29/08/2020 10:10 GMT+7

Cửa hẹp với trái phiếu doanh nghiệp

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Sau khi tăng “nóng” trong thời gian dài vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dự báo sẽ gặp khó hơn kể từ ngày 1-9, khi nghị định 81 của Chính phủ có hiệu lực, với những điều kiện ràng buộc đối với doanh nghiệp phát hành.

Cửa hẹp với trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều người chọn mua trái phiếu do lãi suất cao hơn lãi tiết kiệm nhưng các chuyên gia khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường TPDN cần được khuyến khích phát triển nhằm tạo ra một kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp (DN), thay vì phụ thuộc vào vốn tín dụng và thị trường chứng khoán, nhưng việc đưa thị trường này vào khuôn khổ là cần thiết nhằm bảo vệ các nhà đầu tư.

Kênh huy động vốn hấp dẫn với doanh nghiệp

Sau một thời gian tăng trưởng mạnh, trong tháng 7-2020, theo số liệu của Công ty chứng khoán VNDirect, tổng giá trị phát hành TPDN đã giảm 41,1% so với tháng trước, trong đó tỉ lệ phát hành riêng lẻ giảm 56,4%.

Theo VNDirect, việc Bộ Tài chính liên tục phát đi cảnh báo rủi ro sau khi hoạt động phát hành TPDN tăng đột biến và tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia các đợt phát hành riêng lẻ có xu hướng tăng mạnh trước đó, khiến nhà đầu tư có phần thận trọng hơn.

Đợt dịch COVID-19 thứ 2 cũng làm cho sức cầu với TPDN giảm nhiệt, khi nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro. Trước đó, trong nửa đầu năm 2020, theo số liệu của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng phát hành TPDN đạt 171.500 tỉ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 94,2% TPDN là phát hành riêng lẻ.

Các nhà đầu tư cá nhân đã mua 23.000 tỉ đồng TPDN (13,4% tổng lượng phát hành) do lãi suất rất cao, lên tới 13-14%, gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài.

Nhiều người dân cũng thừa nhận đã quyết định mua TPDN do lãi suất hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm, trong khi không có nhiều kênh đầu tư an toàn. Trong khi đó, một số DN cho biết đã chọn phương thức phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn thay vì đi vay ngân hàng (NH) do có thể huy động nhanh, vốn dài hạn và không phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe như khi vay NH, chưa kể những khoản chi phí không tên khác.

Thị trường trái phiếu sẽ lành mạnh hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho rằng trái phiếu là công cụ huy động vốn dài hạn quan trọng, giúp các DN giảm bớt phụ thuộc vốn NH. "Các DN cũng được khuyến khích huy động vốn trên thị trường này, nhất là trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của các NH bị giới hạn.

Tuy nhiên thời gian qua một số DN đã tận dụng kẽ hở của chính sách để đua phát hành TPDN, nên rất cần có quy định nhằm chấn chỉnh", vị này nói.

Với nghị định 81 (sửa đổi, bổ sung nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu), có hiệu lực từ ngày 1-9 tới, với nhiều điều kiện khắt khe hơn là rất kịp thời và cần thiết để đưa thị trường này vào khuôn khổ.

Chẳng hạn DN phải đáp ứng các điều kiện như dư nợ phát hành trái phiếu riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất, các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin...

Theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, với các yêu cầu mới này, các tổ chức phát hành trái phiếu phải công khai, minh bạch và chuẩn mực hơn. "Quy định này không phải nhằm siết thị trường hay tạo ra rào cản với DN, mà giúp lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo được quyền lợi cho các nhà đầu tư tham gia thị trường", ông Minh nói.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất cao luôn đi kèm với rủi ro cao bởi trong số các DN phát hành trái phiếu, chỉ có một số ít DN được NH bảo lãnh phát hành, còn lại là chỉ tư vấn phát hành.

Hơn nữa, bảo lãnh phát hành được hiểu là nếu DN bán không hết thì NH sẽ đứng ra mua, chứ không có chuyện NH sẽ đứng ra thanh toán cho người mua nếu DN chẳng may phá sản hoặc gặp vấn đề về tài chính, không thể thanh toán cho trái chủ.

"Hai vấn đề này khác nhau hoàn toàn nên người mua cần tìm hiểu kỹ về DN, xem DN làm ăn thế nào, phát hành làm gì, điều kiện trả lãi ra sao, có tài sản hay không... Chỉ khi đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư cá nhân mới nên mua TPDN phát hành riêng lẻ.

Ngay cả với TPDN được tổ chức bảo lãnh và phân phối cam kết mua lại, nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng do các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết nếu gặp khó khăn về tài chính", ông Lực nói.

Ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi

Các NH chỉ được mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do NH khác phát hành có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Đó là nội dung chính trong dự thảo thông tư đang được NH Nhà nước đưa ra lấy ý kiến. Với giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính phát hành, NH chỉ được mua, bán, không được mua từ cá nhân.

Với trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, bên mua trái phiếu phải đáp ứng quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần tại thời điểm chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền mua cổ phiếu với trái phiếu kèm theo chứng quyền. Đặc biệt, chi nhánh NH nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.

Trái phiếu doanh nghiệp ‘bùng nổ’ trước thời hạn bị siết Trái phiếu doanh nghiệp ‘bùng nổ’ trước thời hạn bị siết

TTO - Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, trong nửa đầu năm 2020, tổng lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tăng 61,3% so với cùng kỳ, ở mức 171.500 tỉ đồng. Trong đó, bất động sản và ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp