Từ sáng 26-8, các lực lượng (công an, dân quân…) phối hợp, dựng biển "chặt cây nguy hiểm" trên đoạn đường 23 Tháng 10 đi ngang qua chỗ cây dầu đôi Diên Khánh, để bảo vệ cho Công ty CP Môi trường đô thị Nha Trang cưa tỉa cành nhánh của cây di sản này.
Cây dầu đôi Diên Khánh gần ngã ba Thành (xã Diên An) rất nổi tiếng, có tuổi trên 200 năm. Cây gắn bó, thân thuộc với cả vùng đất và cư dân nhiều đời và đã được công nhận là "Cây di sản Việt Nam" vào tháng 4-2016.
Cưa các cành khô, mục, dễ gãy đổ của cây dầu đôi
Các công nhân được xe chuyên dụng đưa lên cây để cưa, tỉa các cành nhánh lớn trên cao có nguy cơ gãy đổ. Vì vậy, người dân nói vui cây dầu đôi Diên Khánh giờ chỉ là "cây dầu 1,85".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Ngọc Ân - tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Nha Trang - cho biết việc cưa tỉa cây dầu đôi Diên Khánh chủ yếu là cưa các cành cây khô, nguy cơ gãy đổ.
Những cành cây này có thể gây nguy hiểm cho người đi đường và người dân ở gần, nhất là vào mùa mưa bão sắp đến.
Ngoài việc cưa tỉa các cành nhánh có nguy cơ gãy đổ, công nhân còn cưa bớt một phần thân to còn lại trên phía ngọn của cây dầu đôi Diên Khánh.
Cả đoạn thân to của cây dầu đôi này khi bị cưa xuống cũng bị mục ruỗng phần nhiều bên trong ruột, chỉ còn phần gỗ cổ thụ bao bên ngoài thân cây.
Trước đó, vào chiều 4-8-2023, một nhánh to trên cao của cây dầu đôi Diên Khánh bị gãy, đổ ập xuống đường 23 Tháng 10, may mắn không gây thương vong cho ai. Cành cây gãy này đã mục, rỗng bên trong ruột nên không thể giữ được cành, nhánh to nặng gắn với thân cây.
Cây dầu đôi Diên Khánh từng được cứu
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cây dầu đôi Diên Khánh được xác định là giống loài cây dầu rái (tên khoa học là Dipterocarpus Alatus Roxb), loại cây phân bố nhiều ở vùng đất Diên Khánh - Khánh Hòa, tập trung nhiều nhất ở vùng Suối Dầu và khu vực chân núi Chín Khúc.
Cách đây hơn 20 năm, cây dầu đôi Diên Khánh từng bị lâm bệnh "thập tử nhất sinh". Khi ấy, tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị kỷ niệm 350 năm hình thành và phát triển, nên tỉnh quyết định đầu tư ngân sách không nhỏ để cứu sống cây dầu.
Việc làm ý nghĩa đó nhằm bảo vệ một cây xanh cổ thụ đã gắn bó với đất và người Diên Khánh - Khánh Hòa suốt mấy trăm năm cho đến nay.
Hiện nay, ở các khu vực trên và tại khu mộ bác sĩ Alexandre Yersin ở Suối Dầu (nay thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cũng còn một số cây dầu rái có tuổi cũng vào hàng cây di sản như cây dầu đôi Diên Khánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận