nay. Dù vậy, ông cũng thừa nhận Cuba đã rất vất vả để có đủ nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất vắc xin do bị Mỹ cấm vận.
"Điều này buộc chúng tôi phải tìm kiếm các giải pháp trong nước" - ông Eduardo Ojito nói. Tuy nhiên, ông khẳng định những khó khăn ấy đã được giải quyết và mọi công nghệ đã sẵn sàng, chỉ chờ vắc xin được phê duyệt khẩn cấp là có thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn.
Trong khi đó, cuối tháng 3, trả lời phỏng vấn báo Financial Times, ông Eduardo Martínez - chủ tịch Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma của Cuba, đơn vị phụ trách việc phát triển vắc xin - cho biết nếu mọi kế hoạch thử nghiệm, phê duyệt suôn sẻ, BioCubaFarma sẽ sản xuất được 100 triệu liều trước cuối năm nay.
Khoảng 20-30 triệu liều phục vụ nhu cầu trong nước, phần còn lại sẽ sẵn sàng cho xuất khẩu. Cho tới lúc này, giữa tháng 7-2021, cả hai vắc xin Abdala và Soberana 2 đều đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hiệu quả hơn 90% và Abdala đã được cấp phép.
Giới chức Cuba cũng nói sẽ xuất khẩu vắc xin COVID-19 với giá vốn cộng thêm một chút lợi nhuận để có thêm ngân sách chi cho hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí của nước này. Ngoài ra, Cuba cũng có thể tặng vắc xin COVID-19 cho những nước nghèo nhất.
"Bên ngoài Cuba, nhiều người ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ việc họ [Cuba] có tới 5 loại vắc xin đang phát triển - bà Helen Yaffe, chuyên gia về Cuba tại ĐH Glasgow (Scotland), nói với báo Financial Times - Nhưng bất cứ ai đã theo dõi các thành tựu phát triển y tế của Cuba đều thấy chuyện này dễ hiểu".
Bà Helen Yaffe đã có mặt tại Cuba trong tháng 12-2020 và tháng 1-2021, và tin tưởng Cuba không những sản xuất đủ vắc xin COVID-19 trong nước mà còn có thể cung ứng vắc xin cho các nước.
"Cuba có năng lực đó" - bà Yaffe khẳng định với Đài NPR.
13 thuốc trị COVID-19 khác nhau
Ngoài thuốc kháng virus Interferon Alfa-2B đã được nhiều người biết tới, báo Financial Times dẫn nguồn tin từ Chính phủ Cuba cho biết nước này đã sản xuất 13 loại thuốc khác nhau để điều trị COVID-19 trong nước, hơn một nửa trong đó là thuốc do Cuba tự phát triển. Trong đó có 2 loại thuốc kháng viêm là itolizumab và Jusvinza - những loại thuốc theo họ có tỉ lệ điều trị hiệu quả cao với các bệnh nhân COVID-19 bị rất nặng và đã đưa vào sử dụng ở Ấn Độ cùng một số nước.
Vắc xin COVID-19 thứ 2 của Cuba đạt hiệu quả 91,2%
Ngày 8-7, theo Hãng tin Reuters, Cuba công bố vắc xin COVID-19 Soberana 2 với hai mũi tiêm của nước này đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hiệu quả phòng bệnh đạt 91,2%.
Như vậy, sau vắc xin Abdala, đây là vắc xin COVID-19 thứ 2 của Cuba đạt hiệu quả phòng bệnh hơn 90% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Trước đó, vắc xin Abdala với 3 mũi tiêm được chứng minh đạt hiệu quả phòng bệnh 92,28%.
Ngoài 2 loại Abdala và Soberana 2, còn có 3 loại khác là Soberana 1, Soberana Plus và Mambisa (dạng xịt mũi). Cả 5 loại vắc xin COVID-19 do Cuba phát triển đều dùng công nghệ vắc xin protein tái tổ hợp. Chúng hoạt động trên nguyên lý tái tạo các gai (spike) trên bề mặt virus SARS-CoV-2 (vốn là phần virus bám vào tế bào con người) và đưa vào cơ thể, "huấn luyện" hệ miễn dịch con người nhận ra mầm bệnh này và có khả năng sinh kháng thể ngăn chặn khi phơi nhiễm virus trong thực tế. Các vắc xin theo công nghệ tái tổ hợp không cần bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh như các vắc xin công nghệ mRNA.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra đầu năm ngoái, hàng trăm y bác sĩ Cuba đã tình nguyện tới giúp Trung Quốc và miền bắc nước Ý chống dịch.
Kỳ tới: Bác sĩ Cuba giúp thế giới chống dịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận