Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết trong thời gian cơn mưa chiều tối 23-10 ở TP.HCM có ít nhất 10 chuyến bay dự kiến xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất phải khởi hành trễ để đợi khách. Các hãng VietJet Air, Jetstar Pacific cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trễ chuyến bay không chỉ là nỗi lo của ngành hàng không mà cũng là nỗi ám ảnh của hành khách từ các nơi thuộc TP.HCM đi sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày mưa xe kẹt nhiều, ngày nắng cũng chẳng dễ chịu, chủ quan đi vào giờ sát nút chuyến bay là có thể lỡ chuyến bởi nạn “nhúc nhích” từng bước trước cửa ngõ vào sân bay.
Mưa lớn gây kẹt xe trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh chụp tại giao lộ Hoàng Vân Thụ, Nguyễn Văn Trỗi chiều tối 23-10) - Ảnh: Hữu Khoa |
Lo trễ máy bay
Từ cuối năm 2014 đến nay, đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ùn tắc. Sân bay đã phải cảnh báo ùn tắc giao thông sẽ còn tiếp tục tăng do mật độ khách đến sân bay đang ngày càng đông hơn.
Trước tình trạng này, rất nhiều hành khách lo ngại nguy cơ trễ giờ bay do kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm, đặc biệt là sau những cơn mưa lớn.
Chị Lê Thị Thanh (Q.Tân Phú) cho biết từ nhà đi tới khu vực sân bay phải qua được ba điểm nóng kẹt xe: đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ - Tân Quý), giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và vòng xoay Lăng Cha Cả (giữa các điểm nóng này là ngã tư Bảy Hiền cũng khá nóng).
Nhưng đến cổng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất trên đường Trường Sơn thì xe thường phải xếp hàng dài chờ đèn tín hiệu giao thông, thoát qua “cửa ải” này chị mới thở phào nhẹ nhõm.
Theo nhiều người dân, xe từ Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp đi qua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) rất dễ bị kẹt xe. Anh Trần Văn Phước (Q.Bình Thạnh) cho biết suýt bị trễ giờ bay vì tắc nghẽn đoạn qua vòng xoay này. Sau đó, anh Phước phải chọn hướng đi từ Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Trường Sơn để đến sân bay. Tuyến đường này cũng ùn ứ nhưng không đến nỗi kẹt xe nặng như ở vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm.
Thậm chí, trước khi qua "cửa ải" vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, xe cộ còn phải qua "cửa ải" đáng sợ ngã sáu Gò Vấp - 1 trong 24 điểm nóng.
Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất thừa nhận thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở đường ra vào sân bay, đồng thời cho biết các tuyến đường lân cận sân bay như Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện, Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng và khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, lăng Cha Cả rất hay bị ùn ứ xe.
Theo lãnh đạo Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, nguyên nhân chính là do mật độ xe ra vào sân bay nhiều. Cụ thể trong năm 2014, mỗi ngày có khoảng 22.000 lượt ôtô, 7.000 lượt xe máy ra vào. Đó là chưa kể số lượng xe của đơn vị hoạt động tại sân bay và xe cá nhân của khoảng 10.000 nhân viên làm việc tại sân bay.
Báo cáo với Sở Giao thông vận tải TP.HCM về nguy cơ ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay, ông Phạm Vũ Cường - phó giám đốc Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - nhấn mạnh: trong tám tháng đầu năm 2015 có hơn 17,5 triệu lượt khách đến sân bay (tăng 18,3% so với cùng kỳ 2014), vận chuyển 282.044 tấn hàng hóa (tăng 7,4%).
Dự kiến đến cuối năm 2015 số lượng hành khách đến sân bay sẽ vượt qua con số 25 triệu hành khách. Với số lượng hành khách đi lại sân bay ngày càng tăng, nghĩa là mật độ xe cộ vào sân bay càng tăng, nguy cơ ùn tắc giao thông trước cửa ngõ sân bay ngày càng tăng là tất yếu.
Lãnh đạo Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất còn cho biết hiện nay dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài đang thi công đường Bạch Đằng và Hồng Hà (Q.Tân Bình và Q.Gò Vấp, dài 1,5km) để kết nối vào cổng sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi công trình này hoàn thành, số lượng xe vào tuyến đường này tăng nhiều, tạo áp lực rất lớn đến việc ra vào sân bay. Trong khi đó, ngoài cổng chính ra vào sân bay trên đường Trường Sơn, cảng vụ hàng không sân bay không thể mở thêm các lối tiếp cận khác trên đường Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Bạch Đằng, Quang Trung... vì các khu vực này thuộc đất quân sự.
Giải pháp nào?
Để việc ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện, Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị các phương án giải quyết như sau: quy hoạch tổng thể về giao thông khu vực lân cận, kết nối với tuyến đường chính ra vào sân bay; quy hoạch đầu tư xây dựng khu vực đậu chờ cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhà để xe cao tầng gần khu vực sân bay; nghiên cứu đầu tư cầu vượt để giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài vào đường Trường Sơn và đường ra vào sân bay.
Trước mắt Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho phát triển thêm nhiều tuyến xe buýt, kể cả xe buýt điện, vào trong sân bay. Thay vì hiện nay ở sân bay này duy nhất chỉ có một tuyến xe buýt số 152 chạy tuyến khu dân cư Trung Sơn - Bến Thành - sân bay Tân Sơn Nhất với mỗi ngày 100 chuyến xe.
Nhằm giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết thực hiện quy hoạch tổng thể giao thông kết nối với tuyến đường ra vào sân bay, việc xây dựng các tuyến đường Hồng Hà và đường Bạch Đằng đang được tiến hành, trong tương lai gần sẽ bố trí tuyến metro số 4 kết nối vào sân bay.
Hiện nay các xe buýt tuyến số 152 hoạt động trong sân bay trên 10 năm nên giảm chất lượng, sở đang đề nghị Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn thay thế xe buýt mới.
Theo ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải, sở sẽ tổ chức thêm nhiều tuyến xe buýt không trợ giá từ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó đầu tư xe buýt hiện đại có sàn thấp để thuận lợi cho hành khách có nhiều hành lý đi máy bay.
Phòng quản lý vận tải đường bộ cũng đang xây dựng đề án xe điện đến sân bay, trong đó sẽ mở tuyến xe buýt điện có lộ trình dưới 10km để trung chuyển hành khách đến các khu lân cận đón xe buýt hoặc đi taxi.
Nhằm giảm tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ sân bay và trên các tuyến đường lân cận sân bay, sở sẽ thường xuyên theo dõi, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông Trường Sơn - Hồng Hà; nghiên cứu hạn chế một số loại xe vào đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ Nguyễn Kiệm đến đường Trường Sơn) sau khi thông xe đoạn đường này; nghiên cứu tăng khả năng thông hành trên đường Hoàng Minh Giám và đường Phổ Quang; cải tạo vòng xoay Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trần Quốc Hoàn - Lê Văn Sỹ...
Từ trải nghiệm thực tế khi ra vô khu vực này và sân bay Tân sơn Nhất, bạn có bức xúc gì để đưa ra giải pháp nào khác?
Mời bạn viết trong phần bình luận bên dưới hoặc email về địa chỉ: [email protected].
Hà Nội: ùn tắc giao thông do các dự án Theo thống kê của Công an Hà Nội, hiện Hà Nội có tám tuyến đường chính thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm gồm: tuyến Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng; Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu; Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; tuyến đường 32 - Cầu Giấy - Xuân Thủy; đường từ cầu Vĩnh Tuy đến dốc Vĩnh Hưng; đường gầm cầu Thăng Long; đường Giải Phóng. Tại cuộc họp bàn các giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày 22-10, đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội - cho biết hiện có 11 dự án với 23 điểm rào chắn có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt, trên hai tuyến đường đang thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội thời gian qua rất thường xảy ra ùn tắc giao thông. Đại tá Đào Thanh Hải - phó giám đốc Công an Hà Nội - cho biết thêm ngoài việc thi công các dự án, ùn tắc giao thông còn có nguyên nhân từ lượng phương tiện đăng ký mới tăng mạnh qua từng năm. Ông Hải đề nghị liên ngành công an và Sở GTVT cần rà soát lại việc tổ chức giao thông, điều chỉnh, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tăng cường xử phạt vi phạm qua hình ảnh để giảm ùn tắc. Với các tuyến đường đang thi công dự án đường sắt đô thị, ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) - cho biết đơn vị này đang nghiên cứu giảm một số chuyến xe buýt chạy qua khu vực đường có rào chắn vào giờ cao điểm. Theo đó, tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông) hiện có chín tuyến xe buýt hoạt động. Dự kiến sẽ điều chỉnh tần suất của năm tuyến (tuyến 02, 21, 27, 22, 39) không đi qua trục đường Nguyễn Trãi. Trên tuyến đường Nguyễn Trãi, xe buýt đang vận chuyển khoảng 70 lượt xe/giờ, nếu điều chỉnh sẽ giảm xuống còn 30 lượt xe/giờ. Tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy (thi công đường sắt Nhổn - ga Hà Nội) có 12 tuyến xe buýt hoạt động, sẽ điều chỉnh năm tuyến (16A, 16B, 27, 34, 49) không đi qua trục Xuân Thủy - Cầu Giấy. Xe buýt chạy qua các tuyến này sẽ lưu thông qua đường Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông. Như vậy, tuyến đường Cầu Giấy sẽ giảm từ 60 lượt xe/giờ xuống còn 30 lượt xe/giờ. |
Gắn camera theo dõi kẹt xe Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đồng ý cho Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn lắp đặt 13 camera giám sát giao thông tại bảy nút giao thông trên địa bàn TP.HCM với kinh phí 2,8 tỉ đồng. Ngoài ra, sở cũng đồng ý trang bị ba máy tính cá nhân có cài phần mềm chuyên dụng để theo dõi, truy xuất dữ liệu từ hệ thống camera giao thông. Các nút giao thông được gắn camera gồm vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), giao lộ Hoàng Minh Giám - Hồng Hà (Q.Phú Nhuận), ngã tư xa lộ Hà Nội - Võ Văn Ngân, xa lộ Hà Nội - Tây Hòa (Q.Thủ Đức), ngã tư Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), ngã tư Trường Chinh - Âu Cơ và giao lộ Phan Thúc Duyện - Phan Đình Giót (Q.Tân Bình). Các camera sẽ thu thập hình ảnh truyền dữ liệu về để đơn vị trên phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp. Dự kiến đến cuối năm nay hoàn thành việc lắp đặt các camera. |
Bạn có bao giờ bị cảnh nước ngập đến đầu gối sau một cơn mưa lớn? Theo bạn, giải pháp xây hồ chống ngập nước của TP.HCM liệu có khả thi? Làm thế nào để giúp TP.HCM bớt cảnh ngập lụt? Hãy chia sẻ với chúng tôi ý kiến của bạn qua mục BÌNH LUẬN dưới đây hoặc gởi đến e-mail: [email protected]. Xin cảm ơn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận